Phát xít Đức từng thử bom nguyên tử

Phát xít Đức từng thử bom nguyên tử

Chuyện gì sẽ xảy ra cho Thế chiến II nếu như trong tay Hitler có vài quả bom nguyên tử? Vấn đề thực sự sẽ là thảm họa. Những tiết lộ mới đây của một nhà sử học người Đức cho biết, Hitler đã cho sản xuất, thậm chí từng thử bom nguyên tử…

  • Đức có công nghệ hạt nhân từ năm 1942
Phát xít Đức từng thử bom nguyên tử ảnh 1

Đám mây hình nấm của một vụ thử bom nguyên tử.

Nhà sử học Đức Rainer Karlsh vừa cho xuất bản cuốn sách Trái bom của Hitler, trong đó một số thông tin cho hay nước Đức phát xít từng sản xuất được, thậm chí từng thử nghiệm bom nguyên tử!

Các tài liệu cho thấy mối nguy thật sự lớn và chỉ may mắn được giải thoát khi Hồng quân Liên Xô kịp thời giải phóng Berlin ngày 9-5-1945, kết thúc chế độ phát xít tại Đức. Nếu chậm trễ hơn, Hitler có thể có trong tay ít nhất hai quả bom nguyên tử.

Nếu đây là sự thật, lịch sử thế giới có thể đã chứng kiến những thảm họa kinh hoàng, mọi chuyện xảy ra về sau hoàn toàn có thể đảo ngược.

Theo Riner Karlsh, bằng những tài liệu mà ông có được, ngày 3-3-1945, Đức quốc xã đã bí mật thử nghiệm bom hạt nhân gần thành phố Ordruf. Hitler đã cho nổ một trái bom gần 5kg plutonium.

Hơn 700 tù binh Liên Xô trong một trại tập trung gần đó đã bị đem ra làm vật thí nghiệm. Cuốn sách mô tả: “Tất cả các tù binh này đều chết ngay lập tức” và “Những người chứng kiến sau vụ nổ chỉ còn thấy hàng trăm xác chết cháy đen”. Dân làng gần đó sau này kể lại rằng họ thấy một hiện tượng rất lạ, trời đột nhiên mù mờ, người dân cứ chảy nước mắt mà không biết vì cái gì. Về sau, hậu quả của việc này vẫn còn, rất nhiều người bị các loại bệnh tật không rõ nguyên do…

Bằng các tài liệu thu thập được, cuốn sách cho biết lò ly tâm đầu tiên được Đức quốc xã xây dựng từ năm 1942. Trái bom đầu tiên không có sức công phá lớn, chỉ có lõi là plutonium, xung quanh là chất nổ thông thường. Lực lượng SS của Đức quốc xã có kế hoạch dành hai trái bom loại này để “đón tiếp” quân Liên Xô một khi họ vào tới Berlin. Cuộc thử nghiệm đầu tiên loại bom này được tiến hành vào mùa thu năm 1944.

Ngay từ năm 1942, Đức đã làm chủ được công nghệ hạt nhân tốt nhất thế giới lúc đó. Uranium được khai thác từ các quặng trong vùng đất của Pháp bị Đức chiếm đóng. Vấn đề ở chỗ, Hitler lúc đầu không tin có thể sản xuất được bom nguyên tử. Khi tình hình trở nên cấp bách và có vẻ quá muộn, Hitler mới ra lệnh tăng ngân sách tài chính cho công trình thiết kế “vũ khí kỳ lạ” này vào cuối năm 1943.

  • Thời gian không ủng hộ...

Các nhà khoa học Đức không đủ thời gian để làm giàu lượng uranium cần thiết cho việc chế tạo bom. Sau khi chịu nhiều thất bại trên các mặt trận, Hitler mới chịu chi rộng rãi cho các công trình nghiên cứu vũ khí mới. Điều đó có thể lý giải được mãi cho đến khi chiến tranh sắp kết thúc, Đức mới cho “trình làng” tên lửa tầm bắn xa Fau-2 và một phát minh về máy bay phản lực.

Hiện vẫn còn bản ghi âm những bài phát biểu trong tháng 4-1945 của tướng Gebbels tại Đài phát thanh Berlin, lặp đi lặp lại rằng nước Đức đã tiến gần đến việc chế tạo thành công “vũ khí kỳ lạ” và “sẽ hủy diệt các “con đại bàng” bolsevich (Liên Xô)”.

Trung tuần tháng 4-1945, tức chỉ ba tuần trước ngày đầu hàng, bộ sậu của Hitler vẫn còn nghiêm túc thảo luận phương án “chiến tranh nguyên tử mini” bằng cách thả các “trái bom kỳ lạ” xuống Paris và London cùng mặt trận phía Đông, nơi quân đội Liên Xô đang áp sát. Nhưng thời gian không ủng hộ. Ngày 9-5-1945, “đế chế hàng ngàn năm” của Hitler sụp đổ, chỉ hai tháng sau khi thử thành công trái bom nguyên tử đầu tiên.

Thông tin trong sách trên còn được củng cố bằng những bằng chứng từ phía Liên Xô. Phản gián nước này đã có trong tay rất sớm kết quả chế tạo bom nguyên tử của Đức quốc xã. Liên Xô đã xây dựng một căn cứ quân sự tuyệt mật, với nhiều phòng thí nghiệm để đối phó với loại vũ khí mới này của Đức.

Ngọc Lữ (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục