Trong trái tim triệu triệu người con nước Việt, những sáng tác âm nhạc cách mạng hào hùng: Giải phóng miền Nam, Bác đang cùng chúng cháu hành quân, Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người, Bài ca không quên, Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây, Xuân chiến khu, Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Đất nước trọn niềm vui, Giải phóng quân, Hãy yên lòng Mẹ ơi, Màu hoa đỏ… dẫu có đi qua bao năm tháng vẫn luôn giữ được nguyên vẹn những giá trị cao quý về tinh thần dũng cảm, kiên cường của quân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Những ca khúc chất đầy khí phách hào hùng ấy đã và sẽ luôn được thế hệ con cháu hôm nay, mai sau gìn giữ, phát huy giá trị thông qua các cuộc thi, liên hoan, hội diễn ca múa nhạc truyền thống cách mạng, tại các buổi sinh hoạt tập thể, trong những chuyến về nguồn, về những địa chỉ đỏ… Điều đó cho thấy sức lan tỏa mạnh mẽ của âm nhạc cách mạng trong xã hội, không chỉ trong giai đoạn đất nước có chiến tranh trước đây, mà còn cả ở thời nay và sau này.
Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương, Phó Giám đốc NVH Thanh niên TPHCM, thành viên Ban Giám khảo cuộc thi “Hát về Thời hoa đỏ” nhận định: “Cuộc thi do NVH Thanh niên và Đài Truyền hình TPHCM phối hợp tổ chức đã tròn một năm, thu hút hàng ngàn thí sinh đến từ khắp các tỉnh thành trên cả nước tham gia ca hát, thể hiện tình cảm dành cho dòng nhạc cách mạng và tình yêu tuổi trẻ dành cho quê hương, đất nước. Các bạn cũng bày tỏ rất nhiều những suy nghĩ và niềm tự hào về đất nước, về những người anh hùng. Tại cuộc thi, nhiều sáng tác trước đây ít người hát, ít được tuyên truyền thì nay được phổ biến rộng rãi, góp phần làm sống lại một thời lịch sử đấu tranh oanh liệt của dân tộc. Các bạn đã hiểu sâu sắc hơn về bài hát và cuộc chiến đấu của dân tộc ta trong lịch sử…”.
Có thể thấy, trong kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ, nhạc truyền thống cách mạng - nhạc đỏ, đã phản ánh đúng tâm tư tình cảm của người dân cả nước, là động lực to lớn cổ vũ và thúc đẩy tinh thần chiến đấu của nhân dân và chiến sĩ trong cuộc chiến giành độc lập, thống nhất nước nhà. Hòa bình lập lại và từ đó đến nay, âm nhạc cách mạng tiếp tục được phổ biến rộng rãi trên phạm vi cả nước, dù có những khoảng thời gian nhạc cách mạng bị cạnh tranh mãnh liệt bởi sự bành trướng của các dòng nhạc khác như: nhạc tiền chiến, nhạc vàng, nhạc hải ngoại, nhạc nước ngoài, nhạc trẻ... nhưng nhạc đỏ vẫn luôn là dòng nhạc được dư luận quan tâm, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội.
Để dòng nhạc cách mạng tiếp tục đóng vai trò quan trọng, cốt lõi trong đời sống âm nhạc của công chúng thì Nhà nước cần có sự đầu tư thích đáng vào khâu trọng yếu là sáng tác, phổ biến. Trong sáng tác có đầu tư cho cả tác giả và tác phẩm, mở nhiều trại sáng tác dòng nhạc truyền thống cách mạng; trong phổ biến có quảng bá, phát hành các tác phẩm âm nhạc dưới nhiều hình thức, trên phát thanh, truyền hình, kể cả trên Internet. Trong những dịp lễ, tết phải xây dựng và phổ biến rộng khắp những chương trình âm nhạc chất lượng cao, có sức thu hút mạnh mẽ công chúng, mà trong đó điểm nhấn ấn tượng phải là những tác phẩm âm nhạc truyền thống cách mạng hào hùng. Tiến tới phổ cập dòng nhạc này trong trường học, trung tâm sinh hoạt thanh thiếu niên và thiếu nhi. Tất cả những việc làm đó cần có một chiến lược bài bản, dài hơi với hai đơn vị chủ công là ngành văn hóa và hội âm nhạc (hoặc hội nhạc sĩ).
THÚY BÌNH