Phòng chống tội phạm: Cần quyết liệt hơn

Băng nhóm tội phạm gây lo lắng

Chiều 29-10, Quốc hội tập trung thảo luận tại các tổ đại biểu về báo cáo của Chính phủ và các cơ quan tư pháp về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; kết quả thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội.

Băng nhóm tội phạm gây lo lắng

Một mặt ghi nhận những nỗ lực của các cơ quan bảo vệ pháp luật, mặt khác, đại biểu (ĐB) Trương Thị Ánh (TPHCM) phản ánh, cử tri và người dân vẫn lo lắng về tình hình trật tự an toàn xã hội; đặc biệt là tính chất manh động của một số băng nhóm tội phạm. Bà Ánh đề nghị QH có nghị quyết riêng về tăng cường đấu tranh phòng chống tội phạm năm 2014, đặt trọng điểm tấn công vào các băng nhóm tội phạm.

ĐB Nguyễn Văn Minh (TPHCM) băn khoăn về tỷ lệ nghiện ma túy được ghi nhận tăng hơn 5% “và thực tế chắc chắn còn cao hơn”. Theo ông Minh, “7 giải pháp mà Chính phủ đặt ra đều đúng, nhưng chưa đủ quyết liệt”. Đây cũng là quan điểm của ĐB Lê Đông Phong (TPHCM). Ông Phong phát biểu: “Qua đấu tranh với những vụ vi phạm pháp luật lớn mới thấy công tác quản lý còn nhiều sơ hở, để rồi sau đó phải giải quyết hậu quả. Các giải pháp phòng ngừa đã đủ liều lượng, đủ chiều sâu hay chưa?”. ĐB Phong đầy suy tư khi cho rằng đúng là có cả những trường hợp “bần cùng sinh đạo tặc”, túng quá làm liều...

Lưu ý về một số vụ vi phạm pháp luật do người dân bị kích động gây nên, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nhận định: Ở những nơi chính quyền yếu kém, có nhiều sai phạm, không đáp ứng quyền lợi, nguyện vọng chính đáng của dân, khiến dân bức xúc thì mới xuất hiện việc người dân chống đối tự phát.

Nơi nào chính quyền vì dân thì dân rất thương cán bộ, điển hình là ở những vùng biên giới hải đảo, dân thương cán bộ như người trong nhà. Đánh giá về công tác phòng chống tội phạm, giữ gìn trật tự an ninh xã hội cần nhìn nhận nghiêm túc vấn đề này. ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) cũng cho rằng, để lấy lại niềm tin trong nhân dân thì đảng viên các cấp cần đi tiên phong; cần gương mẫu. Công tác điều tra, xét xử cần làm nghiêm túc và “có khi phải phạt nặng trên, nhẹ dưới vì tình hình hiện nay đang cho thấy, nhiều trường hợp là nhà dột từ trên xuống”.

Ở đâu có xin - cho ở đó có tham nhũng

Bày tỏ sự trăn trở vì hiệu quả phòng chống tham nhũng chưa như kỳ vọng, thậm chí còn có dấu hiệu chùng xuống, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) phân tích: “Báo cáo của Chính phủ nhận định, việc thực hiện NQTƯ 4 “đã có tác dụng răn đe tham nhũng”. Nhưng UB Tư pháp thì cho rằng, một trong những nguyên nhân chủ quan là tình trạng suy thoái đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ có chức quyền”... Theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, dường như chưa có sự thống nhất trong việc đánh giá tình hình, mà “không nhìn cho đúng thì dù có quyết tâm chính trị cao, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng cũng khó đạt kết quả mong muốn”.

Bà Tâm kiến nghị, một giải pháp ưu tiên trong thời gian tới là rà soát lại toàn bộ cơ chế quản lý nhà nước, chỉ rõ cơ chế gì, ở đâu có thể tạo ra kẽ hở xin - cho để khắc phục cho được, bởi ở đâu có xin - cho, ở đó có tham nhũng. Cần xem xét, tổ chức kỳ họp chuyên đề để bàn về công tác phòng chống tham nhũng; phân tích cho hết những kẽ hở của pháp luật để sửa đổi, bổ sung. “Cải cách thủ tục hành chính đã làm đến đâu, có phải nói vậy nhưng không muốn cải cách thực sự, minh bạch hóa thực sự hay không, vì minh bạch, đơn giản có nghĩa là không còn đất cho tham nhũng” - bà Tâm nhấn mạnh.

