Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, sản lượng xuất khẩu của ngành công nghiệp điện tử (CNĐT) trong nước đạt tốc độ tăng trưởng năm sau luôn cao hơn năm trước. Tuy vậy, do thiếu chiến lược phát triển đồng bộ, trong khi sản phẩm làm ra lại phụ thuộc chủ yếu vào nguyên liệu nhập khẩu, khiến CNĐT tạo ra giá trị gia tăng thấp, không thể cạnh tranh nổi với hàng ngoại, đặc biệt sau một thời gian Việt Nam hội nhập vào sân chơi toàn cầu.
Sai lầm từ chính sách
Ngành CNĐT được khai sinh từ đầu thập niên 90, song đến nay trên thị trường, những dòng sản phẩm mang thương hiệu “Made in Viet Nam” rất ít. Thay vào đó, các thương hiệu ngoại: Sony, Panasonic, Philips, Samsung, Toshiba… với đủ chủng loại, mặt hàng, từ ti vi, tủ lạnh, máy tính đến nồi cơm điện, máy xay sinh tố… được nhập từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Trung Quốc tràn ngập thị trường. Trên 90% hàng hóa trong hệ thống siêu thị điện máy lớn nhỏ trên địa bàn TPHCM là hàng ngoại nhập. Điều này cho thấy, sau hơn 2 thập niên phát triển, đến nay ngành CNĐT trong nước đang trở về “số 0”, lép về ngay trên sân nhà so với hàng ngoại.
Theo Cục Thống kê TPHCM, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu nhóm hàng linh kiện, sản phẩm điện tử và máy vi tính tăng xấp xỉ 30% so với cùng kỳ năm trước và đạt kim ngạch khoảng 2 tỷ USD. Dự kiến cả năm 2011, xuất khẩu CNĐT các loại khoảng 6 tỷ USD. Đáng chú ý, để có được con số xuất khẩu này, các đơn vị lắp ráp trong nước đã phải nhập số linh kiện khổng lồ từ nước ngoài, sau đó gia công để xuất khẩu. Còn Hiệp hội Điện tử Việt Nam cho biết, đến thời điểm hiện nay, 95% - 98% sản phẩm điện tử, tin học xuất đi từ Việt Nam là của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Theo lý giải của các chuyên gia trong ngành CNĐT, để xảy ra tình trạng trên là do sai lầm trong chính sách. Bởi khi Việt Nam gia nhập WTO, khối thương mại tự do ASEAN (AFTA) đều phải cam kết giảm thuế nhập khẩu. Khi giảm thuế xuống một mức nhất định, họ sẽ nhập khẩu hàng hóa ở các nước xung quanh, như vậy rẻ hơn việc lắp ráp tại Việt Nam với chi phí lao động tăng lên. Mặt khác, trước đó khi Việt Nam mời các nhà đầu tư nước ngoài vào và dành nhiều ưu đãi về thuế, về đất đai. Tuy nhiên, do có tính toán trước lộ trình giảm thuế, họ đã “qua cầu rút ván” đúng thời điểm, do đó không tạo ra được công ăn việc làm, không chuyển giao công nghệ, ngược lại còn để lại gánh nặng nhập siêu.
Đẩy mạnh cung ứng các giải pháp
"Để phát triển CNĐT, đặc biệt tại TPHCM, nơi chiếm đến 40% năng lực sản xuất của cả nước, cần tập trung ưu tiên cao các ngành sản xuất linh kiện phụ tùng, các sản phẩm điện tử gia dụng và công nghiệp, các phần mềm xuất khẩu, các dịch vụ điện tử - tin học, dịch vụ trực tuyến đa truyền thông, nghiên cứu, phát triển và đào tạo nguồn nhân lực". Ông Ngô Văn Vị, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam |
Theo các chuyên gia thuộc nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, để tránh vết xe đổ, các doanh nghiệp điện tử trong nước cần nhanh chóng rút lui khỏi những lĩnh vực đã không còn hấp dẫn (chủ yếu gia công ở những công đoạn có giá trị gia tăng thấp, những sản phẩm không còn mang lại lợi nhuận, tính cạnh tranh cao). Sắp tới nên tập trung vào các dịch vụ tạo ra giá trị gia tăng cao như thiết kế, an ninh mạng, cung ứng giải pháp.
Một trong những hướng đi mới là đẩy nhanh việc tiếp cận và xây dựng ngành công nghệ điện tử smart (thông minh) cho nhiều dòng sản phẩm dân sinh, đang có sức tiêu thụ cao như điện thoại di động, máy tính bảng, máy ảnh compact, thế hệ mới, thiết bị kỹ thuật số 3D... cho cả tiêu dùng và xuất khẩu. Cần xác định rõ trách nhiệm của nhà kinh doanh khi đưa hàng vào VN, phải đầu tư xây dựng cả hệ thống hậu mãi chuyên nghiệp, kho tàng, hệ thống chuỗi cửa hàng để tạo ra khả năng tiếp thu công nghệ quản trị, công nghệ logistics, nhằm giúp các nhà kinh doanh VN có khả năng tồn tại ngay cả khi chúng ta tự đầu tư sản xuất và kinh doanh những mặt hàng công nghệ mới.
Các ngành chức năng phải nhanh chóng định hướng phát triển công nghiệp phụ trợ, phục vụ ngành điện tử theo các yếu tố nền tảng như nguồn nhân lực, môi trường, thị trường, thông tin…, trong đó tập trung vào những khâu có giá trị gia tăng cao. Nhấn mạnh vào hai mảng kỹ thuật trong ngắn hạn và năng lực thiết kế trong dài hạn. Đối với công nghệ thông tin phần mềm, phần cứng, các dịch vụ cung ứng giải pháp, thiết kế… cần tập trung vào các dịch vụ cao cấp. Hay trong nghiên cứu thiết kế, nhấn mạnh vai trò của các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng, giải mã công nghệ. Các dịch vụ sân sau cho sản phẩm điện tử: bảo hành, logistics, cung ứng hạ tầng…
LẠC PHONG