Phó Giám đốc Công an TPHCM Phan Anh Minh: Người dân khi trình báo cần giữ niềm tin vào cơ quan công an

Sau vụ việc giết bạn học đòi tiền chuộc rúng động dư luận ở quận Bình Tân, trước luồng thông tin cho rằng công an lơ là, thiếu trách nhiệm và bày tỏ sự hoang mang, lo lắng nếu sự việc tương tự tái diễn, thay mặt BGĐ CATP, Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an (CA) TPHCM đã có cuộc trao đổi với Báo SGGP xung quanh quy trình xử lý thông tin của ngành.
Phó Giám đốc Công an TPHCM Phan Anh Minh: Người dân khi trình báo cần giữ niềm tin vào cơ quan công an

Sau vụ việc giết bạn học đòi tiền chuộc rúng động dư luận ở quận Bình Tân, trước luồng thông tin cho rằng công an lơ là, thiếu trách nhiệm và bày tỏ sự hoang mang, lo lắng nếu sự việc tương tự tái diễn, thay mặt BGĐ CATP, Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an (CA) TPHCM đã có cuộc trao đổi với Báo SGGP xung quanh quy trình xử lý thông tin của ngành.

Dư luận hiện đang rất quan tâm vụ việc, đồng chí có thể cho biết quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin tố giác, tin báo của người dân hiện nay như thế nào không?

Thiếu tướng Phan Anh Minh: Căn cứ Thông tư liên tịch số 06/2013 hướng dẫn thi hành quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đối với lực lượng CA thì CQĐT, các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, CA xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tiếp nhận tất cả các tố giác, tin báo về tội phạm không phân biệt thẩm quyền, địa bàn và phải triển khai một số biện pháp cấp cứu, thu giữ chứng cứ ban đầu. CA cấp phường xã chỉ được giữ lại giải quyết các tố cáo không khẳng định là tội phạm và có dấu hiệu vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt. Thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm là của Cơ quan điều tra và được xác định theo thẩm quyền điều tra. Cơ quan điều tra sau khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm thuộc thẩm quyền giải quyết của mình phải tiến hành kiểm tra, phân loại, xác minh giải quyết nếu có dấu hiệu tội phạm.

Còn đối với những vụ việc có dấu hiệu bắt cóc tống tiền?

* Do đây là tin báo có tính chất khẩn nên nguyên tắc quan trọng và cần thiết là đơn vị tiếp nhận sẽ đề nghị người dân giữ bí mật vụ việc trình báo, đồng thời cung cấp hết những thông tin liên quan để có cơ sở nhận định các giả thuyết, đánh giá các nguy cơ và hướng dẫn thực hiện các biện pháp theo kế hoạch của cơ quan CA. Tôi xin nói thêm: dù là tin báo, tố giác về tội phạm cần giải quyết khẩn cấp nhưng hầu như không có vụ nào có thể giải thoát cho nạn nhân ngay- trừ các vụ khống chế con tin diễn ra công khai, do cần thời gian và biện pháp làm rõ nơi, cách thức cầm giữ nạn nhân để thực hiện yêu cầu hàng đầu là giải thoát nạn nhân an toàn. Sau đó mới tính đến yêu cầu bắt giữ thủ phạm và thu hồi tiền chuộc nếu có.

Xin đồng chí nói rõ thêm khía cạnh, khi người dân báo tin, phía CA sẽ có phản hồi như thế nào để vừa giữ nguyên tắc đảm bảo bí mật nghiệp vụ song vẫn giúp người dân yên tâm là vụ việc đang được xử lý?

* Khi tiếp nhận và xác định các thông tin tố giác, tin báo về tội phạm là có cơ sở, cơ quan CA sẽ bố trí lực lượng và triển khai các biện pháp điều tra, xác minh. Đối với các vụ bắt cóc tống tiền thì ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an toàn cho nạn nhân và bí mật mọi hoạt động. Cơ quan CA chỉ thông báo người được phân công giải quyết và người giữ liên lạc với gia đình, thông báo kết quả điều tra theo luật định; không thông báo các biện pháp điều tra, biện pháp nghiệp vụ được áp dụng. Người dân khi trình báo là đặt và cần giữ niềm tin vào cơ quan CA và giữ bí mật việc trình báo, đồng tâm thực hiện theo các hướng dẫn của lực lượng CA, không tự hành động gây thêm nguy hiểm.

