
Tại Liên hoan phim Cannes (Pháp) năm 2004, có một bộ phim rất thu hút sự chú ý của công chúng điện ảnh và ban giám khảo. Lâu rồi điện ảnh Pháp mới lại có một tác phẩm tinh tế và giàu cảm xúc như thế, đó là Brodeuses - Những người thợ thêu - của nữ đạo diễn Pháp Eléonore Faucher (phim đã được giới thiệu ở Việt Nam).
Sợi chỉ nối liền các thế hệ

Claire (Lola Naymark đóng) tròn 17 tuổi, tìm mọi cách che giấu việc đang mang thai 5 tháng. Cô quyết định sẽ sinh đứa bé dưới một cái tên... vô danh. Để “ẩn náu” đợi ngày đó, cô xin vào làm việc cho bà Melikian (Ariane Ascaride đóng), người thợ thêu dày dạn kinh nghiệm của một hãng thời trang cao cấp. Bà Melikian đón tiếp Claire rất lặng lẽ bởi cậu con trai duy nhất của bà vừa qua đời trong một tai nạn mô tô. Hai người phụ nữ, một già một trẻ, một người thật kín đáo, nghiêm khắc, khổ hạnh; một người rất cá tính và tràn đầy nhựa sống lặng câm với tâm sự lòng mình. Những bức tranh thêu hàng ngày giống như những trang nhật ký riêng tư trong sâu thẳm chính họ. Theo từng đường kim mũi chỉ, một mối quan hệ sâu sắc được dệt nên giữa hai người, làm vơi dần tâm tư trĩu nặng, giúp họ cùng hướng về tương lai…
Được hỏi “điều gì đã khơi nguồn cảm hứng cho bộ phim này?”, đạo diễn Faucher trả lời: “Sau khi sinh con gái, tôi bắt tay vào viết kịch bản bộ phim này, để nói về sự nối tiếp giữa các thế hệ, về trách nhiệm của những người làm mẹ… Khung cảnh nghề thêu rất thích hợp với chủ đề bộ phim: sợi chỉ nối liền các thế hệ, mối liên hệ ràng buộc giữa người với người”.
Chuyên gia nghề thiêu khởi kiện

Với Brodeuses, khán giả đã có những giây phút ấm áp tình người. Nhưng chỉ một tháng sau khi bộ phim ra mắt, hai hãng sản xuất Sombrero và Mallia Films đã bị kiện về tội… làm hàng thêu giả!
Chuyện là, để thực hiện bộ phim, các hãng làm phim đã thuê một chuyên gia nghề thêu dạy các động tác, cử chỉ của thợ thêu cho các diễn viên. Chuyên gia nghề thêu này cho rằng bộ phim đã sử dụng hình ảnh các tranh thêu của bà mà không trả cho bà tiền bản quyền tác phẩm.
Những người làm phim giải thích hợp đồng trên là ký với một người chuyên làm nghề thêu và bà đã được trả tiền cho công việc ấy. Còn về các tác phẩm thêu trong phim là do đạo diễn đưa ra ý tưởng, bà ta không phải là người sáng tạo tác phẩm mà chỉ là người thực hiện chúng.
Tuy nhiên, tòa án nhận thấy hợp đồng do nhà sản xuất phim soạn thảo ra không có chữ ký của chuyên gia nghề thêu này, do đó tòa cho rằng số tiền đã thanh toán chỉ là thù lao cho việc dạy thêu chứ không phải trả cho bản quyền tác phẩm. Tòa cũng chỉ rõ, không một chứng cớ nào chứng tỏ đạo diễn đã đưa ra những bản vẽ cho chuyên gia thêu, do vậy bà này đúng là người đã sáng tạo ra các mẫu thêu. Cũng không thể coi các bức vải thêu như những “đạo cụ”, “phụ tùng” làm phim vì trong phim hình thêu được quay cận cảnh.
Dù tên của chuyên gia nghề thêu được đưa vào danh sách đầu phim (generic) nhưng trong các tài liệu quảng cáo, trên báo, trên mạng… lại không có tên bà. Mới đây, tòa phán quyết các hãng làm phim và phát hành phải bồi thường cho bà 30.000 euro, cấm không được lưu hành bộ phim (bán DVD, chiếu phim ở nước ngoài…) như “nguyên trạng”, nếu vi phạm sẽ bị phạt mỗi lần 1.000 euro.
NGỌC HÀ (tổng hợp)