Phòng chống sản phẩm văn hóa độc hại

Thời gian qua, nhiều sản phẩm văn hóa độc hại xuất hiện nhan nhản trên thị trường tác động xấu đến tư tưởng, đạo đức, lối sống, tâm lý, hành vi của nhiều người, nhất là giới trẻ. Đã có nhiều tiếng nói trong xã hội cảnh báo thực trạng này, tuy nhiên sự chuyển biến dường như còn hạn chế, thậm chí có nơi có lúc môi trường đạo đức và văn hóa lành mạnh bị đe dọa nghiêm trọng, có nguy cơ dẫn tới khủng hoảng tinh thần, mất phương hướng lựa chọn các giá trị, lối sống và niềm tin của một bộ phận công chúng.

Nguyên nhân trước hết là do các cơ quan chức năng, các đoàn thể, tổ chức xã hội… chưa nhận thấy rõ tác hại nghiêm trọng, nguy hiểm gây hủy hoại đạo đức xã hội, xói mòn niềm tin, làm tha hóa lối sống con người của các loại văn hóa phẩm độc hại đã và đang được phát tán dưới nhiều hình thức và gần như công khai trong xã hội. Hơn nữa việc quản lý, định hướng, giáo dục truyền thống, hướng dẫn thẩm mỹ cho cộng đồng dân cư cũng ít được xem trọng. Một số cơ quan báo chí, nhất là trang mạng còn vô tình góp phần vào sự tồn tại và lan tỏa văn hóa phẩm độc hại.

Các gia đình - tế bào cơ bản của xã hội - hiện nay cũng có nhiều bất cập trong việc kiểm soát, quản lý, giáo dục con cái. Lại nữa, rất nhiều hộ kinh doanh, nhiều kẻ buôn lậu chạy theo đồng tiền bằng mọi giá vẫn hàng ngày tiếp tay phát tán loại văn hóa thiếu lành mạnh, đưa văn hóa phẩm đồi trụy, bạo lực từ nước ngoài cứ rỉ rả thẩm lậu vào nước ta.

Để phòng chống các sản phẩm văn hóa độc hại, gây hủy hoại đạo đức xã hội, ngoài việc tập trung vận động các tầng lớp nhân dân chấp hành đầy đủ, nghiêm túc pháp luật; phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, mặt trận, đoàn thể đấu tranh chống sản phẩm văn hóa độc hại một cách đồng bộ, toàn diện, thì giải pháp trước mắt cần tập trung là thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu phố văn hóa, nâng cao ý thức tự giác của công dân sẵn sàng tẩy chay, loại bỏ những loại sản phẩm văn hóa không lành mạnh nhằm bảo vệ giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và truyền thống gia đình Việt Nam.

Cần huy động tối đa các cơ quan thông tin đại chúng, đặc biệt là truyền hình thường xuyên đăng, phát sóng các tin tức thời sự, chuyên mục, phóng sự… cổ động việc phòng chống các sản phẩm văn hóa độc hại, xem đây là hoạt động trọng tâm và cấp bách. Hiệu quả tuyên truyền của màn ảnh nhỏ hiện nay là rất lớn, rất hiệu quả, có tác động tức thì, sâu rộng và lâu dài đến mọi gia đình, mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới trẻ. Có lẽ cần sử dụng một tỷ lệ thỏa đáng những giờ vàng trên truyền hình vào việc phổ biến, tuyên truyền Chỉ thị 46-CT/TW của Ban Bí thư “Về chống sự xâm nhập của các loại sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”, đồng thời có bài phản ánh, bình luận phân tích kỹ nguyên nhân và tác hại khó lường của loại sản phẩm này. Đồng thời nhân rộng những mô hình phòng chống cái xấu, cái ác trong xã hội, những điển hình về việc xây dựng và tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật lành mạnh, thiết thực nhằm chống lại sản phẩm văn hóa độc hại; nêu gương người tốt việc tốt, tập thể tiên tiến trong tiến trình thực hiện công việc này.

Thiết nghĩ ngành văn hóa, thông tin, tuyên giáo cũng nhanh chóng vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn theo chức năng và thẩm quyền để tạo thành một áp lực lớn, đủ mạnh, phòng chống có hiệu quả sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại và những biến tướng của nó ở mọi lúc mọi nơi.

Xuân Thái

Tin cùng chuyên mục