Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thị sát tiến độ thi công tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên
SGGPO
Ngày 29-6, Đoàn công tác của Chính phủ do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh dẫn đầu, kiểm tra tiến độ thi công tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên.
Cùng với Phó Thủ tướng thị sát công trường metro Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) có Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong; Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ; Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan; Trưởng Ban Kinh tế Tổng lãnh sự quán Nhật Bản - bà Ogawa Megumi; Phó Đại sứ Nhật Bản tại TPHCM - ông Asazuma Shinichi; Phó Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam - ông Shu Kitamura cùng các bộ ngành...
Đoàn công tác nghe báo cáo về tiến độ dự án metro Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: CAO THĂNG
Báo cáo với Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tại công trường Nhà ga trên cao Khu Công nghệ cao quận 9, Trưởng ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) Bùi Xuân Cường cho biết, theo Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 8-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ về Điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, hệ thống đường sắt đô thị TPHCM có 8 tuyến xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính của thành phố; 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray (Tramway hoặc Monorail). Tổng chiều dài của toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị TP khoảng 220 km, với tổng vốn đầu tư ước tính gần 25 tỷ USD.
Hầm metro Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: CAO THĂNG
Theo ông Bùi Xuân Cường, dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) gồm 4 gói thầu xây lắp và mua sắm thiết bị.
Cụ thể, gói thầu CP1a ký hợp đồng với Nhà thầu Liên danh Sumitomo - Scienco 4 và khởi công vào ngày 17-11-2016. Hiện đang thi công bê tông sàn đáy, tường, cột khu vực ga Bến Thành và hầm đào hở trên đường Lê Lợi.
Gói thầu CP1b ký hợp đồng với Nhà thầu Liên danh Shimizu - Maeda và khởi công từ ngày 21-8-2014. Cơ bản hoàn thành công tác thi công kết cấu chính ga Nhà hát Thành phố và đang tiến hành lắp đặt cơ điện tại ga Nhà hát Thành phố và ga Ba Son.
Gói thầu CP2 ký hợp đồng với Nhà thầu Liên danh Sumitomo - Cienco 6 và khởi công vào ngày 28-8-2012. Hiện đã thi công xong cầu cạn phần dầm U lắp ghép và dầm 3 nhịp liên tục (còn lại dầm nhịp dẫn) và đang lắp lan can, barrie giảm ồn, thoát nước dọc; cơ bản hoàn thành lắp kết cấu thép 11 nhà ga, đang tiếp tục thi công phần kiến trúc (xây tường, sơn) các nhà ga.
Gói thầu CP3 ký kết hợp đồng với Nhà thầu Hitachi và triển khai thực hiện hợp đồng từ ngày 5-8-2013. Nhà thầu đang sản xuất chế tạo một số hạng mục (cột/dầm OCS, bộ phận của đầu máy toa xe, tà vẹt,...) và đang lắp đặt ray, hàn ray, lắp đặt trụ tiếp điện trên cao OCS. Gói thầu số 4 (hệ thống công nghệ thông tin cho Văn phòng Công ty Vận hành và Bảo dưỡng) dự kiến triển khai thiết kế kỹ thuật và tổ chức đấu thầu trong năm 2021.
Tất cả các gói thầu trên dự kiến hoàn thành trong năm 2021.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong thị sát ga Nhà hát Thành phố. Ảnh: CAO THĂNG
Đoàn công tác xem hình ảnh toàn tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: CAO THĂNG
Ga Khu Công nghệ cao có vị trí đối diện Khu Công nghệ cao (quận 9), với chiều dài 137,17 m, quy mô 2 tầng và 3 lối lên xuống. Hiện đường ray của nhà ga đã hoàn thiện. Riêng hệ thống thang bộ, thang cuốn và thang máy dành cho người khuyết tật tại tầng 1 chỉ còn chờ kết nối điện. Tầng 1 gồm sảnh chờ, phòng hướng dẫn thông tin cho hành khách, nơi thu phí tự động, các phòng thiết bị, gian hàng thương mại. Còn tầng 2 là nơi có tàu dừng đỗ, đón trả hành khách.
Hiện số công nhân trên công trường toàn dự án là 2.474 người với tổng số giờ an toàn của dự án đến nay đạt được 37,924 triệu giờ.
Metro Bến Thành - Suối Tiên đoạn qua quận 2. Ảnh: CAO THĂNG
Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên với chiều dài 19,7 km, gồm 2,6 km đi ngầm và 17,1 km trên cao, 14 nhà ga được khởi công xây dựng từ tháng 8-2012, với 4 gói thầu chính. Khối lượng tổng thể của tuyến metro số 1 đạt 73%. Hiện, gói thầu CP1a đạt 69,4%; gói thầu CP1b đạt 83,5%; gói thầu CP2 đạt 84,3% và gói thầu CP3 đạt 56,6%.
Trưởng ban MAUR Bùi Xuân Cường kiến nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thống nhất với UBND TPHCM về việc xác định giá trị vốn vay ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương của dự án bằng tiền yên (Nhật Bản), trên cơ sở đó quy đổi tiền đồng (Việt Nam) theo tỷ giá tại thời điểm giải ngân thực tế. Chấp thuận để dự án giải ngân theo hạn mức vốn ODA cấp phát còn lại đã được xác định tại Công văn số 9227/BTC-QLN ngày 12-8-2019 (17,814 tỷ yên).
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tặng quà cho ban quản lý và nhà thầu của dự án. Ảnh: CAO THĂNG
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, phân bổ tiếp nguồn vốn ODA cấp phát trong hạn mức vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020 còn lại chưa được giải ngân cho dự án 3.676,695 tỷ đồng. Trong trường hợp giải ngân không kịp số tiền này trong năm 2020, Bộ kiến nghị Trung ương điều chuyển số vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương còn lại của kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020 sang giai đoạn 2021-2025 làm cơ sở bố trí kế hoạch vốn năm 2021 để giải ngân cho dự án. Hoàn trả số tiền ngân sách TP đã tạm ứng 4.149 tỷ đồng trước đây. Song song đó, Bộ Tài chính xem xét thẩm định hồ sơ cho vay lại đối với dự án để làm cơ sở ký các Hiệp định vay bổ sung vốn còn lại (Công văn số 722/UBND-DA ngày 2-3 2020).
Liên quan đến thủ tục nhập cảnh đối với chuyên gia nước ngoài làm việc tại dự án do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, MAUR cũng kiến nghị, Chính phủ xem xét cơ chế đặc biệt cho việc nhập cảnh của các chuyên gia. Cụ thể, đối với các chuyên gia đã được quốc gia cư trú xác định âm tính với SARS-CoV-2 và được phép xuất cảnh; việc cách ly 14 ngày theo quy định của Bộ Y tế sẽ được thực hiện tại nơi cư trú của chuyên gia gần công trường dưới sự giám sát của cơ quan y tế tại địa bàn, song song với quá trình làm việc, giám sát thi công, lắp đặt… của chuyên gia qua các công cụ công nghệ thông tin trực tuyến. Sau khi hoàn tất cách ly 14 ngày, chuyên gia sẽ sẵn sàng thực hiện công việc tại công trường.