Năm 2011 đã qua với nhiều khó khăn thách thức nhưng nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng của TPHCM vẫn tăng trưởng ở mức cao so với cả nước: GDP đạt 10,3%; CPI được kiềm chế ở mức 15,86%, doanh thu từ du lịch bằng 60% doanh thu toàn ngành... Kết quả này minh chứng rõ nét, trong khó khăn TPHCM vẫn vững bước đi lên, giữ vững vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước. Nhân dịp đầu năm mới, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng.
- Nỗ lực vượt khó
* PV: Thưa Phó Chủ tịch, xin đồng chí cho biết đâu là điểm nổi bật của kinh tế - xã hội TPHCM trong năm 2011 đầy khó khăn?
* Phó Chủ tịch NGUYỄN THỊ HỒNG: 2011 là năm có ý nghĩa quan trọng - năm đầu tiên TP triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ IX. Trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, ngay từ đầu năm, lãnh đạo TP đã ban hành nhiều chỉ thị, văn bản chỉ đạo cả hệ thống chính trị nỗ lực vượt khó, đề ra các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội; đặc biệt là chăm lo cho người nghèo, các đối tượng chính sách, người có thu nhập thấp...
Bằng sự năng động, sáng tạo và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, TPHCM đã đạt được những kết quả tuy chưa được như mong muốn, song là rất khả quan trên nhiều mặt. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên địa bàn TP đạt 503.227 tỷ đồng, tăng 10,3% (cùng kỳ tăng 11,8%). Trong đó, giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ đạt 273.297 tỷ đồng, chiếm 54,3% GDP, tăng 10,7%; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 224.378 tỷ đồng, chiếm 44,6% GDP, tăng 9,9%; khu vực nông nghiệp đạt 5.552 tỷ đồng, chiếm 1,1% GDP, tăng 6%. Trong mức tăng trưởng chung, khu vực dịch vụ đóng góp 5,7%; công nghiệp và xây dựng đóng góp 4,52%; nông lâm thủy sản đóng góp 0,1%. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 459.551 tỷ đồng, tăng 23,5%; kim ngạch xuất khẩu đạt 26,8 tỷ USD, tăng 19,1%…
| |
* Bình ổn giá cả thị trường là vấn đề nóng. TPHCM đã làm gì và kết quả ra sao. Và TPHCM thể hiện vai trò kinh tế đầu tàu cả nước ra sao?
* Năm 2011 TPHCM triển khai quyết liệt việc bình ổn giá thị trường, đảm bảo cung – cầu hàng hóa. Hiệu quả từ chương trình đã góp phần kiềm giữ CPI ở mức tăng thấp nhất so với cả nước (CPI của TPHCM tăng 15,86% so với cả nước là 18,46%) – mặc dù TPHCM là nơi có mức tiêu dùng hàng hóa lớn nhất nước. Từ chương trình này, TPHCM tiến hành xây dựng và hình thành mạng lưới phân phối rộng khắp nhằm cung ứng hàng hóa kịp thời đến tay người tiêu dùng với tổng cộng 4.265 điểm bán.
Lần đầu tiên, TPHCM triển khai song song 4 chương trình bình ổn giá, gồm 9 nhóm hàng lương thực, thực phẩm; bình ổn giá đối với 45 loại thuốc tân dược; bình ổn nhóm hàng học cụ, đồng phục học sinh và bình ổn giá sữa bột trong nước. Tổng số hàng hóa nằm trong chương trình lên tới hơn 350 mặt hàng.
Du lịch cũng là ngành có mức tăng trưởng khá ấn tượng. Năm 2011, TPHCM đã thu hút 3,6 triệu lượt khách nước ngoài, tăng 16% so kế hoạch. Với kết quả này, TPHCM giữ vững vị trí du lịch hàng đầu của cả nước, doanh thu tăng 22% so cùng kỳ, chiếm tới 60% doanh thu trong toàn ngành du lịch.
Năm qua, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 199.590 tỷ đồng, đạt 113,4% dự toán, tăng 18,79% so cùng kỳ. Song song đó, tinh thần tiết kiệm dần trở thành văn hóa trong nếp nghĩ, nếp làm; tinh thần tương thân tương ái đã được phát huy cao. Bên cạnh việc TP cắt giảm 50% công suất đèn chiếu sáng công cộng, quảng cáo vào giờ cao điểm, các cơ quan, công sở, doanh nghiệp Nhà nước thực hiện tiết kiệm 10% sản lượng điện nên hàng chục ngàn hộ dân TP cũng tham gia chương trình tiết kiệm điện. Sản lượng điện tiết kiệm tích lũy cả năm 2011 đạt 390 triệu kWh, tương đương 2,6% sản lượng điện thương phẩm, tăng 81% so cùng kỳ.
