TPHCM đã và sẽ làm gì để đảm bảo cung cầu hàng hóa, đặc biệt bình ổn giá cả thị trường trong dịp Tết Quý Tỵ. PV Báo SGGP đã trao đổi với Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng để làm rõ vấn đề này.
Hàng bình ổn tăng hơn 60% so với kế hoạch
- PV: Xin Phó Chủ tịch cho biết công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ thị trường tết tại TPHCM?
>> Phó Chủ tịch NGUYỄN THỊ HỒNG: Năm 2012, tình hình kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, sức mua thị trường tăng chậm. Do đó, ngay từ tháng 4-2012, UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở Công thương và các sở, ngành liên quan thực hiện xây dựng và triển khai kế hoạch sản xuất hàng hóa và cung ứng tết.
Từ đầu quý 3, Sở Công thương cùng các sở ngành đã triển khai công tác kiểm tra nguồn hàng của các doanh nghiệp (DN) trong chương trình bình ổn thị trường, 3 chợ đầu mối và hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại. Ngoài 9 nhóm hàng hóa thiết yếu trong chương trình bình ổn, TP đã tập trung đảm bảo nguồn cung các nhóm mặt hàng người dân sử dụng trong Tết Nguyên đán như: bánh, mứt, kẹo, nước giải khát…
Đến nay, các đơn vị đã thực hiện nghiêm túc và đạt hơn 80% kế hoạch với lượng hàng tăng 20% - 30% so với kết quả thực hiện tết năm 2012 và tăng hơn 60% so với kế hoạch của chương trình bình ổn thị trường. Nhiều mặt hàng thiết yếu như thịt, trứng gia cầm, đường, dầu ăn có lượng chuẩn bị vượt hơn 50% nhu cầu thị trường.
Lượng hàng 3 chợ đầu mối vào thời điểm cận tết sẽ tăng khoảng 50% - 70% so với ngày thường. Riêng hệ thống các siêu thị đã chuẩn bị lượng hàng hóa tết tăng 2 - 3 lần so với tháng thường.
- Phó Chủ tịch có thể đưa ra một vài dự báo về giá hàng hóa, sức mua trong dịp tết?
Với truyền thống người Việt Nam chúng ta, tết là sự kiện hết sức thiêng liêng. Mỗi gia đình người Việt Nam dù quanh năm lao động khó khăn, đến ngày tết cũng thường cố gắng dành dụm, mua sắm, sửa sang nhà cửa và chuẩn bị mâm cơm, mâm ngũ quả cúng ông bà, con cháu làm ăn xa cũng quy tụ về gia đình. Do đó, những ngày cận tết là thời điểm sức mua và giá cả các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, rau củ quả và trái cây thường tăng lên.
Để ứng phó, TP đã chỉ đạo tạo mọi điều kiện thông thoáng để hàng hóa các địa phương đưa về TP được nhanh chóng, thuận lợi nhất, góp phần bổ sung, tăng cường nguồn hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Theo tôi, sức mua trong dịp tết có thể tăng trên 20% so với cùng kỳ.
Không thiếu thịt gia cầm, gia súc
- Hiện giá một số mặt hàng thực phẩm thiết yếu như heo hơi, thịt gia cầm… đang nhích lên. Tết đến liệu TP có thiếu những mặt hàng này không?
Thời gian qua, trước tình hình có những tin đồn về chất lượng thịt gia súc, gia cầm, việc nhập khẩu các mặt hàng không rõ xuất xứ… khiến giá thịt gia súc, gia cầm giảm mạnh. Trong khi giá thức ăn chăn nuôi và nhiều loại chi phí khác vẫn tiếp tục tăng làm người chăn nuôi phải chịu lỗ, dẫn đến tình trạng nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giảm đàn, treo chuồng, dãn tiến độ đầu tư. Nếu tình hình này kéo dài, chắc chắn thị trường sẽ thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng.
Vì vậy, gần đây khi giá các mặt hàng này tăng trở lại chính là việc trả về mặt bằng giá hợp lý để người chăn nuôi yên tâm tái đàn và đảm bảo có lãi. Điều này đã kích thích người chăn nuôi nhỏ lẻ đầu tư trở lại, tổng đàn gia súc và gia cầm đang tăng nhanh nên sẽ không sợ thiếu các mặt hàng này dịp tết.
