Nông thôn, làng quê Việt Nam thật trữ tình với những con đường làng uốn khúc, xanh xanh bóng dừa, chiều chiều khói bếp, vi vu sáo diều… Nhưng ẩn sau bức tranh quê thơ mộng đó lại là nỗi trăn trở của hàng chục triệu người nông dân với những câu hỏi làm sao đời sống vơi đi cơ cực, thôn làng ngày càng khang trang, khoảng cách thu nhập nông thôn - thành thị ngắn lại, con em nông dân được đến trường, bà con có nhà văn hóa để sinh hoạt, gia đình có thêm tiện nghi, khi đau bệnh không phải lặn lội ra tận đô thị, về tận trung ương chữa trị…
Nhiều năm qua, mặc dù Nhà nước đã quan tâm đầu tư khu vực nông thôn, song theo TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và phát triển nông thôn, sự đầu tư đó vẫn chưa tương xứng. Khả năng thu hút đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp khó khăn, doanh nghiệp tư nhân ở nông thôn cũng ít, tỷ trọng đầu tư từ ngân sách cho nông nghiệp cũng giảm dần theo thời gian.
Hiện nay, nước ta có gần 70% dân cư sống ở nông thôn. Vì vậy diện mạo của một đất nước phát triển không chỉ thể hiện ở những tòa nhà chọc trời ở các khu đô thị mà còn phải có một vùng hậu phương nông thôn giàu đẹp, ổn định.
Nghị quyết 26/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành năm 2008 đặt ra 3 vấn đề lớn về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn với mục tiêu tạo ra một cuộc bứt phá ở khu vực này, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Đã có 11 xã đại diện các vùng, miền trong cả nước được chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới, xây dựng những làng quê kiểu mẫu, sau đó sẽ nhân rộng ra cả nước. Tuy nhiên, khi bước vào triển khai lại gặp nhiều lúng túng. Hiện nay nguồn vốn đầu tư vẫn chủ yếu từ ngân sách. Theo đó, mỗi xã được rót khoảng vài chục tỷ đồng làm đường giao thông nông thôn, xây nhà văn hóa, trường học…, thậm chí có nơi còn dùng xây trụ sở xã. Nhiều chuyên gia, nhà khoa học lo ngại rằng, nếu xây dựng nông thôn mới theo kiểu “tư duy dự án” như vậy sẽ không thể triển khai ra diện rộng được. Vì người nông dân và cả chính quyền địa phương rơi vào thế thụ động, ngồi chờ dự án cùng vốn đầu tư từ ngân sách. Và Nhà nước cũng không thể đủ tiền đầu tư hàng ngàn xã trong cả nước. Vì thế phong trào này khó có thể thành công.
Để phong trào xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả, Nhà nước phải tạo động lực mới để người nông dân phấn khởi tham gia xây dựng làng quê kiểu mẫu. Yếu tố cần là Nhà nước phải tạo cơ chế đặc biệt thu hút các doanh nghiệp và xã hội hóa nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, từ chuyện làm đường, làm cầu tới xây dựng nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, nông sản, xây kho bảo quản nông sản…
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, Phó ban Chỉ đạo phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới dứt khoát phải tạo được bộ mặt làng quê đẹp đẽ, đời sống người dân ngày càng khấm khá, nhà cửa khang trang, nông dân phải có việc làm, nơi đây không còn tệ nạn xã hội. Người nông dân mới phải là những người nông dân năng động, không thụ động, được dạy nghề, có kỹ thuật, có định hướng để làm giàu.
Mặt khác, xây dựng những nông thôn mới dứt khoát không phải đô thị hóa nông thôn mà bằng mọi giá phải giữ lại được bản sắc của các làng quê, từ vẻ đẹp của cây đa, mái đình, bến nước cho tới phong tục của từng gia đình, dòng họ, tình làng nghĩa xóm…, những di sản quý giá đã được chắt lọc, tồn tại tự ngàn đời. Tuy nhiên, trong thực tế để làm được điều đó không phải là điều dễ dàng, đòi hỏi phải có nguồn lực vật chất và cả trí tuệ, cái tâm của người hoạch định và triển khai dự án.
Văn Phúc Hậu