Bộ trưởng Thương mại Campuchia Cham Prasidh khẳng định, người dân Campuchia đã thật sự ưa chuộng hàng Việt Nam do chất lượng cao, mẫu mã đa dạng, hàng hóa phong phú, đáp ứng được thị hiếu của đông đảo người dân. Tuy nhiên, để kinh tế cửa khẩu phát triển ngang tầm với tiềm năng, hàng Việt tạo chỗ đứng vững chắc ở thị trường Campuchia vẫn còn nhiều việc cần nhanh chóng tháo gỡ.
Bức xúc chính sách và hạ tầng
| |
Tại Kiên Giang hiện có 69 doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp sang Campuchia thông qua các cửa khẩu của tỉnh.
Doanh nghiệp Kiên Giang còn liên kết với doanh nghiệp tỉnh Kampot và các thành phố khác của Campuchia đẩy mạnh mua bán, trao đổi hàng hóa. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Kiên Giang đã cấp phép mở 3 đại lý thu đổi tiền đáp ứng nhu cầu hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch… Mục tiêu xuất nhập khẩu hai chiều năm 2010 là 150 triệu USD, trong đó Kiên Giang xuất sang Campuchia 100 triệu USD và nhập về 50 triệu USD.
UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài hiện có 47 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký 5.828 tỷ đồng và 161 triệu USD. Năm 2009, Mộc Bài thu hút 2,7 triệu lượt khách đến tham quan mua sắm, trong đó có 80.000 khách từ Campuchia sang; doanh số bán ra hơn 1.350 tỷ đồng.
Theo UBND tỉnh An Giang, các khu kinh tế cửa khẩu không ngừng phát triển, trong đó khu thương mại Tịnh Biên từ khi khai trương vào tháng 8-2009 đến nay thu hút rất đông khách. Mục tiêu năm 2010, hàng hóa xuất nhập khẩu qua khu thương mại Tịnh Biên tăng 30%, doanh thu đạt hơn 1.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Minh Trí, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu An Giang, khẳng định: “Kinh tế cửa khẩu đang trong giai đoạn bứt phá, tuy nhiên các doanh nghiệp tỏ ra dè dặt, chưa mạnh dạn đầu tư bởi chính sách chưa nhất quán”.
Theo ông Trí, rối rắm cơ bản hiện nay là chính sách bán hàng miễn thuế cho khách tham quan du lịch tại các khu phi thuế quan, chỉ cho phép đến năm 2012. Và việc khống chế sức mua hàng miễn thuế không quá 500.000 đồng/người/lần là quá ít, không đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Thống kê của Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu An Giang cho thấy, nhiều doanh nghiệp đang đầu tư lớn (từ 10 - 100 tỷ đồng/doanh nghiệp) xây dựng siêu thị miễn thuế ở Tịnh Biên đang “mất ăn mất ngủ” bởi chính sách bán hàng miễn thuế.
“Nếu sau năm 2012 Chính phủ không gia hạn hoặc xóa bỏ việc bán hàng miễn thuế, doanh nghiệp sẽ “chết chắc”. Bởi du khách đâu dại gì lặn lội đường xa lên biên giới mua hàng bằng giá với những nơi khác bên ngoài. Chính điều này khiến chúng tôi chùn chân không dám đầu tư tiếp, dù lượng khách đến Tịnh Biên đang tăng”- ông Phan Phát Đạt, Phó giám đốc siêu thị miễn thuế Thiên Thiên Phú lo lắng.
Thêm một vấn đề trở ngại là hạ tầng cơ sở, hệ thống giao thông ở các cửa khẩu và dọc biên giới hai nước còn yếu kém, gây khó khăn đi lại và vận chuyển hàng hóa. Tại An Giang, tuyến quốc lộ 91 nhỏ, nhiều cầu tạm, không đáp được nhu cầu vận chuyển hàng hóa phục vụ các cửa khẩu ở Tịnh Biên, Vĩnh Xương, Khánh Bình… Ngay cả doanh nghiệp Campuchia muốn liên kết với Cảng Mỹ Thới làm nơi xuất nhập khẩu hàng hóa, nhưng chưa thể thực hiện vì cản ngại từ quốc lộ 91.
Tại Kiên Giang, Long An, Đồng Tháp… cũng tương tự. Hệ thống giao thông vùng biên Việt Nam và Campuchia chưa đồng bộ, đã ảnh hưởng việc phát triển kinh tế biên giới cả hai phía.
Dồn sức tháo gỡ
Để tháo gỡ những khó khăn trên, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên, bộ sẽ kiến nghị chính phủ hai nước tăng cường hơn nữa việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật và giao thông khu vực biên giới; đẩy mạnh hợp tác các khu kinh tế cửa khẩu; đơn giản hóa thủ tục hành chính về hải quan, kiểm dịch… Hai nước phải nhanh chóng hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp an tâm đầu tư dài hạn ở các khu kinh tế cửa khẩu.
Hiện tại Bộ Công thương đang phối hợp cùng Bộ Thương mại Campuchia tiếp tục thỏa thuận về ưu đãi thuế quan đối với các mặt hàng nông sản và tiến hành khảo sát thực địa để thống nhất vị trí xây dựng “chợ biên giới thí điểm Việt Nam - Campuchia”. Với quyết tâm cao từ hai nước, cùng những giải pháp tháo gỡ kịp thời sẽ tạo đòn bẩy, sớm cải thiện bộ mặt biên giới, tạo đà cho kinh tế cửa khẩu bứt phá.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Phó Văn phòng UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết: Từ nay đến năm 2015, tỉnh sẽ tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu. Theo đó, cửa khẩu quốc tế Dinh Bà phát triển thương mại, dịch vụ - du lịch bằng đường bộ; cửa khẩu quốc tế Thường Phước sẽ phát triển về đường thủy, gắn với cảng Đồng Tháp, là cảng quốc tế để vận chuyển hàng hóa sang Campuchia và ngược lại.
Ông Vương Bình Thạnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh An Giang, đề xuất nghiên cứu xây dựng hai tuyến hành lang thương mại và du lịch nối vùng ĐBSCL với Campuchia.
Cụ thể, tuyến hành lang thương mại sẽ hình thành trên cơ sở xây dựng đường cao tốc Cần Thơ - Phnôm Pênh đi qua cặp cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên - Phnôm Den; tuyến hành lang du lịch hình thành từ tuyến cao tốc chạy dọc bờ biển phía Nam của hai nước, đi qua cặp cửa khẩu Hà Tiên - Prek Chak.
Ngoài ra, cần thỏa thuận áp dụng mô hình “hải quan một cửa” để kiểm tra hàng hóa, phương tiện và hành khách một lần tại cửa khẩu hai phía; đầu tư phát triển khu thương mại Tịnh Biên thành trung tâm hội nghị, hội chợ, triển lãm… với quy mô hiện đại ở biên giới, đảm bảo các điều kiện để Tịnh Biên trở thành nơi gặp gỡ giữa doanh nghiệp hai nước, nơi trưng bày giới thiệu sản phẩm và tổ chức các sự kiện lớn về thương mại, du lịch, văn hóa của hai nước Việt Nam- Campuchia.
Tăng cường hợp tác giữa DN Việt Nam và Campuchia |
HUỲNH PHƯỚC LỢI
- Thông tin liên quan:
>> Bài 1: Thời điểm “vàng” giao lưu thương mại