Ngày 2-10, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm thực hiện 2 đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước” (Đề án 343) và “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt” (Đề án 704). Bên cạnh nhiều mô hình hay, cách làm tốt, hội nghị cũng chia sẻ nhiều khó khăn, vướng mắc từ các cấp hội phụ nữ địa phương.
Phụ nữ TPHCM diễu hành trong lễ kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thông nhất đất nước
Xuất hiện nhiều mô hình hay
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, sau 5 năm thực hiện, các đề án đã đi vào cuộc sống, tạo thành các phong trào thiết thực tại các địa phương trên cả nước. Trong các hình thức tuyên truyền, giáo dục đã được triển khai, loại hình truyền thông trực tiếp tại cộng đồng được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để các phẩm chất đạo đức của phụ nữ trong thời kỳ mới “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” có sức lan tỏa sâu rộng hơn cả.
Thực tế cho thấy, việc tuyên truyền, giáo dục đã góp phần làm thay đổi ý thức, hành vi, thái độ của nhiều nhóm phụ nữ. Với nhóm phụ nữ tiểu thương đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cải thiện hình ảnh phụ nữ tiểu thương trong con mắt cộng đồng và khách du lịch, như: CLB “Phụ nữ tiểu thương văn minh hiện đại” tại Thừa Thiên - Huế, CLB “Nữ tiểu thương tự tin - tự trọng - chữ tín trong kinh doanh” tại TPHCM; mô hình “Nét đẹp thanh lịch trong phụ nữ tiểu thương khu vực phố cổ” tại Hà Nội… Với nhóm phụ nữ dân tộc, tôn giáo cũng xuất hiện các CLB như: “Phụ nữ tứ đức” tại Đắk Lắk, “Tuyên truyền giáo dục trong giới hiền mẫu” tại Bà Rịa - Vũng Tàu… Đặc biệt với nhóm phụ nữ phạm nhân, mô hình “Đồng cảm với nữ phạm nhân” của Hội LHPN Diên Khánh (Khánh Hòa) đã hỗ trợ tinh thần, tạo cơ hội cho những người phụ nữ sau vấp ngã làm lại cuộc đời. Bên cạnh đó, tại các khu công nghiệp, các mô hình dành cho nữ công nhân trẻ cũng giúp các chị em mạnh dạn, tự tin nói lên tâm tự nguyện vọng của mình với giới chủ doanh nghiệp...
Với Đề án 704, thành công lớn nhất là cung cấp kiến thức, kỹ năng nuôi dạy trẻ cho 5 triệu bà mẹ có con dưới 16 tuổi, góp phần đáng kể vào giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, bệnh tật, tử vong ở trẻ em, hạn chế tình trạng trẻ em hư, vi phạm pháp luật, mắc các tệ nạn xã hội… Trong đó, các mô hình điểm là “Người cha tốt của con” tại Đà Nẵng và Hà Nam; các CLB “Giáo dục tích cực của cha mẹ có con lứa tuổi vị thành niên” tại Quảng Trị, Hà Tĩnh, Đà Nẵng; đề án “Hỗ trợ phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục” tại khu công nghiệp, khu chế xuất đến 2020 của TPHCM…
Còn nhiều khó khăn
Tại hội nghị, nhiều ý kiến đã chia sẻ về những khó khăn trong việc triển khai đề án. Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, cho rằng, Đề án 343 đề cập vấn đề khó, mang tính định hướng, rất cần sự đồng thuận của phụ nữ và người dân dẫn tới chậm tiến độ. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, giữ gìn truyền thống đang gặp nhiều thách thức, việc rèn luyện các phẩm chất đạo đức đòi hỏi cả quá trình. Vì vậy, việc triển khai trong thời gian 5 năm chưa tạo được những chuyển biến cụ thể, chưa hình thành được những phẩm chất đạo đức bền vũng, đáp ứng yêu cầu phát triển của thời kỳ mới. Tương tự, Đề án 704 cũng chưa được triển khai mạnh đến các vùng sâu, vùng xa, miền núi có nhiều khó khăn, chưa có nhiều hoạt động thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Thực tế, tình trạng trẻ suy dinh dưỡng, bỏ học, mắc tệ nạn xã hội còn cao, tình trạng bạo hành, bóc lột sức lao động trẻ vị thành niên vẫn tiếp diễn ở nhiều nơi.
Theo đại diện Hội LHPN TPHCM, qua thực tế tại TPHCM cho thấy sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương là yếu tố quan trọng trong việc triển khai các đề án của hội, việc lồng ghép các hoạt động cũng là giải pháp hữu ích trong bối cảnh nguồn lực còn gặp nhiều khó khăn.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu, trong thời gian tới, Ban chỉ đạo các đề án cần tiếp tục cụ thể hóa một số nội dung trong các đề án; chú trọng công tác đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện; tích cực nhân rộng, khen thưởng kịp thời các tấm gương điển hình; tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành để xây dựng kế hoạch hoạt động nhằm phát huy tối đa những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ mới.
BÍCH QUYÊN