* Không đồng tình bỏ hình phạt tử hình tội phạm ma túy
Ngày 30-10, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo trước Quốc hội về kết quả lấy ý kiến nhân dân và dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi - BLHS). Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện báo cáo Quốc hội về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo BLHS, Quốc hội đã dành trọn 1 ngày để thảo luận về dự luật quan trọng này.
Đại biểu Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long) phát biểu thảo luận
Tán thành quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân
Về trách nhiệm hình sự (TNHS) của pháp nhân, ông Nguyễn Văn Hiện cho biết, theo kết quả lấy ý kiến nhân dân, đa số ý kiến các bộ, ngành trung ương và địa phương tán thành việc quy định TNHS của pháp nhân vào BLHS. Có tới 27/30 bộ, ngành, cơ quan, tổ chức trung ương; 63/63 HĐND tỉnh, thành tán thành bổ sung quy định TNHS của pháp nhân.
Theo ông Nguyễn Văn Hiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cũng tán thành quy định TNHS của pháp nhân vào BLHS. Đây là nội dung thay đổi quan trọng trong chính sách hình sự, khẳng định quan điểm của nhà nước ta trong việc xử lý nghiêm minh các pháp nhân vi phạm pháp luật, đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Việc bổ sung TNHS của pháp nhân không loại trừ TNHS của cá nhân.
Nhiều ý kiến tán thành về phạm vi chịu TNHS của pháp nhân gồm 39 tội danh, nhưng cũng có một số ý kiến cho rằng, TNHS của pháp nhân là vấn đề mới, nên cần có bước đi phù hợp, trước mắt, chỉ nên tập trung vào 15 tội danh thuộc nhóm tội phạm về kinh tế, môi trường, rửa tiền, tài trợ khủng bố. Trên cơ sở ý kiến của đa số nhân dân và ĐBQH, qua rà soát, UBTVQH dự kiến quy định phạm vi TNHS của pháp nhân gồm 40 tội danh như quy định tại Điều 76 dự thảo.
Thảo luận về vấn đề này, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) và đa số ĐBQH tán thành quy định TNHS của pháp nhân, đó là điểm mới, thể hiện thái độ nghiêm khắc của nhà nước đối với hành vi vi phạm của pháp nhân, nhất là trong lĩnh vực buôn lậu, trốn thuế, môi trường (từ Bắc tới Nam tình trạng doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của cộng đồng). Ngoài các tội danh chịu TNHS của pháp nhân như dự thảo, ĐB Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) đề xuất thêm một số tội danh như: huy động vốn để sản xuất kinh doanh trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng; cưỡng bức lao động; đưa phương tiện giao thông vào lưu thông không đủ tiêu chuẩn gây hậu quả nghiêm trọng…
Bỏ hình phạt tử hình 9 tội danh
Về bỏ hình phạt tử hình ở một số tội, nhiều ý kiến tán thành bỏ hình phạt tử hình ở 7 tội danh như dự thảo trình Quốc hội và xin ý kiến nhân dân. Đó là các tội: cướp tài sản; phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh. Một số ý kiến đề nghị, ngoài 7 tội danh như đề xuất của Chính phủ, đề nghị bỏ hình phạt tử hình thêm 3 tội danh khác: tham ô; nhận hối lộ; sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh. Ý kiến khác đề nghị không bỏ hình phạt tử hình đối với các tội: phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh; vận chuyển trái phép chất ma túy; phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; cướp tài sản; đầu hàng địch; chống mệnh lệnh; sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm.
Theo ông Nguyễn Văn Hiện, trên cơ sở cân nhắc các ý kiến, UBTVQH dự kiến chỉnh lý theo hướng, bỏ hình phạt tử hình ở 9 tội danh: cướp tài sản; tàng trữ trái phép chất ma túy; chiếm đoạt chất ma túy; phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh. Đặc biệt, Dự thảo BLHS cũng tách riêng hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy, vận chuyển trái phép chất ma túy, chiếm đoạt chất ma túy thành các tội danh riêng và bỏ hình phạt tử hình ở các tội này. Riêng tội vận chuyển trái phép chất ma túy vẫn giữ hình phạt tử hình đối với kẻ chủ mưu, cầm đầu đường dây hoặc người thực hiện việc vận chuyển ma túy với số lượng lớn.
Tiếp thu theo đa số ý kiến nhân dân và ĐBQH, dự thảo cũng quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử và không thi hành án tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên.
