
Trong lúc ngành chức năng đang điều tra vụ dầu dỏm làm hỏng máy của ngư dân thì chúng tôi đã tìm ra nơi dầu biodiesel bắt đầu ra lò để “chảy” xuống Cà Mau. Nhưng nơi sản xuất của nó không phải là vùng nuôi nhiều cá như An Giang hay Cần Thơ mà là… một doanh nghiệp tư nhân ở thị xã Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.
- Nơi biodiesel bắt đầu “chảy”

Nguyễn Thành Hiệp giới thiệu dây chuyền sản xuất dầu biodiesel của mình
Vượt qua đoạn đường đầy bụi đá và ổ voi, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được nơi sản xuất dầu biodiesel mà ngư dân Cà Mau và những người sử dụng xe cuốc, xe ủi và xe tải sử dụng trong thời gian qua. Đó là xưởng sản xuất mỡ và dầu tinh luyện từ mỡ động, thực vật của doanh nghiệp tư nhân Liên Hiệp Thành (đường Lý Thường Kiệt – TX Sóc Trăng, T. Sóc Trăng) do anh Nguyễn Thành Hiệp làm chủ.
Theo anh Hiệp, ở Sóc Trăng anh là người có kinh nghiệm nhiều năm trong nghề sản xuất dầu tinh luyện từ mỡ động, thực vật và đặc biệt là sản xuất thành công loại dầu không bị đông đặc lại khi gặp thời tiết giá rét theo đơn đặt hàng của các tỉnh miền Bắc. Từ thành công này đã mở ra cho anh Hiệp hướng sản xuất dầu biodiesel với các chỉ tiêu chất lượng giống như dầu diesel dùng cho xe ô tô và máy nổ.
Anh cho biết: “Vào ngày 28-6-2006 là lần thứ hai mang mẫu lên Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (gọi tắt là Trung tâm 3) ở TPHCM thử nghiệm thấy có kết quả đạt yêu cầu so với chỉ tiêu chất lượng của dầu diesel theo tiêu chuẩn Việt Nam đề ra nên sau đó tôi mới bán dầu biodiesel ra thị trường”.
Ngoài việc sử dụng dầu cho ô tô gia đình và những chiếc xe tải chở hàng, Hiệp còn bán hàng chục ngàn lít dầu biodiesel cho những người sử dụng xe cuốc, xe ủi trên địa bàn Sóc Trăng, Trà Vinh và đưa về Cà Mau một lượng lớn vì mỗi ngày doanh nghiệp Liên Hiệp Thành sản xuất trên 2.000 lít dầu biodiesel. Mặc dù chủ doanh nghiệp cho biết chỉ bắt đầu chính thức bán ra ngoài từ đầu tháng 7 đến tháng 11-2006 rồi ngưng do… “giá mỡ nguyên liệu quá cao”.
Như vậy có thể nhận định rằng dầu biodiesel từ Sóc Trăng sau khi vận chuyển về Cà Mau đã được một số người hám lợi pha với dầu DO để bán cho ngư dân vì theo anh Hiệp giá dầu biodiesel bán chỉ có 6.800đ/lít, lúc giá mỡ cao giá dầu tăng lên 7.700đ/lít. Với giá này, nếu pha dầu biodiesel vào dầu DO thì người bán sẽ lời thêm 700 – 1.300đ/lít. Đó là một lợi nhuận không nhỏ nếu bán với số lượng hàng chục ngàn lít.
- Biodiesel + dầu DO = gây nghẹt ống lược
Đó là khẳng định chắc nịch của “nhà sản xuất biodiesel” Nguyễn Thành Hiệp . Anh cho rằng: “Khuyết điểm của dầu biodiesel là khi pha với dầu DO sẽ làm kết dính các loại cặn nên dầu qua hệ thống lược trong máy rất khó”. Hiệp còn hé lộ cho biết rằng nếu pha biodiesel với dầu DO để trong bình bằng kim loại không phải là inox thì dầu và kim loại sẽ “trung hòa”, có nghĩa là kim loại sẽ nhanh chóng bị… “tan” trong dầu. Hiệp nói: “Đây là kinh nghiệm mà chắc không ai biết nên chúng tôi có dặn người mua hãy sử dụng 100% dầu biodiesel, đừng nên pha với dầu DO và thiết bị chứa dầu biodiesel cũng phải bằng inox”.
Ngoài ra, anh Hiệp còn cung cấp cho chúng tôi phiếu kết quả xét nghiệm của Trung tâm 3 đối với mẫu dầu biodiesel pha với dầu DO theo tỷ lệ 50-50. Kết quả do bà Trần Thị Mỹ Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm 3 ký có ghi rõ: “Không thử nghiệm được nhiệt độ chớp cháy cốc kín do mẫu không phù hợp với phương pháp thử” và nhiệt độ đông đặc lên đến +9 0C (không phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam). Với kết quả này có thể khẳng định rằng những mẫu dầu DO bị pha biodiesel theo tỷ lệ 50% ở cửa biển Khánh Hội (Cà Mau) là nguyên nhân làm cho máy của ngư dân bị hư hỏng.
HỒNG DÂN