Phát triển du lịch tại TPHCM: Thừa quyết tâm, thiếu biện pháp

Phát triển du lịch tại TPHCM: Thừa quyết tâm, thiếu biện pháp

Cùng với ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, một sức ép lớn đang tạo ra cho ngành du lịch VN. Để cạnh tranh, ngành du lịch TPHCM nói riêng và VN nói chung, không chỉ tính đến các giải pháp kích cầu, thu hút khách cho năm 2009 mà cần đầu tư chiều sâu để nắm bắt thời cơ khi khó khăn đi qua.

Đây là một trong những việc cần làm đã được lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), UBND TPHCM và các doanh nghiệp (DN) du lịch đặt ra tại Hội nghị triển khai một số giải pháp phát triển du lịch TPHCM năm 2009 vào ngày 13-2.

Chỉ là điểm trung chuyển?

Phát triển du lịch tại TPHCM: Thừa quyết tâm, thiếu biện pháp ảnh 1

Khách nước ngoài du xuân tại TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trong tình thế khó khăn hiện nay, khi mà công suất phòng tại TPHCM chỉ được khoảng 50% thì việc liên kết giảm giá, thu hút khách để lấp khoảng trống còn lại là mục tiêu đặt ra cho các DN khách sạn.

Tuy nhiên, dù đã nói rất nhiều đến việc hài hòa, cùng nhau nhìn về một hướng nhưng giữa các DN làm du lịch hiện vẫn chưa thật sự kết dính, vẫn còn nhiều bất cập trong liên kết và quảng bá chương trình kích cầu.

Sở VH-TT-DL TPHCM cho biết, theo đánh giá của 40 công ty du lịch Nhật Bản, chính giá cả tăng cao tại TPHCM, trong đó giá khách sạn tăng đã làm cho lượng khách Nhật đến TPHCM trong năm 2008 giảm 7% so với năm trước.

Trong khi, thị trường khách Nhật là thị trường có tăng trưởng cao trong những năm trước. Ngành du lịch TPHCM cũng thừa nhận, do cung không đủ cầu nên giá phòng tại TPHCM cao hơn một số nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia (tăng 20% - 40%) dẫn đến tình trạng giá tour từ một số nước đến TPHCM cao hơn giá tour từ TPHCM đi các nước trên. Điều này đã làm mất đi lợi thế so sánh của điểm đến VN - TPHCM so với một số quốc gia trong khu vực.

Nếu không nhanh chóng xây dựng các sản phẩm du lịch khác để giữ chân, tăng chi tiêu cho du khách thì TPHCM sẽ chỉ là nơi trung chuyển đúng nghĩa của khách quốc tế đến VN. Ông Võ Anh Tài, Chủ tịch Hội Lữ hành TPHCM cho biết, hiện nay nhiều đoàn khách Nga, Hàn Quốc đến TPHCM nhanh chóng lên xe ra Nha Trang, Phan Thiết.

Với tình hình này thì chính DN khách sạn và các dịch vụ tại TP sẽ chịu thua thiệt vì thực tế DN lữ hành sống ở đâu cũng được! Góp ý cho việc xây dựng sản phẩm du lịch tại TPHCM, bà Huỳnh Thị Ngọc Vân, Phó Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TPHCM chia sẻ, sau những chuyến đi triển lãm ảnh của bảo tàng tại các TP của Nhật và các nước thì ngay sau đó lượng khách ở đây đến bảo tàng đông hơn. Và trong những lần tổ chức cho khách tham quan các khu di tích, lịch sử ở VN, đã thu hút nhiều đoàn khách. Họ đã trở lại Việt Nam và bảo tàng nhiều lần sau đó.

Bà Vân cho rằng, nên chăng các công ty du lịch nên khai thác thường xuyên hơn tour du lịch vì hòa bình cho du khách? Vì đây vốn là thế mạnh cho du lịch VN.

Thiếu biện pháp cụ thể

Phát triển du lịch tại TPHCM: Thừa quyết tâm, thiếu biện pháp ảnh 2

Du khách nước ngoài tham quan chợ Bến Thành, TPHCM. Ảnh: THÁI BẰNG

Các DN du lịch TPHCM đều nhìn nhận rằng, ngành du lịch TP đã thừa quyết tâm nhưng vẫn thiếu biện pháp cụ thể trong công tác kích cầu cũng như xây dựng giải pháp bền vững cho phát triển du lịch TP.

Vấn đề giá phòng khách sạn ở TPHCM cao hơn các nước trong khu vực, chất lượng phục vụ, rồi việc du khách đến VN “một đi không trở lại”… đã được đề cập rất nhiều nhưng ngành du lịch vẫn chưa có bước tiến trong việc tìm hiểu nguyên nhân, ai chịu trách nhiệm thực hiện… Chúng ta mới quan tâm đến hiện tượng nhưng chưa đi sâu vào cụ thể để có hướng giải quyết kịp thời. Đây là vấn đề mà Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Hồng đã đặt ra cho ngành du lịch TP.

Tại buổi làm việc này, bà Hồng đã đề nghị, giao cho Sở VH-TT-DL TPHCM có cuộc khảo sát ngay về tình hình khách đến, chất lượng phục vụ cho du khách.

Trên cơ sở đó, ngành du lịch TP sẽ có điều chỉnh hợp lý giá cả, chất lượng phục vụ, nâng tính cạnh tranh với các nước. Nhiều ý kiến cho rằng, để giải quyết vấn đề thiếu khách sạn cao cấp vào mùa cao điểm, ngay trong thời điểm này, việc đầu tư xây dựng khách sạn cần được đẩy nhanh hơn để khi qua đợt khó khăn, ngành khách sạn VN sẽ đủ phòng phục vụ du khách. Đây là điểm mà ngành du lịch Campuchia đã làm rất tốt.

Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL VN Trần Chiến Thắng so sánh, TPHCM là trung tâm du lịch lớn của VN nhưng tốc độ đầu tư xây dựng khách sạn 5 sao vẫn còn ít, trong khi đó chỉ sau 4 năm, Siêm Riệp của Campuchia – dù nhỏ hơn TPHCM rất nhiều, nhưng có tốc độ phát triển khách sạn 5 sao dày đặc.

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) cho rằng, TPHCM cần đầu tư nhiều hơn nữa cho dịch vụ giải trí về đêm, đặc biệt là shopping phục vụ du khách. Ở Singapore, vị trí đẹp nhất ở toàn bộ các khách sạn đều dành cho shopping. Sản phẩm này sẽ góp phần nâng dịch vụ, giữ chân và có chỗ để cho khách xài tiền.

Đẩy mạnh đầu tư xây dựng thêm nhiều trung tâm mua sắm, TPHCM mới có thể đáp ứng được dịch vụ cũng như nhu cầu mua sắm cho du khách. Đây cũng chính là một sản phẩm du lịch mang lại hiệu quả cho ngành du lịch nhiều nước. Nhất là khi TPHCM đang có nhiều lợi thế trong việc thu hút dòng khách cao cấp MICE (du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị).

Phát động chương trình “TPHCM - 100 điều thú vị”

Ngay trong ngày, Sở VH-TT-DL TPHCM đã phát động chương trình du lịch “TPHCM - 100 điều thú vị”. Theo đó, trên các tiêu chuẩn đưa ra, du khách, người tiêu dùng, các cơ quan chức năng sẽ bầu chọn ra 100 đơn vị uy tín trong các ngành kinh doanh du lịch (khách sạn, lữ hành, vận chuyển, ăn uống, mua sắm, tham quan…). Các đơn vị đạt tiêu chuẩn sẽ được quảng bá trên các phương tiện truyền thông, xem như một địa chỉ tin cậy đã được ngành du lịch TPHCM giới thiệu đến du khách. Dự kiến, đến tháng 7-2009, 100 đơn vị đạt tiêu chuẩn sẽ được công bố đến du khách.

MỸ HẠNH

Tin cùng chuyên mục