Phát triển văn hóa - Nhận thức và hành động

Trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM mới đây, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, phát biểu: “Trong những cuộc thảo luận gần đây của giới chuyên gia, Tiểu ban Văn kiện Đại hội lần thứ XIII, nhiều ý kiến cho rằng phải đặt xây dựng văn hóa con người ở tầm mức cao hơn, không chỉ ở lý thuyết, văn bản, trong nhận thức mà còn trong thực hiện, cách làm”. Điều này cho thấy, trong nhận thức và hành động thực tế vẫn còn có khoảng cách nhất định.

Đồng chí Võ Văn Thưởng đánh giá, TPHCM - một đô thị đặc biệt đã nhận thức được vai trò to lớn của xây dựng văn hóa con người, bởi vậy mới đưa vào văn kiện, xác định yếu tố “nghĩa tình”, “văn minh” ngang hàng với phát triển kinh tế. Theo đồng chí Võ Văn Thưởng, nhiều địa phương cũng chưa được chú trọng đến vậy. Thế nhưng, đồng chí nhận xét đôi khi kết quả thực tế chưa đạt được như nhận thức, chủ trương đề ra.

Đồng chí Võ Văn Thưởng dẫn chứng sự phát triển của những ngành công nghiệp văn hóa, lâu nay có một dòng chảy âm thầm nhưng mạnh mẽ. Những bộ phim của TPHCM mang ra quốc tế gây được tiếng vang, những cuốn sách, chương trình nghệ thuật, thời trang… tạo sự ấn tượng mạnh. Nhưng đó là nỗ lực chuồi đạp của tự thân những người nghệ sĩ, của những người tâm huyết với sự nghiệp phát triển văn hóa. Trong khi đó, sự hỗ trợ của Nhà nước gần như mang những dấu ấn rất nhỏ bé, mới chỉ ở tầm… kế hoạch.

Có thể thấy, đối với những công trình văn hóa lớn, không phải đến bây giờ chúng ta mới đề cập. Có những công trình đã được đưa vào nghị quyết từ đại hội khóa trước, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được. Nhà hát Giao hưởng - Nhạc và Vũ kịch, Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ… là những ví dụ cụ thể. Chính lãnh đạo TPHCM cũng nhiều lần nhìn nhận rằng, 44 năm trôi qua kể từ ngày thống nhất đất nước, TPHCM vẫn chưa xây dựng được công trình mang tính biểu trưng cho văn hóa TPHCM, công trình đạt chuẩn về biểu diễn nghệ thuật đỉnh cao hoặc đáp ứng việc tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật tầm cỡ quốc tế.

Văn hóa đạo đức luôn cần những tấm gương. Chẳng thế mà chúng ta vẫn tuyên dương những tấm gương người tốt việc tốt, vẫn yêu cầu báo chí hãy bớt đưa tin cướp giết u ám, tăng những tin tức ngọt lành để “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”. Nhưng tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân, khiến người dân đôi khi không biết điều gì mới thực sự là tốt đẹp, là chuẩn mực để học theo. Đó cũng là một minh chứng rất phũ phàng cho việc nhận thức và hành động để phát triển văn hóa con người còn khoảng cách rất xa nhau.
 
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong một hội nghị hồi đầu năm, đã yêu cầu phải cân bằng giữa vấn đề văn hóa con người và kinh tế; đồng thời nhấn mạnh rằng kinh tế yếu, suy thoái một vài năm có thể phục hồi, tuy nhiên, suy thoái về đạo đức, văn hóa thì phải mất rất nhiều thời gian. Vậy thì phải hành động ngay! Hãy đặt văn hóa lên tầm mức cao hơn, để dẫn lối đưa đường cho sự phát triển. Bởi “văn hóa soi đường quốc dân đi”. Một thành phố, một đất nước giàu có về tâm hồn, văn minh nghĩa tình thì nhất định thành phố đó, đất nước đó sẽ giàu có về kinh tế. Giống như trong một gia đình, có gần gũi sẻ chia, thương yêu nhau thì có thể cùng nhau vượt qua những khó khăn về kinh tế vậy. 

Xây dựng văn hóa con người không phải là điều xa lạ, vĩ mô. Ngay bây giờ, trong mỗi gia đình, nếu mỗi người đều đặt chiếc điện thoại xuống và mở lòng với nhau, làm gương cho nhau, mọi chuyện sẽ tốt hơn nhiều.

Tin cùng chuyên mục