Xử tham nhũng chưa nghiêm

Nhấn mạnh đến vai trò của cơ quan điều tra trong công tác phòng chống tham nhũng, ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) cho rằng, điều rất đáng nói là các vụ án tham nhũng tự cơ quan công an tìm ra để khởi tố không nhiều, phần lớn là do nhân dân, báo chí phát hiện; rồi sau đó cơ quan điều tra mới vào cuộc. “Một vấn đề nữa mà người dân rất bức xúc là xử tội phạm tham nhũng chưa nghiêm, rõ nhất là nhiều án treo. Tình trạng vận dụng dưới khung hình phạt để xử án là rất phổ biến. Nhiều bị cáo đang khỏe mạnh, đến lúc chuẩn bị xử thì có giấy chứng nhận tâm thần, cho thấy công tác giám định có vấn đề, có biểu hiện chạy án, chạy tội” - ĐB Phạm Xuân Thường nói.

ĐB Vũ Công Tiến (Lâm Đồng) cũng đặt vấn đề, tại sao hầu hết các vụ nghiêm trọng đều do báo chí phát hiện mà không phải là cơ quan chức năng: “Dân đang hỏi tại sao các vụ án lớn thì làm chậm, còn những vụ lặt vặt thì làm nhanh?”.

Trong khi đó, theo ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM), “nhiều ý kiến nói án treo tham nhũng nhiều cũng là đúng. Số bị kết tội không tương xứng với thất thoát, dẫn đến người dân bị mất lòng tin vào chính quyền”. Song song với phát hiện, truy tố tội phạm tham nhũng, cần tăng cường biện pháp thu hồi tài sản, “tập trung vào chiến dịch bắt hổ, chứ đừng bắt ruồi” - ĐB Đương ví von, hàm ý nên dồn sức “đánh” tham nhũng lớn thay vì bắt tham nhũng vụn vặt. Tuy nhiên, ĐBQH Huỳnh Ngọc Ánh, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân TPHCM, giải thích thêm: “Riêng TPHCM trong năm 2013 đã có 3 đoàn kiểm tra, rà soát án treo tất cả các loại, cả tội tham nhũng, nhưng các vụ cho hưởng án treo đều đúng quy định của pháp luật. Vấn đề chính là có đúng người, đúng tội hay không, có đảm bảo nguyên tắc mọi người bình đẳng trước pháp luật hay không?”.

Hiến kế giải pháp, ĐB Vũ Công Tiến cho rằng cần triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường sức đề kháng phòng chống tội phạm, phòng chống tham nhũng trong toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó cán bộ, đảng viên phải làm gương. Phải phòng chống tham nhũng, tội phạm từ gốc. Phải xử lý nghiêm những lãnh đạo, cán bộ vi phạm, nhất là những người lợi dụng chức quyền để vi phạm, như thế mới lấy lại được lòng tin của nhân dân.

* Sáng 29-10, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Nhiều ĐB cho rằng, dự thảo quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh bố trí kinh phí cho UBND cấp huyện, xã trong việc thu gom, xử lý bao gói chứa thuốc BVTV sau sử dụng, thuốc vô chủ, không rõ nguồn gốc là khó khả thi, gây khó khăn cho ngân sách, bởi cán bộ cấp xã không có chuyên môn. Mặt khác, theo các đại biểu để có nguồn lực, bên cạnh nguồn ngân sách cần bổ sung quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc đóng một khoản kinh phí liên quan để từ đó bổ sung cho cấp xã, từ đó, cấp xã thuê cơ quan chuyên môn tiêu hủy. Dự thảo mới quy định kinh phí cấp cho tiêu hủy nhưng chưa có kinh phí cho việc thu gom, vì vậy, cần bổ sung quy định này và gắn trách nhiệm của các công ty sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh việc quy định cấp tỉnh bố trí ngân sách tiêu hủy, thu gom cần trích một phần từ các khoản thuế, phí doanh nghiệp đã nộp để hỗ trợ địa phương.

* Cùng ngày, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, dự luật tập trung vào việc sửa đổi quy định về phạm vi công chứng, sửa đổi một số nội dung về quản lý nhà nước về công chứng, bổ sung quy định về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên, xác định rõ hơn tư cách pháp lý của công chứng viên, quy định chặt chẽ hơn về đào tạo, tập sự hành nghề công chứng, làm rõ quyền và nghĩa vụ của công chứng viên... Qua thẩm tra, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành với đề nghị của Chính phủ về việc sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Công chứng năm 2006. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng, quá trình tổ chức và hoạt động công chứng trong thời gian qua còn bộc lộ một số vướng mắc, bất cập, cần được sớm giải quyết nhưng chưa được đề cập hoặc đề cập chưa đầy đủ trong dự thảo luật. Chẳng hạn như xác định loại việc cần phải công chứng; phân định phạm vi nội dung cần công chứng, chứng thực; xử lý hậu quả từ việc phòng công chứng, văn phòng công chứng chấm dứt hoạt động...

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục