BOT (Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao) là phương thức được thực hiện phổ biến ở các công trình xây dựng cơ bản, nhưng đặc biệt thích hợp với các công trình giao thông (đường sá, cầu, cảng…). Tính ưu việt của nó được thể hiện rõ trong việc xã hội hóa, huy động được nguồn lực lớn của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng nền kinh tế. Đến nay, đã có hàng trăm dự án trên cả nước được thực hiện theo phương thức này, trong đó rất nhiều dự án phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, khi phương thức này được áp dụng vào việc xây dựng và mở rộng quốc lộ 1 đã nảy sinh một số vấn đề xã hội rất quan tâm.
Quốc lộ 1 dài hơn 2.300km, là tuyến đường giao thông huyết mạch, xuyên suốt chiều dài đất nước, bắt đầu (Km 0) từ cửa khẩu Hữu Nghị Quan - biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, nằm tại xã Bảo Lâm thuộc huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, kết thúc (Km 2301 + 340m) tại thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau). Đây là tuyến đường quan trọng nhất của nước ta, song lại không đồng nhất, chỗ rộng chỗ hẹp - phổ biến chỉ từ 10m đến 12m, và đến nay không còn đáp ứng được yêu cầu phát triển nền kinh tế, nhất là nhu cầu giao thông thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do đó, trong khi chờ xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam (Hà Nội - Cần Thơ), cần phải nâng cấp cầu và đường trên toàn tuyến, mà trước mắt là mở rộng đồng bộ con đường này.
Tuy nhiên, với kinh phí lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng, trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, nhà nước đã không thể kham nổi, và phương thức BOT được coi là giải pháp khả thi cho việc này. Nhưng với số vốn khổng lồ ấy cũng không thể có doanh nghiệp hoặc tổ chức nào trong và ngoài nước có thể đứng ra đầu tư xây dựng, mở rộng toàn bộ quốc lộ 1. Do vậy, nhà nước phải cắt từng đoạn để tiện việc kêu gọi đầu tư. Chính vì thế, trên toàn tuyến quốc lộ 1 sẽ có đến hơn 30 dự án triển khai bằng phương thức BOT.
Nhưng việc chia nhỏ từng đoạn quốc lộ 1 để kêu gọi đầu tư theo phương thức BOT sẽ gây ra nhiều bất tiện đối với người dân có phương tiện lưu thông trên tuyến đường này. Đó là mỗi dự án sẽ mọc lên một trạm thu phí - để hoàn vốn cho chủ đầu tư theo thời hạn đã thỏa thuận với nhà nước - và toàn tuyến sẽ có thêm hơn 30 trạm thu phí, ngoài những trạm đã có trước đây. Như vậy, bất kỳ ô tô nào đi trên quốc lộ 1 cũng phải chịu thêm một khoản phí nữa, bắt buộc phải mua đường mới được đi theo giá quy định.
Trong khi đó, cũng theo quy định của nhà nước được hướng dẫn bởi Thông tư số 197/TT-BTC ngày 15-11-2012, các phương tiện giao thông cơ giới (bao gồm ô tô các loại và xe hai bánh, ba bánh) phải đóng phí sử dụng đường bộ. Như vậy, ô tô đã phải đóng phí sử dụng đường bộ, nhưng khi đi trên quốc lộ 1 qua các đoạn được thực hiện theo phương thức BOT sẽ phải đóng thêm một khoản phí nữa, tức là phí chồng lên phí. Nếu tính trên toàn tuyến, các xe ô tô sẽ phải đóng nhiều triệu đồng cho một lượt đi trên quốc lộ 1, trong khi cũng đã phải đóng hàng triệu đồng phí sử dụng đường bộ hàng năm. Đây là điều bất hợp lý. Đối với các doanh nghiệp vận tải, tất cả các phí trên sẽ được tính vào giá thành và phân bổ vào giá cả, và người cuối cùng phải gánh chịu chính là người dân.
Trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, ngân sách còn eo hẹp, người dân sẵn lòng chia sẻ với nhà nước, song vấn đề là các khoản thu phải hợp lý và hợp đạo lý, nhất là trong bối cảnh đời sống khó khăn hiện nay. Do đó, nhà nước cần phải sửa lại các quy định để tránh phí chồng lên phí buộc người dân phải gánh chịu.
PHAN LỘC