Có thể nói việc trân trọng kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 đã tạo nhiều điều kiện để mỗi “tế bào xã hội” quan tâm phát huy tốt hơn vai trò, chức năng của mình, vun đắp cho mỗi gia đình phát triển bền vững hơn. Không chỉ gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, gia đình thời hiện đại còn chủ động trang bị nhiều kỹ năng sống để hội nhập tốt hơn, năng động hơn. Ở các khu dân cư, nhiều mô hình, câu lạc bộ “gia đình hạnh phúc” đang được tôn vinh và nhân rộng thành những vườn hoa hạnh phúc tỏa ngát hương thơm.
Thế nhưng, cùng với tốc độ phát triển kinh tế, đời sống khấm khá hơn, diện mạo của gia đình cũng đang thay đổi theo nhiều chiều hướng khác nhau. Nhìn tổng thể, thành trì gia đình đang phải đối mặt với nhiều thách thức, sóng gió thời hội nhập, mở rộng cửa với thế giới bên ngoài. Khi áp lực công việc và nhu cầu kiếm tiền để lo toan cuộc sống ngày một lớn, mối quan hệ trong gia đình - sợi dây ràng buộc giữa các thành viên - cũng bắt đầu lỏng lẻo, rời rạc hơn.
Ở nhiều gia đình, hình ảnh bữa cơm hàng ngày sum họp thân mật có đủ các thành viên đã khó có thể duy trì. Bình quân 3 cặp kết hôn thì có 1 cặp chia tay, mỗi năm cả nước có khoảng 70.000 - 80.000 vụ ly hôn, đã cho thấy sự bất ổn tiềm tàng, nguy cơ đổ vỡ cao trong hôn nhân đang đe dọa sự bình yên của nhiều mái ấm.
Mặc dù việc chống bạo hành gia đình đã được luật hóa, nhưng ở nhiều nơi tệ nạn này vẫn ngang nhiên tồn tại, thách thức dư luận. Thật đau lòng khi chứng kiến những thân phận phụ nữ bị vùi dập, hành hạ về thể chất lẫn tinh thần, và nhiều trẻ thơ bị tước đoạt quyền sống, quyền thụ hưởng hạnh phúc giản đơn là sống trong không khí gia đình đầm ấm, yêu thương chăm sóc lẫn nhau. Không những thế, quan niệm sống thực dụng, ích kỷ chỉ biết “cái tôi” của một bộ phận không nhỏ thành viên đã tác động đến chuẩn mực, giá trị gia đình truyền thống, khiến nền tảng gia đình bị dao động, lung lay và xói mòn.
Những câu chuyện đau lòng như nghịch tử giết cha mẹ, con cái tranh chấp tài sản rồi đẩy cha mẹ ra đường, hay những vụ án vì tranh giành nhà đất dẫn đến đổ máu khiến huynh đệ tương tàn xảy ra ngày một nhiều. Đó chính là những vết thương của gia đình, là luồng “gió độc”, đang hủy hoại từng tế bào gia đình thời hiện đại.
Một khi tế bào xã hội bị nhiễm bệnh, giảm hệ miễn dịch, sẽ ươm mầm cho những bất ổn và bạo lực, tội phạm, tệ nạn xã hội có dịp bùng phát mạnh hơn. Chính vì thế để bảo vệ thành trì gia đình, bảo vệ từng tế bào xã hội, cần phải nghiên cứu xây dựng chuẩn mực gia đình sao cho phù hợp với những biến động của xã hội và xu thế hội nhập phát triển hiện nay.
Tuy nhiên, để chuẩn mực gia đình thời hiện đại được xã hội trân trọng, tôn vinh, đòi hỏi sự góp sức của mỗi chúng ta, từ suy nghĩ đến hành động thiết thực. Cái khó hiện nay là định vị cho đúng chuẩn mực gia đình và đề cao giá trị thực của nó. Nếu việc xây dựng chuẩn mực gia đình không sát với thực tiễn, thiếu kết hợp hài hòa giữa yếu tố truyền thống - gia phong với hiện đại, giữa “cái tôi và cái chung”, sẽ khó định hướng cho lớp trẻ về hôn nhân bền vững.
Nhiều ý kiến trăn trở rằng gia đình hiện đại sẽ duy trì, phát huy truyền thống gia phong như thế nào để tránh khỏi cơn sóng ngầm mâu thuẫn, cách biệt? Theo các nhà xã hội học, để tránh đổ vỡ, giảm bớt mâu thuẫn, cách biệt chúng ta phải học cách đối phó, trang bị kỹ năng sống, ứng xử cho phù hợp với sự biến động, thay đổi diện mạo của gia đình. Tuy nhiên dù thay đổi thế nào thì gia đình Việt Nam vẫn coi trọng dư luận xã hội và truyền thống gia phong.
Thực tế đã chứng minh gia đình nào biết trân trọng, gìn giữ truyền thống gia phong tốt thì ở đó gia đình vẫn là bến bờ bình yên, gắn kết tình thân và mọi thành viên luôn tôn trọng, chia ngọt sẻ bùi với nhau. Ngược lại, gia đình nào xem nhẹ truyền thống gia phong thì ở đó chữ hiếu, tình huyết thống nhạt nhòa, quan hệ rời rạc, thậm chí gia đình xào xáo vì lợi ích riêng, không ai tôn trọng ai. Do vậy, duy trì, phát huy truyền thống gia phong trong mỗi tế bào gia đình chính là gầy dựng nền nếp, nền tảng gia đình bền vững. Khi gia đình trở thành điểm tựa, bến bờ yêu thương, các thành viên của gia đình sẽ gắn kết với nhau và đủ sức đề kháng với thử thách, sự tấn công của các loại tệ nạn xã hội. Cần chú trọng hơn nữa việc tuyên truyền, giáo dục để toàn dân hiểu rõ tầm quan trọng, ý nghĩa thiêng liêng của gia đình, từ đó có ý thức gìn giữ, tôn vinh giá trị cao quý ấy.
Khánh Hà