Phát triển xe buýt sử dụng năng lượng sạch ở TPHCM: Đã có khởi đầu tốt

UBND TPHCM vừa phê duyệt đề án sản xuất 300 xe buýt sử dụng năng lượng sạch (năng lượng từ khí nén thiên nhiên CNG) nhằm đáp ứng nhu cầu thay thế xe buýt cũ, chạy bằng năng lượng hóa thạch (xăng, dầu) gây ô nhiễm môi trường. Dư luận đánh giá đây là sự khởi đầu khá tốt.
Phát triển xe buýt sử dụng năng lượng sạch ở TPHCM: Đã có khởi đầu tốt

UBND TPHCM vừa phê duyệt đề án sản xuất 300 xe buýt sử dụng năng lượng sạch (năng lượng từ khí nén thiên nhiên CNG) nhằm đáp ứng nhu cầu thay thế xe buýt cũ, chạy bằng năng lượng hóa thạch (xăng, dầu) gây ô nhiễm môi trường. Dư luận đánh giá đây là sự khởi đầu khá tốt.

Xe buýt chạy bằng khí CNG tuyến Bến xe An Sương - Đại học Nông Lâm. Ảnh: CAO THANH

Xe buýt chạy bằng khí CNG tuyến Bến xe An Sương - Đại học Nông Lâm. Ảnh: CAO THANH

Những bước đi chắc chắn

Sự kiện UBND TPHCM phê duyệt đề án sản xuất 300 xe buýt nêu trên là một dấu ấn quan trọng trong việc phát triển xe buýt sử dụng năng lượng sạch ở thành phố. Tuy nhiên, trước khi phê duyệt đề án, TPHCM đã có những động thái khá cẩn trọng trong việc xem xét, đánh giá hiệu quả hoạt động của loại xe buýt sử dụng khí CNG này.

* Theo ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc chuyên trách vận tải thuộc Sở Giao thông Vận tải TPHCM, TPHCM đang cùng với Tập đoàn Dầu khí xây dựng hệ thống cung cấp khí CNG tiện lợi và ổn định lâu dài để phục vụ cho việc phát triển xe buýt sạch ở thành phố. Hiện nay, trên địa bàn TPHCM mới có 2 trạm cung cấp khí CNG cho xe buýt.

Hơn 1 năm trước, UBND TPHCM đã chấp thuận cho Công ty Xe khách Sài Gòn lập đề án thí điểm đầu tư 50 xe buýt sử dụng khí CNG. Đề án được chia thành 2 giai đoạn đầu tư, trong đó giai đoạn 1: đầu tư 21 xe, giai đoạn 2: đầu tư 29 chiếc còn lại. 21 chiếc xe buýt đầu tiên đã được Công ty Xe khách Sài Gòn đưa vào hoạt động trên tuyến Bến Thành - Bến xe Chợ Lớn và kết quả thu được đã không nằm ngoài sự kỳ vọng. Xe buýt sử dụng khí CNG chạy êm, không mùi xăng, dầu nên rất được hành khách đi xe yêu thích. Tuyến xe buýt Bến Thành - Bến xe Chợ Lớn là một trong những tuyến xe buýt có lượng khách đi lại lớn nhất TPHCM. Cùng với Công ty Xe khách Sài Gòn, Liên hiệp HTX xe buýt TPHCM cũng đầu tư 7 chiếc xe buýt sử dụng khí CNG. Theo ông Phùng Đăng Hải, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX xe buýt TPHCM, xe buýt sử dụng khí CNG của liên hiệp cũng nhận được rất nhiều lời khen từ phía hành khách. Các xe buýt sử dụng khí CNG của liên hiệp luôn đầy khách.

Tuy nhiên, không chỉ lắng nghe các đơn vị vận tải, TPHCM đã yêu cầu phải có đánh giá của các nhà khoa học về hiệu quả của việc đầu tư xe buýt sử dụng khí CNG. Công ty Xe khách Sài Gòn và công ty “mẹ” là Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (Samco) đã mời Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường thuộc Trường Đại học Giao thông Vận tải vào thẩm định. Những đánh giá khoa học của Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường là cơ sở quan trọng để TPHCM phê duyệt đề án sản xuất 300 xe buýt sử dụng khí CNG phục vụ phát triển vận tải hành khách công cộng của thành phố.

