Hiện dịch vụ ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế và là yếu tố quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Ước tính ngành dịch vụ tạo ra đến khoảng 75% GDP ở các nước phát triển và khoảng 45% GDP ở các nước đang phát triển. TPHCM đang xây dựng đề án xây dựng khoa học dịch vụ nhằm ứng dụng các nguyên tắc khoa học, quản lý và kỹ thuật.
Cần phải có khoa học dịch vụ
Trong thời gian qua, các ngành kinh tế TP đang chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ. Khu vực dịch vụ luôn có đóng góp cao nhất (khoảng 55%) trong cơ cấu kinh tế của TPHCM và cũng đóng góp cao nhất trong tăng trưởng GDP (tăng bình quân 12,4%/năm trong giai đoạn 2006 - 2010). Tuy nhiên, tỷ trọng các ngành dịch vụ cao cấp vẫn còn thấp và chưa tương xứng với tiềm năng của TP. Ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, cho biết đầu tư cho KH-CN trong khu vực dịch vụ chưa cao mặc dù liên tục được hiện đại hóa bằng việc áp dụng công nghệ mới và nguồn nhân lực cho các dịch vụ cao cấp bị thiếu hụt do công tác đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực dịch vụ cao cấp chưa nhiều và còn ở quy mô nhỏ lẻ.
Trong khi đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần IX đã định hướng phát triển các ngành dịch vụ giai đoạn 2011 - 2015 theo các mục tiêu: Nâng cao tỷ lệ giá trị gia tăng các nhóm ngành này trên cơ sở đầu tư chiều sâu và đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học quản lý và công nghệ thông tin. Khu vực dịch vụ phải trở thành đòn bẩy phát triển kinh tế trên cơ sở khai thác tiềm năng và lợi thế của TP… Ông Thanh cho rằng, khoa học dịch vụ được xem như là một trong các công cụ để thực hiện các mục tiêu trên. Trước mắt, việc phát triển khoa học dịch vụ được áp dụng để phát triển như là một ngành học nhằm hỗ trợ cho các ngành dịch vụ tốt hơn, có nghĩa là cung cấp tri thức và phương pháp luận để cải thiện các ngành dịch vụ hiện hữu nhờ áp dụng các phương pháp khoa học và kỹ thuật.
Trên cơ sở này, một trong những công việc cụ thể được thực hiện là chương trình hợp tác giữa TPHCM và Tập đoàn IBM Toàn cầu về xây dựng và thực hiện sáng kiến Thành phố thông minh hơn đến năm 2020. Theo đó, trong chương trình hợp tác về phát triển khoa học dịch vụ, Tập đoàn IBM toàn cầu cam kết sẽ hỗ trợ toàn diện về chất xám trong việc xây dựng nền tảng nguồn nhân lực cho ngành khoa học dịch vụ trên địa bàn TPHCM.
Bắt đầu bằng đào tạo nguồn nhân lực
Ông Nguyễn Khắc Thanh cho biết, để xây dựng khoa học dịch vụ tại TPHCM, trước mắt tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực cho ngành này. Trong giai đoạn 2011 – 2013, Sở KH-CN TPHCM cùng các ban ngành, trường đại học tập trung đào tạo nhân lực cho các ngành trọng tâm như giáo dục - đào tạo, du lịch, giao thông và y tế. Đồng thời cho các ngành sẽ thực hiện một dự án thử nghiệm áp dụng khoa học dịch vụ tại Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn.
Theo ông Thanh, đào tạo nguồn nhân lực là hình thành đội ngũ chuyên gia về khoa học dịch vụ có trình độ cao và cơ cấu đáp ứng cho nhiều ngành dịch vụ của TP, có khả năng tham gia phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Với chương trình đào tạo, cần xác định đúng đối tượng có nhu cầu, chương trình vừa phải đảm bảo lý thuyết vừa có thực tiễn phù hợp với thực trạng các ngành dịch vụ của TP.
Trên tinh thần này, Đề án phát triển khoa học dịch vụ tại TPHCM giai đoạn 2010 – 2013 tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực, chủ yếu tập trung vào 3 loại đối tượng. Thứ nhất là nhóm chuyên gia về khoa học dịch vụ, bắt buộc phải được phổ biến kiến thức cơ bản về khoa học dịch vụ. Thứ hai là sinh viên ngành CNTT và quản trị công nghiệp. Trong giai đoạn trên sẽ thực hiện trước với Khoa Máy tính (Đại học Bách khoa TPHCM), Khoa Quản trị công nghiệp (Đại học Bách khoa TPHCM), Khoa CNTT (Đại học KHTN) và dự kiến sẽ đào tạo khoảng 100 sinh viên về khoa học dịch vụ. Thứ ba là nhóm nhân lực trong các doanh nghiệp dịch vụ CNTT- VT, Sở KH-CN TPHCM sẽ có đợt khảo sát các doanh nghiệp có dịch vụ CNTT-VT về nhu cầu được đào tạo để phát triển khoa học dịch vụ cho doanh nghiệp mình. Trên cơ sở đó chọn ra 100 người để đào tạo…
Như vậy, sau năm 2013 chúng ta sẽ có một đội ngũ chuyên gia và giảng viên về khoa học dịch vụ. Mặc dù số lượng chưa nhiều nhưng đó là những hạt nhân để tiếp tục phát triển ngành khoa học này.
BÁ TÂN