Trong số các DN trong chương trình bình ổn được giao trách nhiệm chuẩn bị lượng hàng hóa đầy đủ, dồi dào, Vissan, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Satra) và các siêu thị Sài Gòn Co.op, Vinatex hiện đã tổ chức liên kết chăn nuôi và ký hợp đồng thu mua, chuẩn bị lượng thịt gia súc lên đến 15.000 tấn. Riêng Vissan luôn có lượng thịt dự trữ tại kho trên 2.000 tấn để sẵn sàng đưa ra thị trường nếu có dấu hiệu biến động.
Các đơn vị khác như Phạm Tôn, San Hà cũng chuẩn bị lượng thịt gia cầm đạt 14.500 tấn. Trứng gia cầm của 3 đơn vị là Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt và Andeco cũng lên đến 140 triệu quả. Rau củ quả, các DN có thể cung ứng đạt 14.150 tấn các loại. Do đó, người tiêu dùng có thể hoàn toàn yên tâm, không phải lo thiếu hàng, tăng giá.
Tăng cường điều tiết hàng hóa và kiểm soát giá
- Theo Phó Chủ tịch, đâu là nét mới trong chương trình bình ổn thị trường tết năm nay?
Bên cạnh công tác chuẩn bị hàng tết sớm và chu đáo, theo tôi, nét mới trong năm nay là DN đã tích cực đăng ký thực hiện công tác từ thiện và an sinh xã hội, thực hiện các chuyến đi thăm hỏi và tặng quà tết người nghèo, gia đình chính sách… Đây chính là hoạt động góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội, chăm lo người nghèo, người lao động thu nhập thấp một cách thiết thực.
Theo báo cáo của Sở Công thương, năm nay một số DN như Sài Gòn Co.op, Vinatex đã nghiên cứu, chuẩn bị các gói quà 100% là sản phẩm sản xuất trong nước, có giá 100.000 - 170.000 đồng để phục vụ đối tượng có thu nhập thấp. Năm 2012 là năm đầu tiên TPHCM đã thực hiện việc ký kết hợp tác thương mại với 20 tỉnh, thành Đông và Tây Nam bộ về việc cung ứng hàng hóa và phát triển hệ thống phân phối. Cách làm này sẽ giúp TPHCM chủ động được nguồn hàng, ổn định giá.
- Như Phó Chủ tịch đã nói, hàng hóa phục vụ thị trường là không thiếu và sẽ không có chuyện khan hiếm. Vấn đề đặt ra là tăng cường điều tiết hàng hóa và quản lý giá ra sao?
Đúng như vậy. UBND TP đã giao cho Sở Tài chính phối hợp với các sở ngành chức năng kiểm tra việc hạch toán vào giá thành các chi phí không hợp lý, hợp lệ; xử lý nghiêm theo quy định của Pháp lệnh giá và các quy định của pháp luật có liên quan đối với hành vi vi phạm như liên kết ghìm hàng, thao túng giá.
TP đã chỉ đạo các ngành chức năng như quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn các hoạt động sản xuất kinh doanh gian dối, trái pháp luật, gây thiệt hại và ảnh hưởng đến người tiêu dùng, các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính; đảm bảo hàng hóa lưu thông phân phối nhanh chóng, thuận tiện. TP đã giao nhiệm vụ cho Chủ tịch UBND quận, huyện chịu trách nhiệm chỉ đạo ban quản lý các chợ kiểm soát hàng hóa, kiểm soát giá cả, đảm bảo cung cầu hàng hóa, chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giá bán đúng quy định.
Như tôi đã nói, cùng với chuẩn bị hàng hóa, việc quản lý giá đang được TP quan tâm hàng đầu. Để điều hành và quản lý giá thành công, nếu chỉ có sự nỗ lực của các cơ quan chức năng và DN chưa đủ, cần sự tham gia của “4 nhà”, đó là: Nhà nước (đóng vai trò kiểm tra và điều hành), nhà doanh nghiệp (chuẩn bị và dự trữ nguồn hàng tốt), nhà truyền thông (thông tin giá cả đúng sự thật) và người tiêu dùng (biết lựa chọn mua những mặt hàng có chất lượng với mức giá hợp lý). Nếu chúng ta hợp tác và làm tốt được những việc này, tôi tin TPHCM sẽ bình ổn được thị trường giá cả, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, chính trị và ổn định an sinh xã hội trên địa bàn TP.
| |
Thúy Hải (thực hiện)