(SGGP).- Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc tại Hà Nội sáng ngày 4-1 và sẽ diễn ra đến hết ngày 7-1. Trong buổi sáng ngày làm việc đầu tiên của phiên họp, UBTVQH nghe và cho ý kiến về dự thảo Báo cáo sơ kết việc triển khai Kế hoạch số 900/UBTVQH thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.
Theo báo cáo, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong những năm qua tập trung vào những lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt, tạo sự bứt phá trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong giai đoạn 2005 - 2009, hoạt động xây dựng pháp luật đã có những tiến bộ vượt bậc cả về số lượng và tốc độ làm luật. QH đã ban hành 124 luật, pháp lệnh; các văn bản luật, pháp lệnh bao quát nhiều lĩnh vực, điều chỉnh được phần lớn các quan hệ cơ bản trong đời sống xã hội.
Điểm khác biệt nổi bật so với giai đoạn trước là việc xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thời gian qua không chỉ chú trọng đến ban hành các văn bản pháp luật về phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN mà đã tập trung nhiều hơn cho các lĩnh vực khác, đặc biệt là các lĩnh vực xã hội, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ.
Tuy nhiên, dự thảo Báo cáo cũng đã chỉ rõ những hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật thời gian qua như tính cụ thể chưa được chú trọng đúng mức, nhiều quy định thiếu khả thi, thiếu sự ổn định lâu dài và tính thống nhất, đồng bộ trong toàn hệ thống...
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, “trọng tâm của trọng tâm cải cách” giai đoạn tới là sửa đổi Hiến pháp, trong đó, hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước là yêu cầu quan trọng hàng đầu.
Để thực hiện tốt công tác xây dựng pháp luật giai đoạn 2011 - 2020, dự thảo Báo cáo kiến nghị Bộ Chính trị hoặc Bộ Chính trị giao Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc để đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Đồng thời, đề nghị Bộ Chính trị sớm xem xét trình BCH Trung ương quyết định chủ trương sửa đổi Hiến pháp 1992 để phục vụ quá trình cải cách bộ máy nhà nước và hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện đất nước.
Đặc biệt, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng đề nghị làm rõ định hướng cải cách sắp tới là sẽ giao Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban tổ chức chất vấn các thành viên Chính phủ và tiếp tục chia tách một số ủy ban phạm vi hoạt động rộng. Cho rằng quy định này ít tính khả thi, ông Trần Thế Vượng đề nghị phân loại vấn đề nào đưa ra chất vấn tại QH, vấn đề nào ở Thường vụ và Ủy ban.
Chiều cùng ngày, UBTVQH họp, cho ý kiến về dự án Luật Kiểm toán độc lập.
A.Thư