Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Sớm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp (sửa đổi)

* Cần có Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới

(SGGP). – Ngày 30-11, Hội nghị tổng kết thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2008 và Luật Ban hành VBQPPL của HĐND, UBND năm 2004 được Bộ Tư pháp tổ chức tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục thể chế hóa định hướng chiến lược của Đảng về xây dựng và thi hành pháp luật, sớm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp (sửa đổi) liên quan đến việc ban hành VBQPPL. “Với vai trò là cơ quan chủ trì, giúp Chính phủ quản lý công tác xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp cần chủ động, phối hợp với các bộ ngành cơ quan liên quan tổ chức thi hành có hiệu quả luật, pháp lệnh và thực hiện việc theo dõi tình hình thi hành pháp luật” - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Theo dự thảo báo cáo của Bộ Tư pháp do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng trình bày tại hội nghị, việc tổ chức thi hành hai luật nói trên đã được tiến hành nghiêm túc từ trung ương đến địa phương; các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành một hệ thống đồng bộ các văn bản quy định chi tiết thi hành cũng như các văn bản chỉ đạo, đôn đốc thi hành. Tính đến ngày 31-3-2013, số lượng VBQPPL do các cơ quan nhà nước trung ương ban hành là hơn 5.200 văn bản, điều chỉnh tương đối đầy đủ các lĩnh vực đời sống, xã hội. Ở địa phương tính đến ngày 31-7-2013 đã ban hành gần 7.500 nghị quyết của HĐND. Đa phần văn bản bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, xét về tổng thể hệ thống pháp luật còn thiếu đồng bộ, hoạt động tổ chức thi hành pháp luật vẫn còn bộc lộ nhiều yếu kém, bất cập so với xây dựng pháp luật, tình trạng pháp luật không được thực thi triệt để xảy ra trên nhiều lĩnh vực; tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết còn nhiều; đặc biệt vẫn còn tình trạng văn bản do địa phương ban hành không quy định về hình thức, thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản theo quy định. Trung bình chỉ có chưa tới 60% số văn bản được ban hành đúng theo chương trình, kế hoạch. Thông tư của các bộ soạn thảo thường bị chậm hơn 6 tháng; nghị định, quyết định của Thủ tướng thường bị các bộ trình chậm hơn 8 tháng so với yêu cầu đặt ra...

Cũng theo Bộ Tư pháp, trong thời gian tới, việc ưu tiên cho tổ chức thi hành pháp luật phải được coi là khâu trọng yếu, có tính quyết định trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và cần có thiết chế hữu hiệu được quy định trong Luật Ban hành VBQPPL mới.

ANH PHƯƠNG

>> Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi)

Tin cùng chuyên mục