Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, trật tự xã hội để lấy lại lòng tin của người dân là một trong những yêu cầu mà các ĐBQH đặt ra trong công tác điều hành của Chính phủ. Không ít ĐBQH đề nghị Chính phủ phải tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nhất là kỷ cương, kỷ luật điều hành, có chế tài xử lý các địa phương chấp hành không nghiêm quy định của Chính phủ.
Hàng loạt dẫn chứng trong thực tế được viện dẫn để chứng minh tình trạng “trên bảo dưới không nghe” đang diễn ra khá phổ biến. Ví dụ như nợ đọng trong xây dựng cơ bản ở các địa phương rất nghiêm trọng, nguyên nhân là do không chấp hành nghiêm quy định của Chính phủ (không có kinh phí nhưng vẫn mở mới công trình dự án dẫn đến nợ xấu rất cao).
Hay việc không chấp hành quy định của Chính phủ về trồng bù rừng khi xây dựng nhà máy thủy điện như là “chuyện thường ngày ở huyện” (từ năm 2006 đến nay, cả nước có 160 dự án thủy điện ở 29 tỉnh, thành phố với diện tích đất rừng chuyển đổi gần 20.000ha, nhưng đến nay chỉ có 8/29 tỉnh thực hiện trồng rừng bù với hơn 700ha).
ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cũng thẳng thắn cho rằng, tổn thất to lớn ở hai tập đoàn Vinashin và Vinalines là do buông lỏng quản lý vì thực tế để có được sự cho phép hay phê duyệt sử dụng khoản tiền lên đến mấy chục triệu USD là không phải dễ dàng, nhưng trong thực tế nó lại trở nên quá dễ. Đó là do quản lý nhà nước của chúng ta còn yếu và bộ máy nhà nước có vấn đề. Cơ quan nào cũng có chức năng, nhiệm vụ được pháp luật quy định rất đầy đủ, nhưng sai phạm, tổn thất thì cứ xảy ra và hậu quả ngày càng nghiêm trọng hơn mà không có một bộ nào chịu trách nhiệm. Liệu có nên gọi đó là sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước?
Một ví dụ khác của việc phép nước không nghiêm là sự buông lỏng quản lý trong lĩnh vực quản lý thị trường. Tình trạng buôn lậu hàng giả đang hủy hoại nền kinh tế. Hệ thống thanh tra chuyên ngành, hệ thống quản lý thị trường rất đầy đủ, rất hùng hậu nhưng hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn tràn lan. Nón bảo hiểm dỏm không đảm bảo chất lượng là một mặt hàng điển hình mà ai cũng thấy trên khắp cả nước nhưng nó vẫn được bán đầy đường. Vì thế các ĐBQH mới bức xúc: “Đừng nói là không có quy định hay không có cơ chế xử phạt mà hãy nói là có làm hay không”.
Ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, đánh giá, những lỗ hổng lớn trong quản lý đã để các nhóm lợi ích thao túng trong hoạt động kinh tế, tài chính, ngân hàng với những vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng kéo dài như vụ Vinashin, Vinalines. Tình trạng nợ xấu ở mức báo động, cách thức quản lý vàng miếng SJC mang hình thức độc quyền gây nhiều tranh cãi. Những vụ đình đám như vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng - Hải Phòng, Văn Giang - Hưng Yên không được chính quyền, các cơ quan chức năng xử lý kịp thời để dây dưa gây bức xúc dư luận. Sự xuống cấp đạo đức một bộ phận cán bộ lãnh đạo từ cấp Trung ương đến cấp xã, phường... Tất cả những thứ đó cộng lại là mầm mống gây bất ổn. Mà suy cho cùng, cũng là do kỷ cương, phép nước không được tôn trọng. “Lòng dân có yên thì nước mới ổn”, ông Huệ nói.
Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, tình trạng sách nhiễu, lợi dụng chức quyền còn diễn biến phức tạp đã được nêu từ nhiều năm nhưng chưa giải quyết dứt điểm. Hệ quả mà ai cũng nhìn thấy rõ là điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến niềm tin của thị trường, đến tâm lý của nhà đầu tư, đến thu hút đầu tư, đến tâm trạng chung của xã hội, làm giảm sút niềm tin của người dân. Cũng chính vì kỷ luật hành chính chưa nghiêm nên những chủ trương của Chính phủ bị giảm hiệu lực. Và khi chuyện xảy ra, bộ này “đẩy” trách nhiệm cho bộ khác.
Bởi thế, những mối lo về kỷ cương phép nước là điều cần được nhìn nhận thấu đáo. Nếu tình trạng yếu kém trong quản lý nhà nước vẫn như hiện nay, bộ máy nhà nước không có gì thay đổi, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ công chức nhà nước không được tăng cường thì tổn thất vẫn xảy ra và có thể nghiêm trọng hơn, tình hình kinh tế - xã hội khó có thể được cải thiện và tốt lên.
Người dân luôn kỳ vọng vào quyết tâm đổi mới bộ máy quản lý nhà nước, phân định rõ cơ chế trách nhiệm cá nhân của các cấp các ngành từ Trung ương đến cơ sở của Chính phủ. Họ càng mong Chính phủ không để lợi ích nhóm chi phối trong công tác điều hành, chỉ có như thế mới tạo được chuyển biến trong quá trình tái cơ cấu kinh tế mà nhân dân cả nước đang trông đợi.
Phan Thảo