Phát huy “sức mạnh mềm” quốc gia

Phát triển xã hội toàn diện và bền vững là mục tiêu ưu tiên của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đó là tiến trình gắn kết chặt chẽ, nhịp nhàng giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa văn nghệ. Hoạt động kinh tế và hoạt động văn hóa văn nghệ vì thế là cặp phạm trù song hành không thể tách rời, cũng không thể để cho lệch pha!

Xử lý hài hòa mối quan hệ hữu cơ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa văn nghệ là nhằm làm cho văn hóa văn nghệ thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Tăng trưởng kinh tế hiển nhiên giữ vai trò then chốt làm dồi dào tiềm lực quốc gia, nâng cao đời sống, bảo đảm phát triển năng động văn hóa văn nghệ.

Văn hóa văn nghệ trực tiếp tham gia vào quá trình hun đúc tâm hồn, tình cảm, ý thức, thái độ sống nhằm hình thành con người - chủ thể cuộc sống, với những đặc điểm nhân cách và phẩm chất cao đẹp. Khi phát triển cao độ, văn hóa sẽ thấm sâu vào đời sống xã hội, sẽ trở thành động lực tinh thần, sức mạnh nội sinh chủ yếu của phát triển. Ngày nay, trong diễn tiến toàn cầu, văn hóa đang trở thành “sức mạnh mềm” quốc gia, là nhân tố dự phần quyết định trong cạnh tranh tổng hợp.

Khi tăng trưởng kinh tế đạt hiệu quả lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa phát triển tới trình độ cao sẽ tạo ra những điều kiện thuận lợi cho văn hóa văn nghệ phát triển, xây dựng nền tảng vật chất kỹ thuật cho hoạt động văn hóa văn nghệ cất cánh.

Đất nước ta sau đổi mới, gia nhập WTO đã thực sự bước vào tiến trình tăng trưởng kinh tế và hội nhập quốc tế. Cùng lúc đó, hoạt động văn hóa văn nghệ đất nước cũng bước đầu giành được những thành tựu đáng ghi nhận, có nhiều nỗ lực phục vụ nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân.

Tuy nhiên, trước những biến động quá lớn và nhanh của cuộc sống, hoạt động đời sống văn hóa văn nghệ hiện thời dường như không còn đủ sức đáp ứng đầy đủ nhu cầu, thậm chí có mặt còn tụt hậu trước đòi hỏi của thời đại: hệ thống cơ sở vật chất văn hóa văn nghệ cả nước – nhất là ở vùng nông thôn rộng lớn, chưa thoát khỏi nghèo nàn thiếu thốn, đội ngũ làm văn hóa văn nghệ chưa tinh luyện và không được bổ sung, nâng cao đúng mức. Không ít tác phẩm nghệ thuật thiếu sức sống, bị thương mại hóa một chiều, tầm trí tuệ bị hạ thấp, giá trị thẩm mỹ bị phôi pha.

Trước tình trạng phức tạp của đời sống với sự đan xen lẫn lộn cái tốt với cái xấu, cái nhân nghĩa với cái ác độc, hoạt động văn hóa văn nghệ của chúng ta dường như vừa bị động vừa yếu thế, không đủ sức chế ngự sự phát triển khá ào ạt của tiêu cực xã hội với sự xuống cấp đáng báo động của đạo đức, mà biểu hiện đặc trưng là tệ nạn tham nhũng tràn lan, là sự lên ngôi của thói giả dối, ích kỷ, cá nhân, coi đồng tiền là tối thượng duy nhất.

Hiện tượng đáng bất an nói trên nảy nở, trước hết là từ mặt trái của cơ chế thị trường, cạnh đó là từ sự thiếu hụt nhận thức dẫn đến trạng thái thờ ơ, thiếu quan tâm thiết thực và hiệu quả của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức có trách nhiệm đối với hoạt động của mặt trận văn hóa văn nghệ.

Nay, trong điều kiện nền kinh tế nước nhà đã có bước tăng trưởng nhất định, cần nghiêm túc nhận thức vai trò và tác động tinh nhạy của văn hóa văn nghệ đối với cốt lõi đời sống con người và xã hội, từ đó có chính sách cụ thể, sâu sát và kịp thời phát triển văn hóa văn nghệ. Cần có quy hoạch tổng thể và kế hoạch chi tiết cho từng giai đoạn với tổng thể quốc gia cũng như đối với từng vùng lãnh thổ.

Kết hợp hài hòa tăng trưởng kinh tế với phát triển hoạt động văn hóa văn nghệ là sự nghiệp lớn, quan trọng và hết sức cấp bách; cần được các cấp, các ngành quan tâm đầy đủ và tiến hành hiệu quả. Đây là con đường ngắn tạo ra động lực thúc đẩy “sức mạnh mềm” quốc gia, đảm bảo sự phát triển đất nước hợp lý, toàn diện và bền vững.

Trần Luân Kim

Tin cùng chuyên mục