Theo ông Trần Quốc Toản, Phó Tổng Giám đốc Samco, đơn vị được giao sản xuất 300 xe buýt sử dụng khí CNG, đề án này cho phép Samco được ưu đãi về thuế khi nhập khẩu 44 chủng loại vật tư, phụ tùng phục vụ nhiệm vụ sản xuất xe mà trong nước chưa sản xuất được. Mức ưu đãi này giúp cho Samco có thể sản xuất ra những chiếc xe buýt sử dụng khí CNG với giá khoảng 2,6 tỷ đồng/xe, chất lượng đảm bảo. Ông Trần Quốc Toản khẳng định điều này khi cho biết, hơn 6 tháng trước, Samco đã sản xuất thử thành công xe buýt sử dụng khí CNG. Xe này đã được Liên hiệp HTX xe buýt TPHCM mua và đưa vào sử dụng. “Khâu sản xuất đã sẵn sàng, vấn đề còn lại là xe sẽ được các đơn vị vận tải… mua như thế nào” - ông Trần Quốc Toản cho biết.

Đường dài trước mắt...

Đúng như ông Trần Quốc Toản nói, cơ chế nào để các đơn vị vận tải có thể mua và đưa vào hoạt động các xe buýt sử dụng khí CNG là vấn đề còn lại, đồng thời cũng là vấn đề mang tính quyết định trong việc phát triển xe buýt sạch ở TPHCM. Xe buýt sử dụng khí CNG có giá thành đắt gần gấp đôi xe buýt sử dụng xăng, dầu. Trước tình hình kinh tế còn khó khăn như hiện nay, không nhiều đơn vị vận tải có khả năng mua được những chiếc xe này. Trong quyết định phê duyệt đề án sản xuất 300 xe buýt sử dụng khí CNG, UBND TPHCM có cam kết: “Các đơn vị vận tải sẽ được hỗ trợ lãi suất vay vốn theo đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại TPHCM giai đoạn 2012 - 2015, sau khi được UBND TPHCM phê duyệt”. Thế nhưng, bao giờ đề án được phê duyệt? Đề án này đã nhiều lần được Sở Giao thông Vận tải cùng các sở, ngành liên quan nghiên cứu nhưng do khó khăn chung về kinh tế, thành phố còn đang đắn đo về cơ chế hỗ trợ. Hiện các đơn vị vận tải vẫn phải sử dụng định mức trợ giá xe buýt chạy bằng nhiên liệu xăng, dầu cho xe chạy bằng khí CNG. Mức trợ giá cho xe chạy bằng xăng, dầu cao hơn khoảng 20% - 25% so với chi phí tiêu hao nhiên liệu thật sự của xe sử dụng khí CNG và khoản chênh lệch này được các đơn vị vận tải tạm coi là khoản hỗ trợ cho việc đầu tư xe buýt sử dụng khí CNG. Tuy nhiên, về lâu dài, các HTX vẫn mong muốn có sự hỗ trợ của Nhà nước một cách cụ thể hơn. “Nếu có cơ chế cho vay mua xe ưu đãi, chắc chắn sẽ có cả trăm xã viên của Liên hiệp HTX xe buýt TPHCM mua xe sử dụng khí CNG” - ông Phùng Đăng Hải cho biết.

Khách quan mà nói, cân bằng được tài chính cho các khoản đầu tư trọng yếu trong bối cảnh hiện nay là vấn đề hoàn toàn không dễ. Do vậy, nhiều đơn vị vận tải vẫn còn e ngại và cho rằng, dù đã có khởi đầu tốt nhưng để phát triển xe buýt sử dụng khí CNG ở TPHCM, con đường còn… rất dài. Thế nhưng, nói là vậy song họ vẫn hy vọng, TPHCM sẽ cố gắng hết sức để rút ngắn con đường này.

NGUYỄN KHOA

  • Sử dụng xe buýt chạy bằng khí CNG: Lợi cả về kinh tế lẫn môi trường

Đó là kết luận trong báo cáo của Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường thuộc Trường Đại học Giao thông Vận tải trong cuộc họp sơ kết công tác thực hiện giai đoạn 1 việc đầu tư, đưa vào sử dụng xe buýt chạy bằng khí CNG tại TPHCM.

