Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu: Cai nghiện ma túy tập trung vẫn phù hợp với TPHCM

Thời gian qua, nhiều vụ việc học viên quậy phá, trốn trường tập thể đã xảy ra ở các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Bộ LĐTB-XH đã yêu cầu các tỉnh, thành rút kinh nghiệm chung về công tác cai nghiện ma túy tập trung. Tại TPHCM, áp lực với các cơ sở cai nghiện bắt buộc đang tăng dần trong bối cảnh số học viên tiếp tục gia tăng. UBND TPHCM sẽ có biện pháp gì? Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu: Cai nghiện ma túy tập trung vẫn phù hợp với TPHCM

Thời gian qua, nhiều vụ việc học viên quậy phá, trốn trường tập thể đã xảy ra ở các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Bộ LĐTB-XH đã yêu cầu các tỉnh, thành rút kinh nghiệm chung về công tác cai nghiện ma túy tập trung. Tại TPHCM, áp lực với các cơ sở cai nghiện bắt buộc đang tăng dần trong bối cảnh số học viên tiếp tục gia tăng. UBND TPHCM sẽ có biện pháp gì? Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.

* PHÓNG VIÊN: Các cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc ở TPHCM đang chăm sóc, quản lý gần 11.000 học viên, vậy đồng chí đánh giá thế nào về công tác quản lý và tình hình chung tại các cơ sở?

- Phó Chủ tịch UBND TPHCM NGUYỄN THỊ THU: Lãnh đạo UBND TPHCM cùng các sở, ban, ngành đang có 3 đợt đi thăm 10 cơ sở cai nghiện ma túy, chữa bệnh của TPHCM đóng trên địa bàn các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đắk Nông, Lâm Đồng, Đồng Nai và 3 cơ sở xã hội ở TPHCM.

Điều ghi nhận đầu tiên ở 7 cơ sở chữa bệnh mà đoàn đã tới là tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, công nhân viên ở các cơ sở. Trong điều kiện xa xôi, khó khăn về nhiều mặt, cán bộ, công nhân viên các trung tâm đã miệt mài làm việc, giảng dạy, chia sẻ với học viên, giúp đỡ các em vượt qua bệnh tật. Đó là sự cống hiến lớn lao cùng TP giải quyết các vấn đề xã hội, chung tay cùng TP tạo dựng từng công dân tốt cho xã hội. Chúng tôi cũng nhận thấy sự nỗ lực, cố gắng của các em học viên từng bước vượt qua bệnh tật, trở thành người có ích cho xã hội.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu thăm hỏi học viên Trung tâm Giáo dục lao động - xã hội Phú Nghĩa (trên địa bàn tỉnh Bình Phước)

Điểm chung là các cơ sở đã làm rất tốt công tác chăm sóc, quản lý học viên, từ các hoạt động dạy văn hóa, dạy nghề đến hoạt động văn thể mỹ đều được thực hiện chu đáo, đầy đủ. Nhiều trường, trung tâm còn tổ chức các em lao động trị liệu, tăng gia sản xuất có thực phẩm sạch bổ sung, cải thiện chất lượng bữa ăn và đời sống của học viên. Các trường, trung tâm thường tổ chức lấy phiếu dân chủ, đồng thời, cán bộ trực tiếp tiếp xúc, gần gũi, chia sẻ với học viên, qua đó giải quyết ngay vấn đề bức xúc, vướng mắc nếu có. Bằng các nỗ lực và giải pháp trên, nên đến nay, tất cả các trường, trung tâm của TPHCM quản lý đã không xảy ra tình trạng phá phách, đánh lại giáo viên và trốn tập thể như ở các tỉnh khác. Có thể nói, cách quản lý và làm việc đúng quy trình, công tâm, minh bạch và có tình thương yêu của cán bộ, công nhân viên các cơ sở đã được học viên thấu hiểu. Từ đó, các cơ sở nhận lại được tình cảm của học viên, bằng cách tuân thủ nội quy, hăng say lao động, học tập, rèn luyện. Đó là kết quả rất tốt mà các trường, trung tâm của TPHCM đạt được.

* Các cơ sở cai nghiện đang trong tình trạng quá tải cũng như xuống cấp hoặc chưa hoàn thiện về cơ sở vật chất. Áp lực của các cơ sở đang tăng dần theo sự gia tăng so với lượng học viên. TP có hướng tháo gỡ như thế nào?

- Hiện nay, hầu như trung tâm nào cũng thiếu biên chế, có trung tâm thiếu tới 50 cán bộ, công nhân viên. Trước tình hình này, Sở Nội vụ đã trình UBND TPHCM tờ trình về việc tăng biên chế đối với các cơ sở cai nghiện ma túy. Hướng của TP là sẽ tăng biên chế cho các cơ sở đúng theo quy định (1 cán bộ chăm sóc, quản lý 8 học viên - PV).

Cùng với đó, TP cũng giải quyết tiêu chuẩn làm thêm giờ cho các cán bộ công nhân viên. Quy định trong Bộ luật Lao động là người lao động được làm thêm không quá 200 giờ/năm. Tuy nhiên, tính chất công việc ở các cơ sở cai nghiện thường đòi hỏi cán bộ, công nhân viên phải túc trực không kể giờ giấc. Có người phải làm việc 16 - 17 giờ/ngày, thậm chí cá biệt có anh chị phải sống chung với học viên, lúc nào cũng phải kề cận các em. Môi trường, tính chất khó khăn như thế nhưng chỉ được trả tiền làm thêm 200 giờ/năm là rất thiệt thòi cho cán bộ, công nhân viên gắn bó với cơ sở cai nghiện. Thiệt thòi đó, TP đã nhìn ra và có chính sách là giải quyết chi thêm tiền làm ngoài giờ cho anh chị, ngoài 200 giờ/năm theo quy định.

Không chỉ về nhân lực, các khó khăn khác về cơ sở vật chất, UBND TPHCM giao cho Sở LĐTB-XH tổng hợp, ghi nhận tất cả các kiến nghị. Từ đó, UBND TPHCM sẽ chủ trì, cùng các sở, ngành tính toán và có hướng giải quyết cho các đơn vị.

* Chính phủ đã có đề án giảm cai nghiện ma túy tập trung. Trong khi đó, số lượng học viên tại các cơ sở cai nghiện của TPHCM đã và đang tăng mạnh. Giải thích thế nào về sự khác biệt trên, thưa bà?

- Hướng giảm cai nghiện ma túy tập trung, tăng cai nghiện tại gia đình, cộng đồng theo đề án của Chính phủ là đúng. Thời điểm này, các địa phương đang trong giai đoạn quá độ, giảm cai nghiện tập trung sang đẩy mạnh cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng. Trong giai đoạn quá độ như hiện nay và với tính chất địa bàn luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về tội phạm và tệ nạn xã hội như TPHCM, không còn cách nào khác là TP phải làm như thế: đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội để cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý rồi chuyển sang tòa án xem xét, quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc. Việc đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là đòi hỏi từ cuộc sống, bởi TPHCM có trên 60% người nghiện ma túy là người đến từ các tỉnh, thành khác; họ không có gia đình ở TPHCM để cai nghiện tại gia, tại cộng đồng. Chỉ còn cách TP đưa họ vào cơ sở chữa bệnh để họ có điều kiện chữa bệnh, trở thành công dân tốt cho xã hội.

Với người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định, TPHCM đang đẩy mạnh cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Hiện nay, có hơn 1.000 người tham gia cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng và hơn 4.200 người điều trị methadone.


ĐƯỜNG LOAN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục