Bệnh sâu răng

Phòng ngừa là quan trọng

Phòng ngừa là quan trọng

Sâu răng là căn bệnh phổ biến nhất trong ngành nha khoa, nếu không điều trị kịp thời, tủy răng sẽ chết, dẫn đến các biến chứng như viêm quanh cuống răng, rụng răng, viêm xương… rất nguy hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, hiện nhiều người vẫn chưa ý thức được việc chăm sóc răng miệng, phòng ngừa bệnh sâu răng. Phóng viên báo SGGP đã trao đổi với bác sĩ Huỳnh Đại Hải - Thầy thuốc ưu tú, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt kiêm Chủ tịch Hội Răng Hàm Mặt TPHCM -  về một số vấn đề liên quan đến căn bệnh này.

- PV: Bác sĩ nhận xét gì về thực trạng bệnh sâu răng?

Phòng ngừa là quan trọng ảnh 1

Trao giải thưởng cuộc thi kiến thức chăm sóc răng miệng. Ảnh: X.Q.

- Bác sĩ HUỲNH ĐẠI HẢI: Theo kết quả của một cuộc điều tra thực hiện năm 2001, tỷ lệ người dân mắc bệnh sâu răng ở VN rất cao. Tỷ lệ này ở trẻ em 6 - 8 tuổi là 84,9% (trung bình mỗi em có 5,4 chiếc răng sâu). Ở người lớn (trên 45 tuổi) là 89,7% (trung bình mỗi người có 8,9 chiếc răng sâu). Người dân ở phía Nam bị sâu răng nhiều hơn ở phía Bắc (91,6% ở trẻ em và 97,1% ở người lớn). Nguyên nhân do nguồn nước ở phía Nam có hàm lượng fluor ít hơn. Thực tế cho thấy, bệnh sâu răng nếu không điều trị kịp thời sẽ làm chết tủy răng và có thể phát sinh các biến chứng như viêm quanh cuống răng, rụng răng, viêm xương, viêm hạch… rất nguy hại cho sức khỏe.

- Trước tình hình trên, ngành y tế TP Hồ Chí Minh đã có những chương trình hành động gì để hạn chế tỷ lệ người dân mắc bệnh sâu răng?

- Nhiều năm qua, ngành y tế TPHCM đã rất chú trọng đến công tác phòng ngừa bệnh sâu răng cho nhân dân. Đáng kể nhất là 3 chương trình trọng điểm: Chương trình fluor hóa (cho fluor vào nước sinh hoạt nhằm tăng cường hàm lượng fluor trong nước máy, giúp cho men răng cứng hơn. Đây là chương trình được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá là hiệu quả nhất. Thứ hai là chương trình “Nha học đường”. Chương trình này được sự hỗ trợ đắc lực của các đơn vị sản xuất kem đánh răng, đặc biệt là kem đánh răng P/S (thuộc Công ty Unilever Việt Nam). Thông qua chương trình “ PS-Bảo vệ nụ cười Việt Nam”, mỗi năm công ty này đã chi hàng tỷ đồng cho chương trình thông qua các đợt tặng kem, bàn chải đánh răng cho các em học sinh. Và chương trình thứ ba là “Khám chữa răng lưu động cho bà con vùng sâu, vùng xa”.

- Bác sĩ vui lòng cho biết kết quả đạt được của các chương trình trên? Cần làm gì để phòng ngừa căn bệnh này?

- Có thể nói, từ “3 mũi giáp công” của 3 chương trình trên, ngành y tế thành phố đã đạt được kết quả rất đáng phấn khởi, tỷ lệ sâu răng ở người dân hạ xuống chỉ còn 56% (trung bình mỗi người có 3,8 chiếc răng sâu). Tuy vậy, để hướng tới một thế hệ không có sâu răng, công tác phòng ngừa bệnh sâu răng là hết sức quan trọng. Mỗi người dân phải tự giác và ý thức triệt để việc bảo vệ răng miệng của mình.

Theo đó, phải tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc đánh răng sau mỗi bữa ăn (mỗi ngày đánh răng 3 lần) và phải đánh răng không quá 10 phút sau khi ăn. Bởi lẽ, chỉ cần 10 phút sau khi ăn là các vi khuẩn sẽ hoạt động, làm tăng nồng độ axít trong miệng, phá hủy men răng, dẫn đến sâu răng. Khi dùng kem đánh răng, nên dùng các loại kem có chứa fluor để giúp men răng vững chắc, chống lại các vi khuẩn gây phá hủy men răng. Không nên ăn vặt, ăn nhiều các chất đường, bột. Vì nếu ăn vặt mà lại ăn nhiều các chất đường bột (nhất là trong điều kiện không tiện đánh răng ngay) thì nguy cơ mắc bệnh sâu răng rất cao.

THANH HÙNG - LAN VINH

Tin cùng chuyên mục