Dù mới phát triển ở Việt Nam chưa lâu, song khi đánh giá về mô hình này, các chuyên gia đều cho rằng: Kinh tế chia sẻ (KTCS) có tiềm năng phát triển to lớn nhưng cũng làm nảy sinh nhiều thách thức mới.
Theo dự thảo “Báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình KTCS chính” mà Bộ KH-ĐT vừa hoàn thành, sự phát triển của các loại hình KTCS thời gian qua đã góp phần khuyến khích kinh doanh, mở rộng và tăng quy mô thị trường; mở rộng phạm vi không gian của các giao dịch kinh tế, đem lại nhiều lợi ích cho các bên tham gia và tăng tính minh bạch của thị trường. KTCS thúc đẩy và thu hút đầu tư mới, đặc biệt vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo, góp phần đẩy nhanh tiến độ phát triển khoa học - công nghệ…
Chẳng hạn, trong lĩnh vực vận tải, ở Việt Nam, chỉ trong 2 năm (2016-2018) thực hiện đề án thí điểm “Triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng”, cả nước có 866 đơn vị vận tải với 36.809 phương tiện và hàng chục ngàn lao động tham gia thí điểm. Báo cáo nghiên cứu về nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019 của Google, Temasek Holdings, Bain&Co nhận định, quy mô thị trường gọi xe và giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam đạt doanh thu 1,1 tỷ USD vào năm 2019, tăng hơn 5 lần so với năm 2015 (200 triệu USD) và dự báo đạt 4 tỷ USD vào năm 2025…
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, nước ta vẫn chưa có đầy đủ quy định pháp lý đối với mô hình KTCS. Chẳng hạn, việc cấp giấy phép hoạt động đối với các mô hình KTCS còn vướng mắc, do một số loại hình không nằm trong danh mục ngành nghề kinh doanh hoặc chưa xác định được ngành nghề kinh doanh và gây ra nhiều tranh luận. Các quy định pháp lý về tài sản cũng chưa phân định rạch ròi giữa tài sản dư thừa và tài sản dùng để kinh doanh do đa phần các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình KTCS đều thông qua môi trường kỹ thuật số (không giới hạn về khoảng cách và không bắt buộc phải có chi nhánh hay cơ sở hoạt động trong các quốc gia) nên việc áp dụng các quy định về quản lý thuế rất khó khăn, dẫn đến thất thu thuế, gây ra sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Thúc đẩy mô hình KTCS là một trong những phương cách quan trọng của nước ta để chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thế nhưng, để tạo điều kiện cho mô hình KTCS phát triển thuận lợi nhất; hạn chế những tác động tiêu cực, yêu cầu tiên quyết là hoàn thiện hệ thống luật pháp theo hướng quy định rõ trách nhiệm giữa các bên liên quan trong KTCS, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý đối với mô hình KTCS. Đồng thời, các cơ quan quản lý cần cập nhật, “nâng cấp” để theo kịp sự phát triển của thực tế. Và, để làm được điều đó, phải xây dựng và vận hành hiệu quả cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các bộ ngành với chính quyền các cấp, doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, các tổ chức chính trị - xã hội.
Cơ quan quản lý cũng cần có chính sách khuyến khích, ưu tiên tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp cung cấp nền tảng, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ trong nước tạo lập các nền tảng số… thông qua việc sửa đổi các luật thuế (miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp…). Cũng cần tiếp tục có giải pháp thiết thực hỗ trợ các doanh nghiệp truyền thống chuyển đổi hình thức kinh doanh, ứng dụng công nghệ, giải quyết việc làm, thu nhập và bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động.
Cuối cùng, nhưng hết sức quan trọng, là việc bổ sung các quy định nhằm bảo đảm quyền và nghĩa vụ liên quan đến người tiêu dùng của các bên tham gia hoạt động trên thị trường KTCS. Do đặc thù của mô hình này, cơ quan quản lý cần tăng cường hợp tác quốc tế về tư pháp nhằm hạn chế rủi ro, giải quyết các tranh chấp giữa người cư trú và người không cư trú khi thực hiện các giao dịch xuyên biên giới.