Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Mở rộng quan hệ, đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế

Năm 2013 khép lại với những ấn tượng lớn về thành công của ngoại giao Việt Nam. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh (ảnh) đã chia sẻ với PV Báo SGGP một số vấn đề cơ bản.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Mở rộng quan hệ, đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế

Năm 2013 khép lại với những ấn tượng lớn về thành công của ngoại giao Việt Nam. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh (ảnh) đã chia sẻ với PV Báo SGGP một số vấn đề cơ bản.

* Phóng viên: Đồng chí có thể chia sẻ điểm nhấn đặc biệt nhất của ngoại giao năm 2013?

* Phó Thủ tướng PHẠM BÌNH MINH: Hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong năm 2013 rất sôi động, ấn tượng và có trọng tâm, trọng điểm. Năm 2013, ngoại giao Việt Nam tập trung vào các nước lớn, quan trọng trên thế giới, thể hiện qua việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm liên minh châu Âu, Anh, Italia; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Trung Quốc, Mỹ; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Pháp, Nhật Bản... Đồng thời, các nước lớn nhất cũng đến thăm Việt Nam. Năm 2013, Thủ tướng Nhật Bản sau khi nhậm chức đã chọn Việt Nam là nước đi thăm đầu tiên. Với Trung Quốc, trong 5 năm qua chưa có lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc sang thăm Việt Nam nhưng năm 2013, Thủ tướng Trung Quốc đã sang thăm Việt Nam; Tổng thống Nga, Tổng thống Hàn Quốc cũng sang thăm Việt Nam.

Có thể nói, tất cả các nước thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ đều có những chuyến thăm, trao đổi, thúc đẩy quan hệ với Việt Nam trong năm 2013. Vì vậy, năm 2013 là một năm đặc sắc của ngoại giao Việt Nam. Kể từ năm 2001, Nga là nước đầu tiên chúng ta thiết lập đối tác chiến lược và trong vòng 13 năm qua, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 14 nước. Riêng trong năm 2013 là 5 đối tác chiến lược, đó là Pháp, Italia và 3 nước trong khu vực Đông Nam Á: Indonesia, Thái Lan và Singapore. Ngoài ra, chúng ta đã đưa một số quan hệ với các nước khác lên xác lập khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện, như Mỹ. Như vậy, khép lại năm 2013, Việt Nam đã xây dựng khuôn khổ quan hệ với tất cả 5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, là đối tác chiến lược hoặc đối tác toàn diện.

* Với đà phát triển như hiện nay, liệu trong 10 năm nữa, tất cả các đối tác của Việt Nam đều trở thành đối tác chiến lược?

* Nếu như các nước ngày càng phát huy vai trò đóng góp không chỉ vào việc phát triển kinh tế mà còn bảo đảm được vấn đề giữ vững, ổn định hòa bình ở khu vực, tức là có tầm ảnh hưởng lớn thì chúng ta đều xây dựng quan hệ đối tác chiến lược. Trên thực tế, chúng ta cũng đang xây dựng mối quan hệ này dựa trên 2 yếu tố: Phát triển kinh kế và đóng góp vào việc bảo đảm hòa bình ở khu vực. Trong thời gian tới, nếu có các nước nổi lên, có tầm ảnh hưởng thì chúng ta tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ đi vào chiều sâu.

* Còn với Mỹ, hiện Việt Nam mới chỉ xác lập khuôn khổ đối tác hợp tác toàn diện. Có thể hiện nay chưa có đủ điều kiện để hướng tới đối tác chiến lược nhưng trong tương lai, hai nước có hướng tới không, thưa Phó Thủ tướng?

* Năm 2013, chúng ta đã xác lập quan hệ với Mỹ là đối tác toàn diện. Nhìn lại quá trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ kể từ 1995 đến nay, cho thấy những bước tiến dài. Từ chỗ là kẻ thù đến bình thường hóa quan hệ và hiện nay là đối tác hợp tác toàn diện, Mỹ hiện là một trong những đối tác quan trọng về quan hệ kinh tế thương mại với Việt Nam. Trong tương lai, sẽ hướng tới việc đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới. Còn hiện nay đang ở mức quan hệ đối tác toàn diện, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực kinh tế thương mại, khoa học kỹ thuật. Còn những lĩnh vực chưa đạt sẽ là biên độ để hai nước phấn đấu.

* Hiện nay Việt Nam đang đàm phán với EU và một số nước khác những hiệp định thương mại lớn. Vậy theo Phó Thủ tướng, những cuộc đàm phán đó gắn kết thế nào với cải cách thiết thực trong nước?

* Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2006, đó là sân chơi chung cho nhiều nước. Chúng ta cũng đang đàm phán Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu, đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), đàm phán thương mại với Hàn Quốc... Hiện nay, Việt Nam đang tiến hành cùng lúc đàm phán 6 hiệp định thương mại. Điều đó thể hiện cam kết chính trị của chúng ta là mở cửa, thúc đẩy hoạt động trao đổi thương mại giữa Việt Nam với các nước. Qua đó, đóng góp vào việc cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam, buộc chúng ta phải có những quyết định tái cơ cấu kinh tế để đáp ứng công cuộc hội nhập đó.

Như vậy, đàm phán các hiệp định thương mại vừa đáp ứng mục tiêu phát triển của các nước, vừa phục vụ việc mở rộng thương mại của Việt Nam với các nước, nhưng đồng thời cũng là điều kiện cho Việt Nam có quyết tâm trong tái cơ cấu nền kinh tế để có thể cạnh tranh được. Đó là những bước chúng ta đang làm. Đó cũng là lý do vì sao chúng ta tham gia vào Hiệp định thương mại TPP, là điều mà nhiều nước cho rằng khó khăn. Việt Nam đang thể hiện quyết tâm đó.

* Phó Thủ tướng đánh giá thế nào về Hiệp định TPP mà Việt Nam đang đàm phán?

* TPP do Singapore, Brunei, Chile đưa ra. Đó là ý tưởng để tạo một khu vực thương mại tự do rộng lớn hơn. Chúng ta hiểu rằng hiện nay các thành viên tham gia vào TPP là những nước chiếm đến 40% GDP toàn cầu. Một thị trường rất rộng lớn. Vấn đề trước tiên của TPP là bảo đảm thương mại tự do, mà Việt Nam có những lĩnh vực có lợi thế để tham gia. Đây là khu vực rất năng động về kinh tế nhưng cũng là khu vực quan trọng về an ninh chính trị. Các nước tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế thương mại cũng là để bảo đảm cho mục tiêu duy trì ổn định hòa bình. TPP có cả 2 ý nghĩa đó. TPP cũng là một trong những chiến lược của Mỹ, đó là gắn kết sâu hơn vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương vì đây là một khu vực kinh tế rất năng động, là tương lai trong thế kỷ này.

* Xin cảm ơn Phó Thủ tướng.

"Vị thế, tầm quan trọng của Việt Nam đã gia tăng trên trường quốc tế. Vì vậy, các nước mới thúc đẩy xây dựng quan hệ đối tác chiến lược. Ngay ở ASEAN, Việt Nam là nước duy nhất xây dựng đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với cả 5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và các nước lớn (Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Italia...) cùng một số nước khác. Đối tác chiến lược thể hiện mức cao hơn về sự tin cậy chính trị, quan hệ kinh tế thương mại sâu rộng hơn. Đặc biệt, với đối tác chiến lược, bao hàm cả quan hệ về an ninh, quốc phòng sâu sắc hơn"

Phó Thủ tướng PHẠM BÌNH MINH

LÂM NGUYÊN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục