Phát động Tết trồng cây

* Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dự khai mạc lễ hội tịch điền
Phát động Tết trồng cây

* Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dự khai mạc lễ hội tịch điền

(SGGP).- Sáng 20-2, tại KCN Đồng Văn (tỉnh Hà Nam), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã phát động Tết trồng cây Đời đời nhớ ơn Bác Hồ lần thứ 50. Tết trồng cây năm nay mang chủ đề “Trồng cây để giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu”.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ca ngợi tầm nhìn xa trông rộng của Bác Hồ khi Người phát động Tết trồng cây cách đây tròn 50 năm, đưa phong trào trồng cây, trồng rừng trở thành nét đẹp văn hóa của dân tộc khi mỗi độ xuân về. Chủ tịch nước nêu rõ: thực hiện lời kêu gọi trồng cây, gây rừng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong nửa thế kỷ qua, nhân dân cả nước và ngành nông nghiệp triển khai trồng mới, bảo vệ, chăm sóc được hàng triệu hécta rừng. Việc chăm lo bảo vệ, chăm sóc rừng cũng ngày càng tốt.

“Mỗi người chúng ta cũng phải nghiêm túc nhìn nhận việc trồng và bảo vệ rừng vẫn còn nhiều khó khăn. Lâm tặc ở một số nơi còn hoành hành, cháy rừng còn xảy ra nghiêm trọng. Biến đổi khí hậu đang diễn biến hết sức phức tạp, hàng năm nước ta chịu nhiều bão lũ, gây thiệt hại to lớn về tài sản và sinh mạng của nhân dân. Vì vậy, bảo vệ môi trường là nhiệm vụ hết sức bức bách, trở thành mệnh lệnh”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Ngày 20-2, lễ hội đền Mẫu Âu Cơ được tổ chức long trọng tại xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã đến thắp hương tưởng nhớ các Vua Hùng, mẹ Âu Cơ.

Cùng ngày, lễ hội Xuân Thăng Long - Hà Nội 2010 đã diễn ra tại vườn hoa Lý Thái Tổ, Hà Nội với sự tham dự của hàng ngàn người dân thủ đô.

Mặc dù phải đêm mùng 7 Tết (20-2) mới chính thức mở cửa nhưng từ rạng sáng hôm qua, cả hai lễ hội chợ Viềng Phủ ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản và Viềng Chùa ở thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, cùng thuộc tỉnh Nam Định đã khai hội. Đây là hội chợ dân gian chỉ tổ chức vào ban đêm, và chỉ duy nhất vào một đêm mùng 7 tháng Giêng Âm lịch, để cầu may. Các mặt hàng được bày bán ở chợ Viềng Phủ chủ yếu là cây cảnh, cây giống, các dụng cụ nông nghiệp được mang từ nhiều tỉnh, thành về. Còn ở chợ Viềng Chùa là nơi mua bán, sưu tầm đồ cổ.

Cùng ngày, tại chùa Hương Tích (thuộc xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh), UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chính thức khai hội chùa Hương Tích mở đầu năm du lịch Hà Tĩnh 2010. Ngay trong ngày khai hội đã có gần 10.000 lượt khách đến chùa hành hương. Trước đó, từ ngày 13 đến 19-2, đã có gần 14.000 lượt khách đến chùa Hương Tích hành hương, dâng lễ.

NHÓM PV

Lễ hội tịch điền 2010: Tạo dựng thương hiệu văn hóa

Ngày 20-2, tại cánh đồng xã Đọi Sơn (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam), Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Nam phối hợp với Bộ VH-TT-DL, Bộ NN-PTNT đã long trọng tổ chức khai mạc lễ hội Tịch điền Đọi Sơn 2010.

Về dự và phát biểu khai mạc lễ hội, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: Việt Nam từ bao đời nay là nước nông nghiệp, phát triển đi lên từ nông nghiệp. Hiện nay đất nước đang đi lên CNH-HĐH, nhưng nông nghiệp vẫn có có vị trí vô cùng quan trọng vì có tới hơn 60% người dân gắn bó với nông nghiệp và nông thôn. Cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu năm qua đã tác động lớn đến mọi quốc gia, mọi gia đình, nhưng chính nhờ nền nông nghiệp vững chắc, cuộc sống của người dân Việt Nam đã được bảo đảm ổn định. Vì vậy, trong quá trình phát triển của đất nước, mặt trận nông nghiệp, nông thôn và nông dân có vị trí rất quan trọng, không thể xem nhẹ.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết mở đường cày đầu xuân tại lễ hội tịch điền. Ảnh: MINH ĐIỀN

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết mở đường cày đầu xuân tại lễ hội tịch điền. Ảnh: MINH ĐIỀN

Sau phần khai mạc lễ hội, một cụ cao niên đã thực hiện nghi lễ hóa thân thành hình tượng Vua Lê Đại Hành đi cày tịch điền khai xuân. Tiếp đó, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Hà Nam và đại diện tầng lớp nông dân trong tỉnh đã thực hiện nghi lễ cày tịch điền.

Lễ hội tịch điền 2010 được tổ chức với mong muốn đưa lễ hội này thành một sự kiện diễn ra thường niên để dần dần trở thành thương hiệu văn hóa của tỉnh Hà Nam.

Năm nay, ngoài các hoạt động lễ còn có một số trò chơi dân gian, dàn trống hội bề thế, trong lễ hội còn diễn ra giải vật võ mùa xuân, liên hoan múa rồng lân. Đặc biệt, vào mùng 6 Tết, tại khu ruộng tịch điền đã diễn ra cuộc thi vẽ trâu với sự có mặt và phóng bút của nhiều họa sĩ đến từ Hà Nội, Huế, TPHCM. Cuộc thi này còn thu hút các họa sĩ của Thái Lan, Malaysia... 30 con trâu khỏe mạnh được tập hợp trên thửa ruộng đã được trang trí sặc sỡ với nhiều hình vẽ, biểu tượng văn hóa vừa mang tính dân tộc, vừa được cách điệu mang dáng dấp hiện đại.

M.AN
 

Tin cùng chuyên mục