Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đi đầu trong việc thực hiện đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010-2015. Được sự khuyến khích của bộ, TPHCM sẽ trở thành một trong những địa phương hoàn thành sớm nhất chương trình này. Trước đó, TPHCM cũng tiên phong hoàn thành phổ cập THPT nhưng… theo “chuẩn” riêng.
Ngành GD-ĐT TP đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2013, có 100% trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ngày và được học chương trình giáo dục mầm non mới.
Trong buổi họp giao ban ngành mầm non mới đây, lãnh đạo sở chỉ đạo các địa phương, các trường công lập phải ưu tiên chỗ học cho trẻ 5 tuổi, hạn chế tình trạng trẻ 5 tuổi học ở các nhóm trẻ gia đình vì ở hầu hết các nhóm trẻ gia đình không thể theo kịp chương trình giáo dục mầm non mới. Điều này không đúng với “chuẩn” của chương trình trẻ 5 tuổi.
Ngành mầm non quận huyện phải nhanh chóng đẩy mạnh chương trình như một chiến dịch, tung giáo viên vận động trong dịp hè… để đảm bảo “lời hứa” đúng tiến độ.
Số lượng trường lớp công lập của cả TP chỉ đáp ứng việc thu nhận 70% tổng số trẻ 5 tuổi, 30% còn lại học ở các trường tư thục. Riêng các quận mới, số lượng trường công lập chỉ đáp ứng thu nhận dưới 50%, các huyện ngoại thành còn nhiều điểm lẻ không đủ điều kiện tổ chức học 2 buổi/ngày.
Vấn đề đáng lo nhất chính là nguồn giáo viên nuôi dạy trẻ. Hiện nay giáo viên mầm non đang thiếu hụt trầm trọng, TP có chưa đến 4.000 giáo viên cho chương trình mầm non 5 tuổi, trong khi phải đảm nhận việc nuôi dạy cho hơn 81.000 trẻ 5 tuổi, bình quân mỗi cô giáo chăm sóc hơn 20 trẻ…
Khó khăn là thế nhưng “chỉ đạo” đã xuống, buộc nhiều nhà quản lý mầm non quận huyện phải thiết lập kế hoạch tuyển sinh năm mới dành toàn bộ số chỗ của trẻ lớp lá ra trường để tuyển trẻ đến 5 tuổi (thay vì nhận trẻ đến tuổi học mầm non như trước).
Nhiều quận huyện ngoại thành, dân nhập cư đông dù than khó kể khổ cũng hì hục chạy cho kịp mặt bằng chung. Cách làm này khiến không ít nhà giáo dục đặt nghi vấn kiểu làm hình thức có giải quyết được phần gốc hay chỉ hớt phần ngọn?
Ai cũng hiểu TPHCM có số dân nhập cư tăng đến chóng mặt, áp lực trường lớp, đáp ứng đủ chỗ học cho con em người dân luôn là áp lực đè nặng trên vai các nhà quản lý. Thế nhưng, để thực hiện chương trình phổ cập mầm non trẻ 5 tuổi, ưu tiên chỗ học cho đối tượng này đồng nghĩa với việc bóp lại chỗ ngồi công lập của những lứa tuổi khác.
Để đảm bảo tiêu chí của đề án, bắt buộc các em nhỏ phải nhường chỗ cho các “anh chị” 5 tuổi để người lớn hoàn thành chỉ tiêu báo cáo!
Hân Hân