Phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu: Cần sự hỗ trợ tích cực

Mặc dù đã đạt được những thành quả bước đầu, song 4 ngành công nghiệp trọng yếu trên địa bàn TPHCM đang đối mặt với hàng loạt khó khăn, phát triển có chiều hướng chậm lại.
Phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu: Cần sự hỗ trợ tích cực

Mặc dù đã đạt được những thành quả bước đầu, song 4 ngành công nghiệp trọng yếu trên địa bàn TPHCM đang đối mặt với hàng loạt khó khăn, phát triển có chiều hướng chậm lại.

Nhiều hạn chế

Theo Sở Công thương TPHCM, công tác xây dựng, triển khai thực hiện quy hoạch phát triển ngành công nghiệp mặc dù được đơn vị chú trọng nhưng tiến độ thực hiện còn chậm và hạn chế. Nguyên nhân là do nguồn nhân lực về quy hoạch còn thiếu về số lượng, chưa đáp ứng về chất lượng. Công tác chọn đơn vị tư vấn được tổ chức chặt chẽ, đúng thủ tục nhưng đối tác vi phạm hợp đồng, chậm tiến độ. Thủ tục đăng ký dự án, cấp phát vốn cho các dự án quy hoạch còn rườm rà phức tạp và tương đối chậm. Đơn cử, 2 dự án “chế biến tinh lương thực - thực phẩm” và “công nghiệp phụ trợ” tuy vốn ít nhưng năm 2010 vẫn bị đưa vào diện cắt giảm đầu tư đến khi có vốn lại phải thực hiện lại các thủ tục dẫn đến chậm trễ. Chính vì vậy, tốc độ phát triển công nghiệp trọng yếu trong những năm gần đây đã chậm dần. Sự chuyển dịch cơ cấu diễn ra tương đối chậm và ngày càng khó khăn hơn khi lãi suất vay vốn liên tục tăng trong năm 2011 - 2012, thị trường tiêu thụ đang bị thu hẹp.

Sản xuất máy tính tại Công ty VTB. Ảnh: Cao Thăng

Sản xuất máy tính tại Công ty VTB. Ảnh: Cao Thăng

Ngoài ra, xuất phát điểm của ngành công nghiệp thành phố còn thấp, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khoảng 85%; vốn ít và phụ thuộc nguồn vay là chủ yếu do đó dễ bị ảnh hưởng lạm phát, biến động giá nguyên liệu… Trình độ công nghệ của hầu hết các doanh nghiệp trong nước đạt mức trung bình thấp, công tác đổi mới công nghệ và ứng dụng công nghệ còn chậm; công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển, phụ thuộc từ bên ngoài. Mặt khác, hạ tầng đã quá tải, chất lượng và số lượng nguồn lao động chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển của ngành công nghiệp. Trong đó, tỷ lệ lao động được đào tạo chính quy còn thấp, thâm dụng lao động phổ thông còn lớn, nhất là các ngành dệt may, da giày chiếm 46% tổng lao động nhưng chỉ tạo ra được 18% giá trị toàn ngành. Bên cạnh đó, chưa có sự điều phối hữu hiệu của các bộ ngành trung ương trên phạm vi vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như cả nước, dẫn đến đầu tư trùng lắp, dàn trải. Về công tác xây dựng, công bố triển khai quy hoạch ngành công nghiệp đã được thực hiện, nhưng thực tế triển khai như cấp giấy chứng nhận đầu tư, cấp đăng ký kinh doanh tại các quận huyện, sở ngành liên quan vẫn còn nhiều hạn chế, chưa theo sát với quy hoạch được duyệt. Năng lực dự báo còn thấp và đội ngũ quản lý nhà nước về ngành công nghiệp còn thiếu nhiều chuyên gia giỏi và bị chia xẻ theo phạm vi quản lý...

Áp dụng chính sách ưu đãi

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Lê Văn Khoa, trước thực trạng trên và để 4 ngành công nghiệp phát triển căn cơ, bền vững đơn vị đã có nhiều kiến nghị gửi các bộ ngành trung ương áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp. Đặc biệt trong vấn đề tiếp cận nguồn vốn vay, mở rộng sản xuất kinh doanh, đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh, góp phần bình ổn thị trường và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu, đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho cho doanh nghiệp.

Các bộ, ngành nhanh chóng rà soát, xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp cho các sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, nhất là các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu (thực phẩm, đồ uống, quần áo...). Chính phủ nên cho phép TPHCM áp dụng một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ phí vận chuyển, thủ tục hải quan... nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam đưa sản phẩm, hàng hóa sang các thị trường Lào, Campuchia, Myanmar. Ban hành quy định về thực hiện các dự án đầu tư thuộc Chương trình kích cầu của thành phố theo hướng: Hỗ trợ 100% lãi vay cho toàn bộ các dự án thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu phù hợp với quy hoạch được duyệt và không gây ô nhiễm môi trường. Hỗ trợ 100% lãi vay cho các dự án thuộc các ngành công nghiệp khác có kim ngạch xuất khẩu hàng năm trên 1 tỷ USD và 50% lãi vay cho các dự án thuộc các ngành công nghiệp khác có kim ngạch xuất khẩu hàng năm trên 500 triệu USD. Ngoài ra, bổ sung dự án của doanh nghiệp TP đầu tư ở tỉnh, thành phố có liên kết, hợp tác với địa phương để sản xuất các sản phẩm thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu, dự án đầu tư của các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn được tham gia chương trình kích cầu (hỗ trợ lãi vay). Mở rộng đối tượng, bổ sung các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp phụ trợ được tham gia chương trình kích cầu. Chính phủ cũng cần xem xét mở rộng đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ (gia hạn thời gian nộp thuế TNDN, thuế VAT) theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ cho tất cả doanh nghiệp nhỏ và vừa thay vì chỉ áp dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có quy mô dưới 200 lao động và doanh thu dưới 20 tỷ đồng/năm.

LẠC PHONG - THẢO TIÊN

Tin cùng chuyên mục