Ngày 22-2, hãng tin Reuters dẫn lời 2 quan chức Mỹ giấu tên cho hay gần 20 công trình xây dựng trái phép của Trung Quốc trên biển Đông, dường như được sử dụng là nơi cất giữ các tên lửa đất đối không tầm xa. Động thái này được xem như phép thử đối với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề biển Đông hay là để Bắc Kinh củng cố yêu sách trong khu vực?
Những điểm được khoanh vùng được cho là súng phòng không mà Trung Quốc triển khai phi pháp tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam
Gia tăng căng thẳng
Các công trình bê tông được xây dựng trên đảo đá Subi, Vành Khăn và Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Chúng có mái di động, chiều dài 20m, cao 10m. Một quan chức tình báo Mỹ cho biết, cấu trúc xây dựng này tương tự nơi để các bệ phóng tên lửa SAM. Cùng với các đường băng xây dựng phi pháp trên biển Đông mà nhiều chuyên gia cho là phục vụ cho mục đích quân sự, giới chức Mỹ xem đây là những động thái leo thang quân sự của Trung Quốc.
Tháng 12-2016, Greg Poling, chuyên gia về biển Đông thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington, cho hay Trung Quốc đã triển khai nhiều vũ khí; trong đó có hệ thống chống tên lửa, chống phi cơ trên các đảo mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở biển Đông. Giới quan sát nhận định, các công trình để cất giữ tên lửa sẽ giúp mở rộng hệ thống phòng không của Trung Quốc trên các đảo. Họ tin tưởng Trung Quốc sẽ triển khai tên lửa trên các đảo ở biển Đông. “Điều này chắc chắn sẽ gia tăng căng thẳng trong khu vực”, chuyên gia Poling nói.
Một người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố Mỹ luôn duy trì quan điểm “không quân sự hóa ở biển Đông” và thúc giục các bên liên quan thực hiện theo đúng luật pháp quốc tế. Ngày 21-2, Philippines cho biết các quốc gia Đông Nam Á xem việc Trung Quốc triển khai vũ khí ở biển Đông là rất đáng lo ngại và yêu cầu đối thoại để ngăn chặn leo thang căng thẳng. Đồng thời, hy vọng Trung Quốc và Mỹ có thể giúp duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.
Ngày 22-2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng không xác nhận việc Trung Quốc có kế hoạch triển khai tên lửa hay không mà chỉ ngang ngược cho rằng Trung Quốc thực hiện các hoạt động xây dựng thông thường trên lãnh thổ của mình, bao gồm cả việc triển khai các cơ sở bảo vệ lãnh thổ cần thiết và thích hợp theo luật pháp quốc tế.
Củng cố yêu sách?
Một quan chức của Mỹ cho rằng, các công trình cất giữ tên lửa của Trung Quốc không phải là mối đe dọa quân sự đáng kể đối với các lực lượng của Mỹ trong khu vực. Đây giống một phép thử về chính trị cho chính quyền Tổng thống Trump hơn, để xem Mỹ sẽ phản ứng ra sao.
Tuy nhiên, Chas Freeman, một chuyên gia về Trung Quốc và là cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lại nghiêng về ý kiến Trung Quốc triển khai vũ khí là để phục vụ mục đích quân sự, hòng củng cố yêu sách của Trung Quốc đối với các quốc gia khác chứ không phải là phát đi một tín hiệu chính trị đối với Mỹ.
Trong một buổi điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện hồi tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã khiến Trung Quốc nổi giận khi tuyên bố cần phải cấm Trung Quốc tiếp cận các hòn đảo mà nước này xây dựng trái phép trên biển Đông. Sau đó, khi trả lời các câu hỏi bằng văn bản, ông Tillerson đã hạ tông, nói rằng trong trường hợp phòng hờ, Mỹ và các đồng minh của mình phải có khả năng hạn chế sự tiếp cận của Trung Quốc và sử dụng những hòn đảo trên để “đặt ra một mối đe dọa”. Mối đe dọa mà Mỹ nhắc đến ở đây được nhiều người nhận định là vấn đề an ninh hàng hải bởi biển Đông là tuyến thương mại huyết mạch trên biển mà Mỹ cũng có lợi ích ở đó.
Đỗ Cao (tổng hợp)