Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Chú trọng nâng cao trình độ, tiêu chuẩn công chứng viên

SGGPO).- Sáng 20-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã bắt đầu phiên họp thứ 25. Trong ngày làm việc đầu tiên, UBTVQH đã nghe và cho ý kiến về các vấn đề lớn, còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật Công chứng (sửa đổi). UBTVQH cũng đã xem xét Tờ trình của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao đề nghị cử 3 vị thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao làm thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao…
Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Chú trọng nâng cao trình độ, tiêu chuẩn công chứng viên

(SGGPO).- Sáng 20-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã bắt đầu phiên họp thứ 25. Trong ngày làm việc đầu tiên, UBTVQH đã nghe và cho ý kiến về các vấn đề lớn, còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật Công chứng (sửa đổi). UBTVQH cũng đã xem xét Tờ trình của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao đề nghị cử 3 vị thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao làm thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 25 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XIII. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 25 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XIII. Ảnh: TTXVN

Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, cơ quan thường trực của Quốc hội đã nghe ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, báo cáo về 6 vấn đề lớn, còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Góp ý về dự luật, nhiều ý kiến tại phiên họp yêu cầu chỉnh lý quy định về phạm vi điều chỉnh của luật “trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” để phù hợp với Hiến pháp 2013. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhận xét: “Hiến pháp đã bổ sung một quyền rất mới là công dân được sống trong môi trường trong lành, nhưng phần về quyền, trách nhiệm của người dân trong bảo vệ môi trường của dự thảo luật chưa đáp ứng được yêu cầu”. Nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ cho rằng, dự thảo luật này có khá nhiều nội dung không thống nhất, “chồng lấn” sang các lĩnh vực ngân sách, tài chính, cần được rà soát, điều chỉnh.

Chiều 20-2, UBTVQH nghe và cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, qua nghiên cứu, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy về lâu dài việc tách bạch, chuyên môn hóa hoạt động công chứng là cần thiết. Tuy nhiên, xét điều kiện và hoàn cảnh thực tế nước ta hiện nay, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị chỉnh lý dự thảo luật theo hướng quy định công chứng viên được thực hiện việc chứng nhận bản dịch giấy tờ, đồng thời được chứng thực bản sao từ bản chính và chứng thực chữ ký nhưng chỉ giới hạn đối với các giấy tờ, tài liệu liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà mình công chứng. Phòng tư pháp cấp huyện và UBND cấp xã vẫn thực hiện các công việc chứng thực theo quy định tại Nghị định 79/2007/NĐ-CP như hiện nay.

Qua thảo luận, nhiều ý kiến trong UBTVQH đề nghị cần quy định công chứng viên phải liên đới chịu trách nhiệm về nội dung bản dịch và tính hợp pháp của văn bản được dịch để đề cao trách nhiệm của công chứng viên trong hoạt động này.

Với nội dung về tổ chức xã hội nghề nghiệp đối với công chứng viên, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu yêu cầu đưa vào luật này những quy định có tính nguyên tắc. Công chứng viên có trách nhiệm tham gia tổ chức xã hội nghề nghiệp và chịu sự quản lý, điều chỉnh nhất định từ tổ chức này là hợp lý và cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.

* Chiều cùng ngày, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình đã trình bày Tờ trình của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao đề nghị cử 3 vị thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao làm thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao. Đó là các ông Lý Khánh Hồng, Lê Văn Minh, Nguyễn Anh Tiến.

Tuy nhiên, qua thẩm tra Tờ trình của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao về vấn đề này; đối chiếu với điều kiện, tiêu chuẩn của thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao, có tham khảo điều kiện, tiêu chuẩn của thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao (theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013 và cải cách tư pháp)… đại đa số ý kiến thành viên Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị UBTVQH cân nhắc chưa quyết định cử các nhân sự nêu trên làm thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao.

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu cơ quan trình và cơ quan thẩm tra bàn bạc, nghiên cứu thêm; tham khảo thêm ý kiến của Ủy ban Pháp luật để trình lại vào dịp khác.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục