Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cho ra khỏi bộ máy những cán bộ quan liêu, vòi vĩnh

10 năm, 214 vụ liên quan tham nhũng
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cho ra khỏi bộ máy những cán bộ quan liêu, vòi vĩnh

(SGGPO).- Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) của thành phố Hà Nội sáng 15-3, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, mặc dù có nhiều việc đã làm được; song tình hình tham nhũng trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn trong nhiều lĩnh vực, từ quản lý đô thị, xây dựng, đất đai cho đến thuế, tài chính, ngân hàng...

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Theo Phó Thủ tướng, những vụ việc nổi lên gần đây như công trình xây trái phép ở 8B Lê Trực, Ba Vì cần được xác định rõ nguyên nhân vì sao, do năng lực cán bộ, chế độ trách nhiệm hay tham nhũng... Thủ tục hành chính tuy có tiến bộ hơn, nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề phải xử lý. Đặc biệt, công luận vẫn phản ánh tình trạng nhũng nhiễu; kỷ luật, kỷ cương hành chính còn chưa nghiêm, cần chấn chỉnh.

Phó Thủ tướng khẳng định: “Đại hội XII của Đảng tiếp tục xác định PCTN là một nhiệm vụ trọng tâm của toàn khóa, các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn bộ hệ thống chính trị phải kiên quyết thực hiện. Với vị trí là Thủ đô, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước, Hà Nội phải kiên quyết khắc phục những hạn chế, yếu kém, quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tạo động lực mới để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố”.

Phó Thủ tướng cũng nêu rõ 8 vấn đề cấp thiết mà TP Hà Nội phải làm trong thời gian tới. Trong đó có việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thể chế hóa các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, mà trước hết là Nghị quyết Đại hội XII về PCTN. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân và trong đội ngũ cán bộ, công chức; làm tốt công tác phòng ngừa tham nhũng: làm có hiệu quả, không hình thức mới khó. Đề cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, người đứng đầu.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai minh bạch, đơn giản hóa thủ tục, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; nghiên cứu mô hình Trung tâm hành chính công của một số địa phương để có thể vận dụng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; chấn chỉnh tình trạng cửa quyền, hách dịch, trên bảo dưới không nghe. Kiến nghị của mọi người dân phải được xử lý, trong bộ máy hành chính không thể để tình trạng nhận được văn bản của cơ quan, đơn từ, đề nghị của dân mà thích thì xử lý, không thích thì thôi, thích thì làm sớm, không thích thì để đấy…"Cán bộ nào không đáp ứng công việc, cửa quyền, quan liêu, vòi vĩnh… thì cần thay thế, nếu nghiêm trọng thì phải cho ra khỏi bộ máy, xử lý kỷ luật nghiêm", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

10 năm, 214 vụ liên quan tham nhũng


Báo cáo tổng kết của UBND TP Hà Nội tại hội nghị nêu trên cho biết, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị ở thành phố trong thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng đã có chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động. So với 5 năm trước, tham nhũng tại một số lĩnh vực đã từng bước được kiềm chế. Từ năm 2006 đến nay, thành phố đã triển khai 3.101 cuộc thanh tra, phát hiện sai phạm lên tới 2.542 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 1.415 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác 1.127 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi và đưa vào quản lý 2.439 ha đất, kiến nghị xử lý hành chính 223 cá nhân, 272 tập thể, chuyển cơ quan điều tra 38 vụ.

Công an Hà Nội đã thụ lý điều tra 214 vụ với 563 bị can liên quan đến tham nhũng. Trong đó đã khởi tố 201 vụ với 540 bị can, đình chỉ điều tra 6 vụ với 6 bị can, tạm đình chỉ điều tra 4 vụ với 9 bị can; kết thúc điều tra, chuyển Viện Kiểm sát đề nghị truy tố 192 vụ với 520 bị can, đang điều tra 12 vụ với 28 bị can…

Tuy nhiên, Báo cáo thừa nhận, công tác phòng chống tham nhũng ở Thủ đô vẫn còn hạn chế so với yêu cầu và kỳ vọng của nhân dân. Việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế, hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng chưa cao.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục