Phát hành trái phiếu quốc tế: Tháo gỡ rào cản

Nhận thấy năm 2011 sẽ gặp nhiều khó khăn về vốn nên từ cuối năm 2010, các doanh nghiệp (DN) lớn ở nước ta đã lên kế hoạch thu hút nguồn vốn từ nước ngoài. Tuy nhiên, hành trình tìm vốn rất gian nan.
Phát hành trái phiếu quốc tế: Tháo gỡ rào cản

Nhận thấy năm 2011 sẽ gặp nhiều khó khăn về vốn nên từ cuối năm 2010, các doanh nghiệp (DN) lớn ở nước ta đã lên kế hoạch thu hút nguồn vốn từ nước ngoài. Tuy nhiên, hành trình tìm vốn rất gian nan.

“Đại gia” thiếu vốn

Xác định năm 2011 cần khoảng 5-6 tỷ USD để đầu tư phát triển nên từ năm 2009 Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đã lên kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế trị giá khoảng 1 tỷ USD. Mặc dù đã có quá trình chuẩn bị gần 2 năm nhưng do bức tranh tài chính toàn cầu ảm đạm nên kế hoạch này phải “án binh bất động”. Đến giờ, kế hoạch cũng chưa biết có thể triển khai được trong năm nay hay không. Thực tế này đã tạo ra áp lực rất lớn lên nguồn vốn phát triển của PVN bởi PVN chỉ tự thu xếp được 30% nguồn vốn. Trong khi đó, trong năm 2011, PVN sẽ phải tiếp tục khởi công một loạt dự án nhiệt điện quan trọng như Long Phú 1, Sông Hậu 1, Thái Bình 2, Quảng Trạch 1 và Lọc dầu Nghi Sơn; đồng thời, PVN còn mở rộng đầu tư ở Nga, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Nhiều doanh nghiệp cần vốn để mở rộng quy mô sản xuất. Ảnh: Cao Thăng

Nhiều doanh nghiệp cần vốn để mở rộng quy mô sản xuất. Ảnh: Cao Thăng

Cùng cảnh ngộ phải lùi kế hoạch phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế còn có Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Để đảm bảo nguồn vốn cho các dự án điện, trong năm 2011, EVN có kế hoạch phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu trong nước và 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế. Năm ngoái, EVN cũng lên kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế 1 tỷ USD để lo vốn cho các dự án điện nhưng phương án này đã hoãn lại do thị trường không thuận lợi…

Cùng với các “ông lớn” nhà nước, các tập đoàn tư nhân cũng ráo riết tìm cách phát hành trái phiếu quốc tế khi chật vật trong việc tìm kiếm nguồn vốn trong nước. Cuối năm vừa qua, đại hội cổ đông bất thường của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã thông qua nghị quyết huy động vốn bằng việc phát hành trái phiếu quốc tế trị giá 200 triệu USD với thời hạn tối đa 5 năm. Theo đề án này, trái phiếu của HAGL sẽ được niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Singapore, lãi suất cố định căn cứ vào hệ số tín nhiệm của HAGL và HAGL có quyền mua lại trái phiếu sau 3 năm phát hành. Số vốn thu được từ kế hoạch trên sẽ được HAGL dùng để đầu tư, chăm sóc và trồng mới 51.000ha cao su ở Việt Nam, Lào, Campuchia; xây dựng các nhà máy thủy điện...

Còn nhiều rào cản

Việc phát hành trái phiếu quốc tế của các DN lớn gặp trục trặc không chỉ do bản thân DN chưa tạo được niềm tin mà còn do nền kinh tế Việt Nam cũng chưa thật sự vững vàng trong mắt các nhà đầu tư quốc tế. Thời điểm cuối năm 2010, khi các DN lớn dự kiến phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế, cũng là lúc “con tàu” Vinashin gặp nạn nên tác động “vạ lây” đến các DN khác. Các nhà đầu tư quốc tế săm soi kỹ hơn “sức khỏe” của các DN Việt Nam. Dù là tập đoàn kinh tế lớn nhất Việt Nam nhưng PVN cũng không tự quyết được toàn bộ dòng tiền vào - ra PVN, một phần vốn đầu tư của PVN do ngân sách điều tiết từ doanh số bán dầu mỏ. Còn các dự án của EVN cũng chưa đủ thuyết phục các nhà đầu tư khi giá bán điện còn thấp so với kỳ vọng. Ngành than đá và khoáng sản cũng không sáng sủa lắm khi tỷ lệ than xấu còn không ít, than lại đang bị hạn chế xuất khẩu; giá một số khoáng sản cũng đang tuột dốc...

Theo TS Thân Thị Thu Thủy, Chủ nhiệm Bộ môn Chứng khoán (Trường ĐH Kinh tế TPHCM), phát hành trái phiếu quốc tế là xu hướng cần thiết và tích cực trong hoàn cảnh các nguồn vốn khác ngày càng nan giải. Do vậy, Chính phủ nên khuyến khích DN tự phát hành chứ không nên đứng ra bảo lãnh. Chính phủ phải làm “bà đỡ” đối với DN, nghĩa là Chính phủ nên tìm giúp DN nhà tư vấn, bảo lãnh nước ngoài. Lý giải về tình trạng khó phát hành trái phiếu quốc tế, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Tân Việt (TVSI) Nguyễn Văn Dũng cho rằng, đó là do hệ số tín nhiệm DN lẫn hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam chưa cao. Do đó, dù trái phiếu phát hành ra thị trường quốc tế của DN Việt Nam thường có lãi suất khá cao (7%-8%/năm) so với trái phiếu của một số nước khác, mức chênh lệch 1%-2%, nhưng cũng chưa hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế.

Theo TS Thân Thị Thu Thủy, DN VN muốn nâng cao hệ số tín nhiệm trước hết phải thay đổi phong cách quản trị DN và báo cáo tài chính theo những chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Sacombank Nguyễn Thanh Hùng cho rằng, DN VN phải chuẩn bị tất cả các điều kiện phát hành và chờ đến khi thị trường thuận lợi sẽ chớp lấy thời cơ. Phải xác định được nhà đầu tư vào trái phiếu là ai để công bố công khai kế hoạch phát hành, mục đích huy động vốn, tình hình hoạt động... một cách minh bạch. Đây là điều kiện tối cần thiết để đẩy nhanh tiến trình thâm nhập thị trường vốn quốc tế của các DN VN, từ đó mở đường cho phát hành và niêm yết cổ phiếu quốc tế.

Đảm bảo nguồn vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Nhằm thực hiện kiềm chế lạm phát, UBND TPHCM chỉ đạo Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa thẩm định và bảo lãnh vay vốn ngân hàng các dự án khả thi, hướng dẫn hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý đảm bảo các thủ tục để doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn ngân hàng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi đảm bảo nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, để đảm bảo nguồn vốn, UBND TP cũng giao Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước tăng cường huy động nguồn vốn trong và ngoài nước đảm bảo nguồn vốn đầu tư trên địa bàn thành phố. Đồng thời, phải sử dụng hiệu quả nguồn vốn hiện có. Đối với các công ty lớn, UBND TP chỉ đạo phải xây dựng kế hoạch sản xuất, dự trữ, lưu thông, phân phối hàng hóa, tập trung vào các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, kinh doanh, đảm bảo giá thành hợp lý, cùng chia sẻ khó khăn đối với người tiêu dùng.

 H.NI

HOÀNG LIÊM

Tin cùng chuyên mục