“Phi-đen đã sinh ra tôi lần thứ hai”

“Phi-đen đã sinh ra tôi lần thứ hai”

Chị Nguyễn Thị Hương, được Chủ tịch Cu-ba, Phi-đen Ca-xtơ-rô – cứu sống trong tai nạn bom mìn tại vĩ tuyến 17. Đây là câu chuyện cảm động của tình hữu nghị Việt Nam – Cu-ba. Gần 35 năm sau sự kiện ấy chúng tôi đã tìm gặp chị.

Về xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, hỏi thăm người phụ nữ được Chủ tịch Phi-đen “sinh ra” lần thứ hai bây giờ ở đâu, nhiều người dân cho biết bà đã theo chồng về xã Vĩnh Hòa. Đến xã này thì nhận được thông tin cách đây mấy năm bà đã vào sinh sống với gia đình ở thị xã Đông Hà. Cuối cùng, chúng tôi cũng tìm được chị Nguyễn Thị Hương, năm nay đã 51 tuổi.

“Ông Tây” giàu lòng nhân ái

“Phi-đen đã sinh ra tôi lần thứ hai” ảnh 1
Chủ tịch Phi-đen thăm Quảng Trị vào tháng 9-1973

Nhân dịp lễ Quốc khánh 1973, Chủ tịch Cu-ba Phi-đen đến thăm Quảng Trị (lúc ấy Quảng Trị đã giải phóng nửa tỉnh phía Bắc). Ông đi khắp huyện Cam Lộ, rồi về căn cứ quân sự Dốc Miếu, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải. Tại phía Bắc sông Bến Hải, lúc ấy đoàn thanh niên xã Vĩnh Thành tổ chức lao động lấp hố bom thì được Chủ tịch Phi-đen đến thăm.Trong đoàn thanh niên hôm ấy, có một thiếu nữ mới 17 tuổi, mang tên Nguyễn Thị Hương.

Chị Hương nhớ lại: “Hôm đó, tôi cùng hàng trăm thanh niên đang lao động cuốc đất hăng say, bỗng nhiên một tiếng nổ như sét đánh vang lên. Người tôi đổ sụp xuống đất, máu chảy đầy, đau nhói. Cố gắng đứng dậy, tôi ôm bụng chạy mấy bước lên đường quốc lộ thì ngất xỉu, nằm xuống bên mép đường”.

Ngay lúc đó, đoàn ô tô chở Chủ tịch Phi-đen đến cầu Hiền Lương. Trên xe có nhiều người bước xuống, chạy lại nơi vừa xảy ra vụ nổ. Chị Hương cố mở mắt, nhìn thấy có một ông Tây cao to, rất nhiều râu, ôm chị lên xe, đưa về Bệnh viện Vĩnh Linh cấp cứu. Chị bị thương nặng, máu mất nhiều, nhưng Bệnh viện Vĩnh Linh lại hết máu dự trữ. “Ông Tây” trao đổi với các bác sĩ tìm mọi cách phải cứu sống chị Hương. Nếu không được, ông xin đưa chị ra Quảng Bình hay dùng máy bay chở về Hà Nội cấp cứu. Lúc đó, Bệnh viện Vĩnh Linh hứa với “ông Tây” sẽ quyết tâm cứu sống bệnh nhân cho bằng được.
 
Để có máu truyền cho chị Hương, “ông Tây” điều động ô tô ra Quảng Bình, mang máu về giúp bệnh viện. Nhờ sự sốt sắng giàu lòng nhân ái của ông Tây mà sức khỏe chị Hương dần dần phục hồi, vượt qua hiểm nghèo. Tỉnh dậy, nghe lãnh đạo bệnh viện kể lại, người bồng chị đi cấp cứu chính là Phi-đen, chủ tịch nước Cu-ba. Cùng đi với Phi-đen hôm ấy đến thăm chị, còn có Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Tai nạn bom bi xảy ra đã cắt ruột chị Hương đứt thành 8 khúc, đứt động mạch chủ cùng nhiều vết thương khác trên thân hình. Gần 35 năm sau, khi ngồi đối diện tôi kể lại kỷ niệm khó quên ấy, chị Hương nói trong hạnh phúc: “Chủ tịch Phi-đen đã sinh tôi ra lần thứ hai. Nếu không có sự xuất hiện của ông lúc ấy chắc tôi không còn sống”.

Những món quà từ Cu-ba

“Phi-đen đã sinh ra tôi lần thứ hai” ảnh 2
May vá áo quần, một trong những việc làm hàng ngày của chị Nguyễn Thị Hương

Gần một tháng sau khi được các bác sĩ tận tình cứu chữa, chị Hương lành vết thương, ra viện.Vừa về đến nhà, chị không tin nổi vào mắt mình khi có giấy báo lên ủy ban xã nhận quà của Phi-đen. Tôi hỏi: “Chị còn nhớ quà gì không?”. “Cũng khá nhiều thứ, nào là thuốc chữa bệnh, thuốc bổ… và có thêm một cái danh thiếp đề tên Phi-đen. Tôi không ngờ rằng ông lại chu đáo như vậy, gia đình tôi vô cùng xúc động”.

Từ đó về sau, năm nào cũng vậy, mỗi khi có phái đoàn sang thăm Việt Nam, Phi-đen đều gửi quà tặng chị Hương. Không thể sang Cu-ba thăm ân nhân của mình, chị viết thư nhờ các cán bộ gửi sang cảm ơn ông.

Năm 1985, Phi-đen mời chị qua Cu-ba để kiểm tra sức khỏe và an dưỡng. Chị mừng khấp khởi, nhưng vừa sinh con nhỏ nên không thể đi được. Tôi hỏi, bỏ lỡ một cơ hội được sang thăm đất nước Cu-ba xinh đẹp, chị có tiếc không? Không giấu giếm, chị Hương thật lòng: “Tôi rất tiếc vì không có điều kiện gặp ông để xin được nói lời cám ơn người đã sinh mình ra lần thứ hai”.

Mong Phi-đen mạnh khỏe!

Ngồi trước mắt tôi, người con gái bị đứt 8 khúc ruột năm xưa bây giờ là mẹ của ba đứa con. Sau khi vết thương lành lặn, chị Hương ở lại quê nhà, lấy chồng, nuôi con. Chồng chị công tác xa nhà. Ở làng quê, cuộc sống mưu sinh đã làm chị nhiều lúc kiệt sức. Để có tiền cho ba đứa con ăn học chị phải tần tảo làm thêm nhiều công việc.Vừa làm vườn, làm ruộng lại vừa nuôi heo thế mà nhiều lúc vẫn không đủ ăn. Khổ cực, gian truân rồi cũng qua. Ba người con của chị nay đã lớn khôn, có việc làm đàng hoàng. Đứa con gái đầu đã có gia đình. Chị đã trở thành… bà ngoại ở độ tuổi ngũ tuần.

Cách đây mấy năm, vết thương cũ tái phát, sức khỏe yếu đi, chị Hương mới chuyển vào thị xã Đông Hà, sinh sống cùng gia đình chồng. Trong người chị hiện còn rất nhiều mảnh đạn nằm lại ở trán, sườn và đầu gối, vì thế những hôm trở trời, cơn đau lại hành hạ chị.

Tôi hỏi :“Những kỷ vật được Phi-đen tặng, chị còn lưu giữ không?”. Chị Hương nói trong tiếc nuối: “Gia đình có giữ lại làm kỷ niệm, đó là các tấm ảnh, thước phim rất quý. Thế nhưng trận bão lớn năm 1985, làm sập nhà, các kỷ vật bị nước mưa vào ướt sũng, hỏng hết. Mới đây, khi Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sang thăm Cu-ba, chị Hương đã chụp ảnh gia đình, kèm theo một ít tiêu khô Quảng Trị, gửi sang tặng Phi-đen làm quà. Chia tay, tôi hỏi chị có nhắn nhủ gì, chị Hương chùng giọng: “Tôi muốn xin được gửi đến ông lời thăm hỏi ân cần. Chúc người cha nuôi của mình, Chủ tịch của Cu-ba – ngài Phi-đen luôn mạnh khỏe”.

LAM KHANH

Tin cùng chuyên mục