Thảo luận về nội dung này, ĐB Đỗ Kim Tuyến (Hà Nội) và hầu hết các ĐB chung quan điểm ủng hộ hạn chế án tử hình. “Tuy nhiên, cần tránh tả khuynh, hữu khuynh trong phòng chống tội phạm. Cần cân nhắc không bỏ tử hình đối với tội vận chuyển trái phép ma túy, vì hiện nay tội phạm vận chuyển ma túy rất phức tạp, hình thành các nhóm, có vũ khí, vận chuyển qua biên giới, gây hậu quả rất lớn cho xã hội”, ĐB Đỗ Kim Tuyến nói. Đây cũng là quan điểm của các ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long), Danh Út (Kiên Giang) và nhiều ĐB khác về tội phạm ma túy. Bên cạnh đó, ĐB Hồ Trọng Ngũ và nhiều ĐB khác không đồng tình việc bỏ án tử hình với tội cướp tài sản.
Không tử hình tội tham ô: “dùng tiền để cứu mạng”?
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, dự thảo BLHS lần này hết sức nhân đạo như việc giảm nhiều hình phạt tử hình, phi hình sự hóa một số loại tội. Tuy nhiên, về phi hình sự hóa một số tội danh, ĐB Nguyễn Bá Thuyền cho rằng việc phi hình sự hóa tội “cố ý làm trái” cần nghiên cứu kỹ. ĐB cho biết, qua tiếp xúc cử tri, có ý kiến cho rằng đưa quy định này là để “giải cứu” cán bộ.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền đề nghị ban soạn thảo phải nghiên cứu kỹ và thông tin cho ĐBQH biết, hiện có bao nhiêu cán bộ đang phải đi tù vì “tội cố ý làm trái”, bao nhiêu cán bộ đang bị khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử vì tội này.
Theo ĐB Nguyễn Bá Thuyền, nếu chúng ta bỏ tội cố ý làm trái, đương nhiên những người đang bị khởi tố, điều tra, xét xử về tội này sẽ bị đình chỉ; những người đang thi hành án sẽ được ra tù. “Nếu thế, kể cả những người phạm tội trong vụ án Vinashin cũng được tha, ra tù ngay lập tức”, ĐB Nguyễn Bá Thuyền lo ngại. “Bởi vậy phải nghiên cứu, giải trình kỹ. Thay bằng tội khác thì đồng tình, còn nếu phi hình sự hóa thì tôi sợ người dân không đồng tình. Vì nếu như thế sẽ tha hết những người đang phạm tội này ra tù. Như vậy là chúng ta có tội với nhân dân”, ĐB Nguyễn Bá Thuyền nói.
Cũng liên quan đến nhóm tội tham nhũng, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, quy định không thi hành án tử hình với tham ô sẽ khiến người dân hiểu rằng “dùng tiền để cứu mạng”, làm gia tăng sự bất bình trong dân chúng đối với tình trạng tham ô, hối lộ. ĐB Tô Văn Tám cho rằng, tính nhân đạo, khoan hồng trong luật hình sự là cần thiết khi người phạm tội đã ăn năn hối cải, nhận rõ hành vi sai trái của mình, chủ động khắc phục hâu quả. Tuy nhiên, chỉ nên ghi nhận việc này trong giai đoạn phát hiện xử lý tội phạm. Còn sau khi tuyên án tử hình, việc khoan hồng không còn chủ động, tích cực nữa. Vì vậy, ĐB đề nghị không quy định việc bỏ án tử hình đối với tội tham ô vào BLHS sửa đổi mà chỉ đưa các tình tiết: chủ động khắc phục hậu quả, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng… trong phát hiện xử lý tội phạm thành tình tiết giảm nhẹ. Như vậy, đối tượng phạm tội này vẫn có cơ hội thoát án tử hình.
Khác với quan điểm này, ĐB Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) lại cho rằng, bỏ tử hình không có nghĩa là tha bổng mà phải tù chung thân. “Ví dụ người đã 75 tuổi không bị tử hình nhưng chung thân thì cũng không còn cơ hội gây hại cho xã hội. Hoặc đối với những tội danh về tham nhũng, sản xuất hàng giả... nếu bỏ hình phạt tử hình thì sẽ tạo cơ hội để thu hồi tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả, còn người bị tội thì vẫn phải ngồi tù. Nếu tử hình họ thì không thu hồi được tài sản, còn để họ ngồi tù nhưng thu hồi được tài sản là điều nên làm”, ĐB Đặng Thị Kim Chi nói.
Nhiều ĐB tiếp tục đề nghị luật phải bổ sung thêm nhiều tội danh hình sự khác. Về TNHS đối với trẻ em, ĐB Bùi Ngọc Chương (Cà Mau) đề nghị bổ sung tội đua xe trái phép; tội cản trở giao thông đường bộ, đường sắt cần bổ sung hành vi ném đá xe khách, tàu hỏa; tội cưỡng dâm người từ đủ tuổi 13 đến dưới 16 tuổi. ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) đề nghị bổ sung thêm tội đe dọa người khác nhiễm HIV để ngăn ngừa hành vi manh động của các tội phạm ma túy; hành vi vứt bỏ con vừa sinh ra; tội tài trợ để vận chuyển, sản xuất ma túy, tội bảo kê mại dâm.
PHAN THẢO - MINH GIANG