Về môi trường, theo Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường, thành phần hóa học của khí nén CNG chủ yếu là CH4 (từ 70% - 90%, tùy theo nơi khai thác) và một số khí khác như Ethane (1% - 8%), Propane (2%), Butan và Pentan (nhỏ hơn 1%). Ngoài ra, khí CNG thiên nhiên cũng chứa một lượng nhỏ khí trơ như Nito (0,2% - 5%), CO2 (0,2% - 9%). Tuy nhiên, khi đưa vào sử dụng, khí thải của xe chạy bằng khí CNG tốt cho môi trường gấp rất nhiều lần so với khí thải của xe sử dụng xăng, dầu để hoạt động. Khí thải của xe chạy bằng khí CNG có nồng độ CO nhỏ hơn quy chuẩn Việt Nam cho phép tới 150 - 300 lần, nồng độ HC nhỏ hơn từ 2,5 - 5,7 lần. Trong khi đó, chỉ cần đốt cháy 12g từ nhiên liệu hóa thạch (như xăng, dầu) để tạo năng lượng thì đã thải ra môi trường 44g CO2 - loại khí gây hiệu ứng nhà kính, làm biến đổi khí hậu đáng quan ngại nhất. Xe chạy bằng khí CNG còn gần như không gây tiếng ồn.

Về kinh tế, giá khí CNG hiện nay là 14.685 đồng/kg và trung bình mỗi xe phải tiêu tốn khoảng 39,56kg cho 100km. So với xe chạy bằng dầu DO, giá dầu DO hiện nay khoảng 20.400 đồng/lít, trung bình mỗi xe phải tốn 37 lít/100km. Như vậy, chỉ cần làm một phép nhân và một phép trừ đơn giản là có thể thấy được lợi ích kinh tế từ việc sử dụng xe chạy bằng khí CNG. Thế nhưng, cũng phải lưu ý một vấn đề: chi phí đầu tư xe chạy bằng khí CNG cao hơn so với xe chạy bằng dầu. Hiện nay, giá xe chạy bằng khí CNG nhập khẩu nguyên chiếc khoảng 2,6 tỷ đồng, trong khi xe chạy bằng dầu chỉ hơn 1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nếu cân đối chung cả lợi ích kinh tế lẫn lợi ích về môi trường, xe sử dụng khí CNG là giải pháp tối ưu cho việc phát triển vận tải hành khách công cộng của TPHCM. Một thành phố đông dân bậc nhất nước và đang phải đối đầu với nạn kẹt xe, ô nhiễm môi trường do khí thải của các phương tiện giao thông gây ra.

TÂM ĐỨC ghi

  • Có thể quảng cáo trên xe buýt để tạo thêm nguồn thu

Ngày 14-11, Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, các sở, ngành vẫn đang tiếp tục nghiên cứu và thẩm định đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại TPHCM giai đoạn từ năm 2012 - 2015. Trong đề án này, Sở Giao thông Vận tải đề xuất TPHCM hỗ trợ đầu tư mới 1.680 xe buýt với hình thức: DN vận tải chủ động đầu tư 30% chi phí mua xe, 70% số tiền còn lại, Nhà nước sẽ cho vay trong vòng 7 năm với lãi suất vay 5%/năm. Phần lãi suất chênh lệch (nếu có), Nhà nước sẽ hỗ trợ. Như vậy, với số lượng 1.680 xe buýt, nếu TPHCM đồng ý hỗ trợ lãi suất vay và nếu lãi suất vay ở mức như hiện nay, trung bình mỗi năm TPHCM sẽ phải bù khoảng 100 tỷ đồng cho DN. Đây là khoản tiền không nhỏ nhưng theo nhiều chuyên gia về vận tải, để phát triển xe buýt thân thiện với môi trường, khoản đầu tư này không quá đắt. TPHCM có thể nhanh chóng cho quảng cáo trên xe buýt để tìm kiếm thêm nguồn thu, bù đắp vào chi phí nêu trên.

AN NHIÊN ghi

Tin cùng chuyên mục