Phát huy trí lực toàn dân

Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội vừa được Bộ Chính trị ban hành. Nhiều ý kiến tâm huyết cho rằng Hiến pháp và quy chế này đã mở ra thời cơ và thách thức lớn đối với hệ thống Mặt trận, đã nhóm lên “ngọn lửa nguồn” trong việc tập hợp, phát huy trí lực của toàn dân tộc trong việc lãnh đạo, điều hành đất nước. Báo SGGP ghi nhận một số trong nhiều ý kiến tâm huyết của các nhân sĩ, trí thức và thành viên Ủy ban MTTQ TPHCM xung quanh nội dung quan trọng này.
Phát huy trí lực toàn dân

Tiến tới Đại hội Đại biểu MTTQ Việt Nam TPHCM lần thứ X (2014 - 2019)

Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội vừa được Bộ Chính trị ban hành. Nhiều ý kiến tâm huyết cho rằng Hiến pháp và quy chế này đã mở ra thời cơ và thách thức lớn đối với hệ thống Mặt trận, đã nhóm lên “ngọn lửa nguồn” trong việc tập hợp, phát huy trí lực của toàn dân tộc trong việc lãnh đạo, điều hành đất nước. Báo SGGP ghi nhận một số trong nhiều ý kiến tâm huyết của các nhân sĩ, trí thức và thành viên Ủy ban MTTQ TPHCM xung quanh nội dung quan trọng này.

* Giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn: Đề ra những nội dung cụ thể cần giám sát

Phát huy trí lực toàn dân ảnh 1

Sức mạnh của Mặt trận bắt nguồn từ sức mạnh của các tổ chức thành viên và sức mạnh của mỗi tổ chức thành viên chắc chắn sẽ được nâng cao hơn nữa, thông qua sự phối hợp hoạt động với các tổ chức thành viên khác, dưới sự chỉ đạo thống nhất và điều phối của Mặt trận. Trong chiều hướng thuận lợi đó, chắc chắn MTTQ TP sẽ có những sách lược hành động nhằm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động trong giai đoạn hội nhập và phát triển, trong đó có các hoạt động giám sát và phản biện xã hội.

Trong thực tiễn của TPHCM, MTTQ TP cần phối hợp với UBND TP đề ra những nội dung cụ thể cần giám sát, mang lại hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội, khiến người dân TP gắn bó nhiều hơn nữa với Đảng và Nhà nước, thật sự nhận thức được và tin tưởng rằng Nhà nước Việt Nam thực sự là của dân, do dân và vì dân. Những vấn đề cụ thể có khi được đánh giá là nhỏ, nhưng nếu được Mặt trận quan tâm theo dõi và kiến nghị giải quyết có hiệu quả, sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Trong đó cần chú ý đặc biệt đến các lĩnh vực, nội dung: Chống tham nhũng, đặc biệt là với các đối tác nước ngoài, dễ làm mất uy tín về mặt đối ngoại. Đảm bảo tốt hơn an ninh trật tự xã hội trên địa bàn TP. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng các mặt hàng sản xuất trong đó có thực phẩm. Đảm bảo sản xuất sạch, bảo vệ môi trường sống, chăm sóc tốt hơn sức khỏe người dân, tìm kinh phí xây thêm bệnh viện. Trong giáo dục, chú trọng đến đạo đức làm người, chăm lo giáo dục trẻ con, giảm quá tải lớp học, có cơ sở tiếp nhận trẻ em từ 6 tháng tuổi để các bà mẹ yên tâm làm việc sau khi sinh. Hỗ trợ giải quyết các khiếu nại chính đáng và hợp lý của người dân TP.

* TS Hồ Hữu Nhựt: Tăng cường khả năng nắm bắt bức xúc của dân

Phát huy trí lực toàn dân ảnh 2

Thời gian qua, Ủy ban MTTQ TPHCM đã tăng cường giám sát và phản biện xã hội thông qua các hoạt động của các ban và khối tư vấn (còn gọi là hội đồng tư vấn). MTTQ các quận, huyện đã tổ chức đối thoại giữa chính quyền địa phương và nhân dân.

Tuy nhiên, việc nắm tình hình bức xúc của nhân dân còn hạn chế. Để công tác giám sát được hiệu quả, việc nắm bắt tình hình rất quan trọng. Các hội đồng tư vấn cần họp định kỳ để phản ánh tình hình, đề xuất giải pháp. Nên có hộp thư để những người dân gửi thư đến MTTQ TP và các khối có thể mời những người gửi thư đến tọa đàm, trao đổi ý kiến. MTTQ các cấp tổ chức nắm dư luận quần chúng hàng tháng; các hội đồng tư vấn phối kiểm thông tin và đưa ra giải pháp, kiến nghị. Ban công tác Mặt trận các khu dân cư cần phát huy vai trò hòa giải ở cơ sở, bảo vệ người dân, xây dựng đời sống văn hóa. Tham khảo ý kiến các lực lượng khác nhau cho công tác phản biện xã hội. Có những vấn đề cần phải tổ chức tọa đàm, hội thảo khoa học. Các đường lối, chủ trương của Đảng; dự án, chủ trương của chính quyền có liên quan đến đông đảo nhân dân cần lấy ý kiến đóng góp của MTTQ cấp tương ứng.

Hai vấn đề nóng mà nhiều người dân và trí thức quan tâm là nạn tham nhũng và an ninh quốc phòng. MTTQ các cấp cần có Hội đồng tư vấn về an ninh quốc phòng để tiếp thu, phản hồi thông tin đến cơ quan chức năng.

* Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Đổi cơ chế và cách thức phản biện

Phát huy trí lực toàn dân ảnh 3

Quan trọng nhất là đội ngũ làm công tác phản biện xã hội. Hơn ai hết, những người làm công tác tại Ủy ban MTTQ TPHCM phải có trình độ chuyên môn, năng lực để có những ý kiến phản biện sắc sảo, thuyết phục. Người làm công tác phản biện xã hội phải có phẩm chất đạo đức, đứng về phía người dân, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp nhân dân, chúng ta không phản biện theo kiểu “lựa chiều”, phản biện theo ý của lãnh đạo mà cái gì sai, gây hại cho dân thì chúng ta phải nói, phải phản biện.

Có người nói phải có người nghe, nếu Mặt trận tích cực phản biện nhưng chủ thể nhận sự phản biện không quan tâm, không chịu tiếp thu thì việc phản biện cũng không có giá trị. Hiện nay không ít tổ chức Đảng và cơ quan Nhà nước vẫn chưa ý thức được một cách đúng đắn về vai trò, tác dụng phản biện xã hội của Mặt trận và các tổ chức thành viên. Nhiều lúc, việc lấy ý kiến góp ý, phản biện của Mặt trận đối với dự thảo chủ trương, chính sách còn mang tính hình thức.

Cho đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể nào về việc xử lý các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về việc không lấy ý kiến, không tiếp thu ý kiến phản biện đúng đắn, chính đáng của Mặt trận. Nhưng tôi tin rằng với chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và việc hiến định vai trò phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam thì trong thời gian không xa, Nhà nước sẽ sớm có quy định xử lý đối với các chủ thể vi phạm này.

Về cơ chế phản biện, trước nay chúng ta chủ yếu quen với cơ chế thụ động, phản biện theo yêu cầu, có nghĩa là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoạch định chủ trương, chính sách gửi dự thảo tới Mặt trận yêu cầu có ý kiến thì Mặt trận mới tiến hành thẩm định, phản hồi ý kiến tới các cơ quan, tổ chức có dự thảo đề án được phản biện. Điều này dẫn đến nhiều trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoạch định chủ trương, chính sách không gửi dự thảo để yêu cầu Mặt trận phản biện nên Mặt trận cũng không phản biện.

Hiến pháp 2013 hiến định vai trò phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Đã đến lúc chúng ta cần phải thay đổi cơ chế phản biện, cách thức phản biện để phù hợp với vai trò của mình.

* Ông Đặng Văn Khoa: Lắng nghe và tôn trọng ý kiến của dân

Phát huy trí lực toàn dân ảnh 4

Việc khơi dậy sự tích cực của người dân là rất quan trọng. Điều đáng quan ngại đặt ra trong xã hội là làm sao mọi người dân vượt qua tâm lý thờ ơ, thụ động, e ngại; làm sao mọi người phấn khích đóng góp, nói lên sự thật, bày tỏ chính kiến về các vấn đề của xã hội.

Theo tôi, cái cốt lõi nằm ở sự lắng nghe và tôn trọng những ý kiến khác nhau. Sự đóng góp và phản biện từ mọi giai tầng của xã hội không chỉ trong những vấn đề dân sinh, mà cả những vấn đề về dân chủ. Tất cả sự đóng góp chân thành đó thể hiện khát vọng, trí tuệ, bản lĩnh… của những người tâm huyết với đất nước; thể hiện trình độ ý thức, tinh thần làm chủ của nhân dân đã bước lên tầm cao mới. Ngược lại, sự lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp đó ra sao, với thái độ, tâm thế nào cũng là sự thể hiện trí tuệ, bản lĩnh, cái tâm, cái tầm của Đảng và Nhà nước. Những diễn đàn chính thống rộng mở cần được tổ chức để những ý kiến khác nhau được cọ sát, đối thoại, chia sẻ, tranh luận… với tư duy khoa học trên nền tảng quyền lợi của dân tộc là tối thượng, sẽ là rất tốt cho sự nghiệp chung.

Thời gian qua, MTTQ Việt Nam là diễn đàn mà rất nhiều ý kiến khác nhau về mọi vấn đề của đất nước đã vang lên, đã được chia sẻ và tôn trọng. Cần phát huy hơn nữa truyền thống, thế mạnh này của Mặt trận. Đó là nền tảng của đại đoàn kết dân tộc.

Phải quan tâm rào cản nội tại có thể có trong hệ thống Mặt trận. Có thể có nhiều khó khăn, nhiều rào cản làm quy chế này chậm lan tỏa sâu rộng trong xã hội nước ta. Có thể là sức ỳ của hệ thống, sự nặng nề của thể chế… Tinh thần vì dân vì nước của người đứng đầu MTTQ các cấp có vai trò quan trọng trong việc tạo sức sống và thổi bùng “ngọn lửa nguồn” của quy chế giám sát, phản biện xã hội thành hàng ngàn, hàng vạn ngọn lửa tươi đẹp, thành “hào khí Diên Hồng” trong xã hội.

MINH NGỌC - HỒNG HIỆP (ghi)

- Tiến tới Đại hội Đại biểu MTTQ Việt Nam TPHCM lần thứ X (2014 - 2019): Đoàn kết vì tuyến đầu Tổ quốc

Tin cùng chuyên mục