Năm 2011, TPHCM đã hoàn thành 142 công trình, trong đó có nhiều công trình quan trọng được đưa vào sử dụng như hầm vượt sông Sài Gòn và đường Đại lộ Đông Tây dài gần 22km, đường dọc kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè...
Phát huy sức mạnh tổng hợp
* Đây là những kết quả rất đáng trân trọng. Theo Phó Chủ tịch, vậy còn điều gì khiến đồng chí băn khoăn?
* Cho dù tăng trưởng TP vẫn tiếp tục đạt mức 2 con số nhưng nội tại nền kinh tế còn nhiều rủi ro. Áp lực tăng giá hàng hóa trong nước đã ảnh hưởng bất lợi đến đời sống của người dân, làm giảm sức mua hàng hóa, gây trì trệ sản xuất. Lĩnh vực thương mại dịch vụ và sản xuất công nghiệp đều tăng chậm so cùng kỳ do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao. Lãi suất ngân hàng vẫn còn ở mức cao, cũng là một trở ngại lớn đối với doanh nghiệp để tiếp cận nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh... Khó khăn của nền kinh tế cũng làm hạn chế hiệu quả các chính sách an sinh xã hội của TP.
* Trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động, là người trực tiếp điều hành ở một số lĩnh vực kinh tế TPHCM, Phó Chủ tịch đúc kết kinh nghiệm từ thực tiễn là gì?
* Đó là phát huy tính năng động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; tạo sự đoàn kết nhất trí cao, đồng tâm, hiệp lực của cả hệ thống chính trị nhằm phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công. TP luôn quan tâm, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các chủ trương, chính sách và xem xét tình hình thực tế tại các đơn vị, doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần đưa các chủ trương, chính sách đi vào thực tế cuộc sống. Đối với từng lĩnh vực, việc triển khai công việc phải thật cụ thể, quyết liệt trên cơ sở tạo được sự đồng thuận từ các cấp ủy đến đơn vị thực hiện. Chẳng hạn với chương trình bình ổn giá, nếu chúng ta chỉ dừng ở việc tổ chức và chuẩn bị nguồn hàng thì chưa đủ mà cần phải vận động các tổ chức, hội, đoàn cùng tham gia vào việc phát triển hệ thống phân phối, đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng, đặc biệt là các đối tượng có thu nhập thấp tại các KCX-KCN, bà con các huyện ngoại thành…
* Nhiều dự báo cho rằng, năm 2012 tiếp tục là một năm đầy khó khăn, thử thách. Theo Phó Chủ tịch, TPHCM sẽ tiếp tục ứng phó như thế nào, triển vọng ra sao?
* Đúng vậy. Năm 2012, tình hình kinh tế thế giới dự báo rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố đe dọa sự ổn định và tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Ở trong nước, bên cạnh những thành tựu đạt được vẫn còn tồn tại nhiều yếu kém chưa thể khắc phục ngay trong thời gian ngắn, kinh tế vĩ mô chưa ổn định, lạm phát và lãi suất tín dụng còn cao. Việc đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm; đời sống của nhân dân nhất là người nghèo, đối tượng chính sách, người lao động có thu nhập thấp còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, những kết quả đạt được trong năm 2011 sẽ tạo tiền đề quan trọng để TPHCM góp phần cùng cả nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
Nhiệm vụ hàng đầu của TP được xác định là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. TP sẽ tiếp tục huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Song song đó, TP sẽ khắc phục những yếu kém, tồn tại, nhất là chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi... để doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.
Tôi cho rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn phải phát huy sự đoàn kết, đồng lòng của cả hệ thống chính trị đến các doanh nghiệp, mọi tầng lớp nhân dân mới tạo nền tảng để TPHCM thúc đẩy tăng trưởng, chống suy thoái hiệu quả và phát triển toàn diện trong năm mới và những năm tới.
Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2012 Tổng sản phẩm trong nước (GDP) trên địa bàn tăng từ 10% trở lên; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 3.600 USD/người. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 14% - 15%; kim ngạch xuất khẩu (không tính dầu thô) tăng khoảng 10%. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên 215.000 tỷ đồng, chiếm 35,5% GDP. Thu ngân sách trên địa bàn 233.682 tỷ đồng; trong đó thu nội địa 123.300 tỷ đồng, tăng 17,7%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 78.900 tỷ đồng, tăng 24,4%; thu từ dầu thô 25.000 tỷ đồng bằng 98,04% so cùng kỳ. Tổng chi ngân sách ngân sách địa phương là 42.809,9 tỷ đồng, trong đó, chi đầu tư phát triển 11.400 tỷ đồng. Chỉ số giá tiêu dùng thấp hơn chỉ số giá tiêu dùng cả nước. |
THÚY HẢI (thực hiện)