Báo SGGP hôm qua, ngày 17-8 đã đăng bài “Trộm, cướp lộng hành” (trang 7). Đây là nỗi lo của người dân, đòi hỏi phải có giải pháp trấn áp hiệu quả để bảo vệ tài sản nhân dân, lành mạnh hóa xã hội. Về việc này, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Minh Trí (ảnh).
Thiếu ý thức, người dân sẽ thành nạn nhân
° PV: Là một lãnh đạo TP trực tiếp phụ trách công tác an ninh trật tự, Phó Chủ tịch đánh giá ra sao về tình hình trộm cắp, cướp giật đang rộ lên?
° Phó Chủ tịch LÊ MINH TRÍ: Tôi đã nghe cơ quan chức năng báo cáo tình hình. Có thể nói trong nhiều năm qua, TPHCM đã giữ vững ổn định chính trị, kiểm soát được tội phạm, đặc biệt tội phạm có tổ chức, tội phạm nguy hiểm sử dụng vũ khí nóng nên đã đảm bảo trật tự an toàn xã hội, góp phần đắc lực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Tuy nhiên, hiện nay loại tội phạm cướp giật, trộm cắp vẫn còn xảy ra trên nhiều địa bàn. Hành vi này chủ yếu lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác của người dân rồi bất ngờ cướp giật hoặc lén lút trộm cắp tài sản. Đối với loại tội phạm này, nếu công tác tuyên truyền giáo dục tốt để người dân cảnh giác, có kinh nghiệm tự biết bảo vệ tài sản của mình kết hợp với nỗ lực của ngành công an và các cơ quan chức năng sẽ hạn chế, kéo giảm được. Sắp tới tôi sẽ làm việc với một số địa bàn trọng điểm (các quận 1, 3, 4, Bình Thạnh) và một số quận, huyện ven để nghe báo cáo tình hình cụ thể để có hướng chỉ đạo sát hợp. Tuy nhiên đấu tranh với loại tội phạm này cũng có những khó khăn nhất định.
° Khó như thế nào, Phó Chủ tịch có thể nói rõ hơn?
° Hiện nay, loại tội phạm này di động từ nơi khác đến chiếm 60% – 70% số vụ. Chúng thực hiện hành vi phạm tội trong chớp nhoáng rồi di chuyển từ địa bàn. Trong khi đó, chỉ cần một phút lơ là, thiếu ý thức, người dân sẽ trở thành nạn nhân ngay. Vấn đề này phải xử lý đồng bộ, quyết liệt và triệt để. Nếu chỉ có lực lượng công an thôi sẽ không giải quyết được vấn đề. Theo tôi bên cạnh tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, phải xây dựng lực lượng tại chỗ, phong trào quần chúng đủ mạnh, từ cảnh sát khu vực, dân phòng, lực lượng thanh tra xây dựng, thanh niên xung phong, bảo vệ tại các cao óc văn phòng, trung tâm thương mại...
Nói chung tất cả người dân đang sinh sống, sinh hoạt tại TP này đều phải vào cuộc. Trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, không phân biệt ranh giới hành chính mà phải phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp địa phương. Quan trọng hơn tất cả là phải nâng cao ý thức đề phòng, cảnh giác của người dân. Thời gian qua, việc rộ lên tình trạng cướp giật, trộm cắp vặt cũng có nguyên nhân do người dân thiếu ý thức bảo vệ tài sản của mình. Một bên thì thèm của, một bên thì hớ hênh thì chắc chắn cướp giật, trộm cắp sẽ xảy ra thôi.
“Đừng ngại nói ra vấn đề này”
° Phó Chủ tịch từng nói tại một hội nghị về công tác an ninh trật tự, trong công cuộc đấu tranh loại tội phạm này, sợ nhất là sự lãnh cảm của người dân. Dường như nỗi lo sợ này đang dần thành hiện thực?
° Còn bức xúc có nghĩa là người dân còn bất bình, còn tham gia cùng chính quyền để cùng đấu tranh phòng chống tội phạm. Tuy nhiên, ở những nơi nào mà người dân lãnh cảm khi chứng kiến cảnh cướp giật, trộm cắp trước mắt mình thì nơi ấy người dân đã mất lòng tin, nghĩa là phong trào tại chỗ ấy yếu. Nếu người dân cung cấp thông tin mà chúng ta xử lý triệt để, có trách nhiệm thì sẽ tạo lòng tin cho nhân dân. Ngược lại, nếu chính quyền, cơ quan chức năng yếu kém, thiếu trách nhiệm sẽ gây mất lòng tin. Những nơi này cần xem lại phong trào tại chỗ và trách nhiệm là của cấp ủy, chính quyền tại địa phương chứ không chỉ có trách nhiệm của lực lượng công an.
Phải bảo vệ lợi ích hợp pháp của người dân, đây vừa là trách nhiệm của chính quyền các cấp đồng thời cũng là để người dân tin tưởng và khi dân tin rồi sẽ tham gia, ủng hộ và phong trào sẽ mạnh, còn nếu để dân làm ngơ thì… thua!
Ở đây không chỉ chống, xử lý tội phạm mà còn phải kết hợp với xây và phòng ngừa bằng cách xây dựng tốt các phong trào tại địa phương như cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng gia đình văn hóa, khu phố văn hóa, thực hiện các mô hình tự quản… và khi phong trào mạnh, cái tốt phát triển sẽ hạn chế và không còn cái xấu.
° Theo tôi, chúng ta đừng ngại nói ra vấn đề này. Nói là để phối hợp thực hiện, nói để đề cao cảnh giác. Một thành phố đến hơn 10 triệu dân đang tham gia sinh hoạt, sinh sống thì đâu thể lúc nào tình hình cũng yên bình. Vấn đề chúng ta tuyên truyền như thế nào để nâng cao ý thức đề phòng, bảo vệ tài sản cho mọi người. Nhất là đối với du khách đến TPHCM, các công ty du lịch, lữ hành phải có trách nhiệm nhắc nhở du khách. Như tôi đã nói đây là mặt trận phải làm thường xuyên và phối hợp đồng bộ. Quan trọng là cách nói thế nào để du khách có ý thức bảo quản tài sản của mình, chứ không phải nói xong rồi du khách sợ quá ôm đồ về nước luôn. Nếu không nói, để khi xảy ra sự cố, còn ngại hơn! Cái cơ bản là phải biết dựa vào dân, trước hết phải làm hết trách nhiệm để dân tin, dân ủng hộ thì việc gì khó cũng giải quyết được.
° Xin cảm ơn Phó Chủ tịch
VÂN ANH thực hiện