
Hôm 4-8, Jean-Marie Bocket, quốc vụ khanh phụ trách hợp tác của Pháp, có chuyến thăm Niger nhằm dàn xếp cuộc “khủng hoảng mini” và tái thương thảo về quan hệ giữa Tập đoàn năng lượng hạt nhân Pháp Areva và Niger. Trước đó, Tổng thống Pháp N. Sarkozy và người đồng nhiệm Niger, ông Mamadou Tandja, cũng đã nói chuyện qua điện thoại hôm 31-7... Hai nước gần đây đã căng thẳng ngoại giao chỉ vì một lý do: uranium.
Hỗ trợ quân nổi loạn?

Tương lai của Areva tại Niger, nơi họ khai thác uranium, không còn sáng sủa nữa sau quá trình hợp tác suốt 40 năm. Chính phủ Niger đã cáo buộc Areva tài trợ cho cuộc nổi dậy của người Tuareg ở miền Bắc và lệnh trục xuất Dominique Pin, giám đốc tập đoàn, hôm 25-7.
Theo Bockel phân trần, Tập đoàn Areva chỉ “vô tình thiếu tế nhị” và Areva cũng chính thức phủ nhận việc hỗ trợ cho lực lượng nổi dậy người Tuareg. Areva đã bổ sung người vào Lực lượng can thiệp và an ninh quốc gia (FNIS), thành lập cách đây 12 năm sau khi kết thúc cuộc xung đột đầu tiên với người Tuareg. Tuy có nhiệm vụ bảo vệ công trường Areva ở Imouraren, các binh sĩ trong lực lượng này gần đây lại đào ngũ. Chỉ huy lực lượng cũng bỏ qua Phong trào người Niger vì công lý (MNJ) người Tuareg cùng với vũ khí và tiền bạc, dẫn đến cáo buộc của Chính phủ Niger với Areva.
Quan hệ giữa Paris và Niamey trở nên căng thẳng từ cuối tháng 6, sau khi Niger trục xuất Gilles Denamur, nhân viên phụ trách an ninh của Areva, đồng thời là cựu đại tá và cựu phái viên quân sự ở Niamey. Nhiều tổ chức phi chính phủ cũng chỉ trích Areva không chú tâm ngăn ngừa rủi ro khi khai thác uranium.
Areva không còn độc quyền
Hôm 1-8, Ngoại trưởng Niger, Aichatou Nindaoudou, cùng chủ tịch Areva, Anne Lauvergeon, đã ký lại hợp đồng khai thác quặng mỏ ở Somair và Cominak. Dự kiến giá bán uranium sẽ tăng. Niamey cũng có thể bán trực tiếp một phần uranium với giá cao hơn. Ngoài ra, Areva sẽ phải xin 5 giấy phép khai thác, ngoài 4 giấy phép họ đã có gần đây.
Thời gian và độc quyền khai thác quặng uranium của Areva cũng không còn. Giống như những nước sản xuất dầu khí, Niger nay muốn khai thác phần lớn tài nguyên mỏ. Tổng thống Tandja cho biết: “Năm 2008, chúng tôi sẽ thương lượng cẩn thận. Uranium là tài nguyên của Niger. Nó sẽ được bán để thu lợi cho đất nước chúng tôi”. Chỉ trích các hợp đồng cũ, Thủ tướng Niger, Seyni Oumarou, nhấn mạnh rằng, việc khai thác uranium theo đà phát triển năng lượng hạt nhân đã làm Niger trở thành “một cô gái được nuông chiều”, có nhiều “đàn ông” ve vãn, và “sẽ không có gì giống như trước đây”. Từ nay trở đi, Niger sẽ đa dạng hóa các đối tác. Trung Quốc ngày càng quan tâm tìm kiếm “bánh vàng” để cung cấp cho kho dự trữ năng lượng hạt nhân, trong khi Australia, Canada và Ấn Độ cũng bắt đầu thăm dò sa mạc Niger.
Tuy nhiên, Areva vẫn muốn tiếp tục hoạt động ở nước này, nơi họ là đối tác khai thác uranium đầu tiên với 1.600 nhân công. Areva dự kiến đầu tư 1 tỷ euro cho cơ sở ở Imamouren, tiếp tục khai thác 2 mỏ, tìm kiếm các nguồn nhiên liệu.
Cộng hòa Niger từng là thuộc địa của Pháp, tuyên bố độc lập năm 1960. Niger nằm lọt trong đất liền ở Tây Phi, phía Nam giáp Nigeria và Benin, phía Tây giáp Burkina Faso và Mali, phía Bắc giáp Algeria và Libya, phía đông giáp CH Chad. Thủ đô Niger là Niamey, tiếng Pháp là ngôn ngữ chính thức, diện tích 1.267.000km², dân số khoảng 14 triệu người. Tuy đứng chót trong bảng xếp hạng của LHQ về phát triển con người, Niger là nước sản xuất uranium hàng thứ năm thế giới – sau Canada, Australia, Kazakhstan và Nga. Nguồn uranium của Niger bảo đảm 1/3 lượng dự trữ của Tập đoàn Areva và cung cấp cho các trung tâm năng lượng hạt nhân của Tập đoàn điện lực Pháp EDF. |
VÕ HÀ (theo Le Monde)