Tin tưởng lực lượng CA nhưng hầu như tất cả thân nhân của nạn nhân đều có chung tâm trạng lo lắng, nóng lòng muốn thấy ngay các biện pháp giải cứu thay vì chờ đợi?

* Đó là thực tế dễ gây hiểu lầm, do nguyên nhân khách quan từ cả hai phía: Cán bộ CA được phân công tiếp xúc không được phép tiết lộ biện pháp nghiệp vụ và thiếu kỹ năng chia sẻ động viên; thân nhân nạn nhân bức xúc và không hiểu được phần lớn các vụ bắt cóc đòi tiền chuộc đều có nội ứng hoặc điều nghiên trước và thậm chí tiếp tục bí mật giám sát phản ứng của gia đình nạn nhân. Đây không phải là tình huống cần được thấy các biện pháp quy mô rầm rộ, mà thậm chí buộc phải chờ đợi, tìm cách kéo dài thương lượng để có thể làm rõ tình huống và xây dựng kế hoạch giải cứu.

Quy luật của bắt cóc tống tiền là phải giữ cho nạn nhân còn sống để thân nhân tin và giao tiền chuộc. CATP và CAQ11 cũng đã từng giải cứu được cháu bé bị bắt cóc sau nhiều tháng.

 Đến thời điểm này, có những điểm gì mà CA TP cần rút kinh nghiệm qua vụ việc này không thưa đồng chí?

* Tội phạm đã biến đổi quá nhanh, khác thường không ai ngờ trước khi nghi vấn được khẳng định rằng tên An có thể ra tay tàn độc và nhanh như vậy. Từ nay khi tiếp nhận thông tin về tin báo, tố giác tội phạm, lực lượng CA trên cơ sở các thông tin người dân trình báo sẽ phải đặt ra nhiều tình huống giả định có thể xảy ra, kể cả tình huống xấu nhất, để triển khai các phương án xử lý, giải quyết tình huống. Và trong các giả định đặt ra, chỉ có một nhận định là chính xác đối với vụ việc được trình báo. Như vậy thực tế sẽ phải chấp nhận có những nhận định, giả thuyết không chính xác do chưa có đủ thông tin. Điển hình như vụ án bắt cóc con nghệ sĩ Thanh Nga trước đây. Không có ai bị kỷ luật dù đã có nhận định sai dẫn đến thêm một số người bị chết do cố mò tìm hung khí!

Xin cám ơn đồng chí!

“Tôi đã công bố trước báo chí một số kết quả đánh giá ban đầu có thể công bố trong vụ án này và không muốn vụ án này trở thành sự kiện báo chí với nhiều suy luận và tranh cãi không dựa trên hồ sơ chứng cứ của vụ án chưa thể công bố, khi nỗi đau của gia đình nạn nhân chưa kịp lắng dịu. Nhưng tôi buộc phải trở lại câu chuyện này do chưa thấy có đính chính các quy kết sai lệch, vẫn còn xuất hiện các bình luận và suy đoán thiếu căn cứ; nên cần phải thực hiện chức trách (của báo chí) và định hướng dư luận đúng đắn khi một phần công luận đã bị “đầu độc” và hoang mang.

Trong tuần qua CATP đột nhiên phải tiếp và mất rất nhiều công sức xử lý nhiều thông tin bắt cóc và đe dọa bắt cóc nhưng thực chất chỉ là chiếm đoạt trẻ em tại Bệnh viện Hùng Vương và tống tiền tại Q.Tân Phú; còn lại chỉ là trốn trường lớp đi bán “bảo bối” của trò chơi trên mạng, trốn gia đình đi chơi với bạn gái hoặc sang Campuchia cờ bạc gây nợ, bỏ nhà đi hoang…Trạng thái hiện nay không phải là nâng cao cảnh giác, mà bị đẩy lên thành hoang mang lo lắng, không biết đến khi nào lắng dịu lại”

 Thiếu tướng Phan Anh Minh.

Hồng Hiệp – Tuấn Vũ (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục