Phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước

Chiều 17-4, tại trụ sở Bộ Tư pháp đã diễn ra cuộc họp báo về kết quả tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992.

(SGGP).– Chiều 17-4, tại trụ sở Bộ Tư pháp đã diễn ra cuộc họp báo về kết quả tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn nhận định: “Nguyên tắc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN được ghi nhận trong Hiến pháp 1992 (sửa đổi năm 2001) nhưng chưa được thể hiện đầy đủ và nhất quán trong các chương, điều của Hiến pháp đã gây vướng mắc, cản trở việc thực hiện đúng vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Một nội dung trọng tâm trong sửa đổi Hiến pháp lần này là đổi mới bộ máy tổ chức nhà nước, đổi mới sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ và Thủ tướng trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên nói: “Nếu quan điểm sửa đổi của chúng tôi được chấp nhận, Chính phủ và Thủ tướng sẽ được trao thêm quyền chủ động hơn trong việc khởi xướng, hoạch định và điều hành thực hiện chính sách. Đương nhiên, cơ chế kiểm soát và giám sát đối với Chính phủ và Thủ tướng cũng sẽ phải chặt chẽ hơn để tránh lạm quyền”.

Về quyền con người và quyền công dân, theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, dự thảo Hiến pháp sửa đổi phân biệt rõ quyền công dân và quyền con người; đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm của Nhà nước trong việc tôn trọng và bảo đảm thực hiện các quyền này. Những quyền cơ bản phải được thể hiện cụ thể bằng luật. Cũng theo ông Hoàng Thế Liên, trên cơ sở nhận định mô hình chính quyền đô thị và nông thôn có những đặc thù riêng, một nội dung quan trọng khác trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp là việc chính thức hóa mô hình thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường trên phạm vi toàn quốc...

Đề cập đến chế độ sở hữu về đất đai, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên nhận xét, hiện vẫn có nhiều quan điểm khác nhau, song chưa kiến nghị nào có đầy đủ lập luận thuyết phục. “Tới đây vẫn sẽ phải tiếp tục khảo sát thực tế để làm rõ những bất cập hiện nay trong quá trình thực thi pháp luật về đất đai là do đâu, do chế định sở hữu toàn dân về đất đai, hay do các luật và văn bản dưới luật, từ đó cân nhắc sửa đổi. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều ý kiến đề nghị giữ nguyên chế định sở hữu toàn dân về đất đai”, ông Hoàng Thế Liên cho biết.

A.Thư

Tin cùng chuyên mục