Phát huy thế mạnh nông nghiệp, làm giàu từ nông thôn

Năm 2011 nền kinh tế nước ta đối mặt với nhiều khó khăn gay gắt, nhiều chỉ tiêu đề ra không hoàn thành hoặc phải điều chỉnh thấp hơn. Trong bối cảnh ấy, lĩnh vực nông nghiệp vẫn tiếp tục tỏa sáng: Đạt tốc độ tăng trưởng 4%; giá trị xuất khẩu đạt 24 tỷ USD, chiếm 22% kim ngạch xuất khẩu cả nước, là ngành duy nhất có thặng dư xuất khẩu (xuất siêu) đạt 9 tỷ USD.

Mới đây tại Diễn đàn nông nghiệp thế giới Davos (tháng 1-2012), nông nghiệp Việt Nam lại được tôn vinh vì có mức độ tăng trưởng cao, đạt sản lượng nông sản xuất khẩu kỷ lục, ngày càng có nhiều mặt hàng đóng vai trò cung cấp suất ăn thiết yếu cho người dân các nước…

Thực tế tại nước ta, lĩnh vực nông nghiệp là chỗ dựa vững chắc, đã đối phó có hiệu quả các cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực (năm 1997), khủng hoảng tiền tệ – ngân hàng (2008) và khủng hoảng nợ công, suy thoái kinh tế hiện nay.

Nhờ phát triển nông nghiệp toàn diện, tại khu vực nông thôn (chiếm 70% dân số), người dân dù chưa có thu nhập cao, thu nhập đồng đều nhưng bảo đảm cuộc sống ổn định, có khả năng chi trả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Số hộ thiếu đói chỉ rơi vào thời điểm giáp hạt tại các huyện vùng sâu, vùng xa hoặc do thiên tai. Đời sống không bị đảo lộn bởi các tác động tiêu cực như người dân các nước Tây Âu hiện nay.

Xét trên bình diện tổng thể, trong những năm tới nông nghiệp vẫn là chỗ dựa vững chắc, có vai trò hết sức quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội đất nước ta. Cụ thể hơn, nói như TS Bùi Bá Bổng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT: “Điều chắc chắn là hiện tại và tương lai, lúa gạo vẫn là trụ cột của an ninh lương thực quốc gia. Và trọng trách này chỉ có thể đạt được một cách bền vững khi những vùng trồng lúa phải trở thành vùng phồn vinh của nông thôn và nông dân trồng lúa phải có thu nhập tương xứng. Điều này đòi hỏi ngành lúa gạo nước ta phải có những thay đổi lớn để tạo bước phát triển mới theo chiều sâu, tương hợp với tầm nhìn mới”.

Trong loạt bài “Hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, bền vững”, đăng từ số báo hôm nay, Báo SGGP giới thiệu các mô hình làm ăn mới có hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp, các điển hình làm giàu ở nông thôn. Tuy nhiên sức lan tỏa của các điểm sáng trên vẫn còn hạn chế. Thực trạng nền nông nghiệp nước ta vẫn còn quá nhiều bất cập: Ngành chế biến nông sản èo uột, kém phát triển và không hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp; chưa hình thành trên diện rộng nền sản xuất chuyên canh chất lượng cao; hiệu quả sản xuất nói chung còn thấp, lãng phí nguồn tài nguyên nông nghiệp nhiệt đới; việc xây dựng nền nông nghiệp chất lượng cao liên kết với chuỗi giá trị toàn cầu mới ở bước khởi đầu…

Nhìn tổng thể sản xuất nông nghiệp nước ta vẫn chưa thoát khỏi tình trạng lạc hậu, quy mô nhỏ, năng suất và chất lượng chưa cao, giá trị gia tăng thấp do hầu hết đang xuất thô (tỷ trọng xuất thô hiện nay còn chiếm đến 90% - theo Bộ NN-PTNT), chưa xây dựng được thương hiệu nông sản.

Những năm gần đây, nhu cầu thị trường thế giới chuyển mạnh sang tiêu dùng các sản phẩm chế biến tinh, có hàm lượng chất xám cao nhưng hầu hết các doanh nghiệp trong nước chưa đáp ứng được, chỉ dừng lại ở khâu gia công nguyên liệu rồi xuất khẩu để chế biến tinh tại nước khác. Điều này vô hình trung biến nền nông nghiệp Việt Nam thành vùng nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến ở các nước có trình độ công nghệ tiên tiến!

Vì vậy đòi hỏi cấp bách hiện nay để hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, bền vững là phải phát triển ngành công nghiệp chế biến gắn liền với phát triển vùng nguyên liệu, gắn kết với thị trường cung ứng và tiêu thụ sản phẩm, tạo nên chuỗi ngành hàng có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đây có thể gọi là công cuộc tái cấu trúc nền nông nghiệp, chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu vì mục tiêu nâng cao hiệu quả, chất lượng và tăng trưởng bền vững.

Một thách thức khác của nền nông nghiệp nước ta là hầu như tất cả các mặt hàng xuất khẩu chủ lực (gạo, cà phê, tiêu, điều, trà…) đều đã đạt ngưỡng về sản lượng, khó còn tiềm năng tăng trưởng và nhiều mặt hàng được cảnh báo có nguy cơ dư cung do phát triển ồ ạt, tự phát thời gian qua. Bối cảnh kinh tế thế giới 2012 cũng tiềm ẩn các yếu tố khó lường: Giảm cầu do các nước nhập khẩu chính suy thoái kinh tế; ngày càng xuất hiện thêm nhiều đối thủ cạnh tranh trên lĩnh vực nông sản xuất khẩu; các rào cản kỹ thuật ngày càng khắt khe để hạn chế nhập khẩu, bảo hộ hàng trong nước…

Trong 2 thập niên qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ vượt bậc trong sản xuất nông nghiệp. Từ chỗ thiếu ăn sang dư thừa lương thực, trở thành nước xuất khẩu lớn các mặt hàng nông thủy sản. Điều trớ trêu là các mặt hàng được coi là thế mạnh nước ta như cà phê, chè, tiêu, gạo… có số lượng lớn nhưng giá trị lại thấp hơn rất xa mức bình quân thế giới, không “ra giá” được trên thị trường thế giới mà luôn chạy theo sự bấp bênh, biến động giá cả thị trường bên ngoài.

Để hóa giải điều này, rất cần một “cuộc cách mạng lần thứ 2” trong lĩnh vực nông nghiệp với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, chất lượng cao, liên kết chuỗi giá trị toàn cầu một cách hiệu quả bằng các phương thức hợp đồng kỳ hạn, giao sau… Có làm được điều đó nông dân mới tránh khỏi nghịch lý trồng/đốn, thiếu/thừa, sản xuất bấp bênh; mới có thể làm giàu từ nông nghiệp, đưa nông thôn tiến bước vững chắc trên con đường ấm no. 

LÊ TIỀN TUYẾN

Tin cùng chuyên mục