Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân
“Thực hiện lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác Hồ kính yêu, 65 năm qua, Đảng bộ, nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh đã nêu cao truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng kiên cường, không ngừng ra sức thi đua. Từ các phong trào thi đua trong sự nghiệp kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đến các phong trào thi đua yêu nước trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đã tạo nhiều chuyển biến tích cực, toàn diện và xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng phát triển, trở thành một đô thị đặc biệt, có vai trò trung tâm nhiều mặt của cả nước”.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng thi đua - khen thưởng Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân (ảnh) chia sẻ như vậy về vai trò của phong trào thi đua trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.
Đột phá vào khâu khó, điểm nghẽn phát động thi đua
° Phóng viên: Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng thi đua - khen thưởng thành phố, đồng chí nhận định như thế nào về bước tiến của phong trào thi đua yêu nước tại Thành phố Hồ Chí Minh, sau hơn 38 năm giải phóng thống nhất đất nước?
° Đồng chí LÊ HOÀNG QUÂN: Tình hình đất nước ở mỗi thời kỳ, có những phong trào thi đua yêu nước được nhân dân hưởng ứng và mang lại hiệu quả lớn, để lại những dấu ấn sâu đậm. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, phong trào thi đua yêu nước liên tục phát triển, đạt nhiều kết quả, góp phần thúc đẩy to lớn vào quá trình phát triển của thành phố. Phong trào thi đua tạo nên sức mạnh tổng hợp, sự đoàn kết trong quần chúng nhân dân, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm và phát huy sáng kiến, sức sáng tạo của tập thể, cá nhân trong lao động, sản xuất, học tập, chiến đấu, trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Càng khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh lại càng ra sức thi đua nỗ lực hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội của thành phố. Phong trào thi đua được phát động vào các khâu khó, các điểm còn nghẽn để tạo nên động lực mới nhằm huy động sức mạnh to lớn trong nhân dân, xã hội chung tay, góp sức vì sự phát triển của thành phố, vì hạnh phúc của nhân dân, góp phần cùng cả nước thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, kế hoạch kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước….
° TPHCM được đánh giá là địa phương có nhiều cách làm đột phá, sáng tạo trong phong trào thi đua, công tác khen thưởng. Trong những cách làm ấy, việc làm gì của thành phố mà theo đồng chí là có ý nghĩa lớn?
° Phong trào thi đua yêu nước của Thành phố Hồ Chí Minh luôn bám sát mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố cũng như các vấn đề thực tiễn đặt ra. Sức mạnh của phong trào thi đua không dừng lại khẩu hiệu kêu gọi mà chính là việc nêu gương, tôn vinh những cá nhân, tập thể tiêu biểu, điển hình trong tất cả lĩnh vực. Đặc biệt đối với công tác khen thưởng, Thành phố Hồ Chí Minh đã quan tâm đến những tập thể và cá nhân có nhiều cống hiến, đóng góp nhiều công sức trí tuệ, trong đó đặc biệt là thành tích, công lao, sự đóng góp của nhân dân về sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Sau ngày thành phố được giải phóng đến nay, lãnh đạo thành phố đã quan tâm chỉ đạo, xem công tác khen thưởng là chính sách lớn, vừa là nhiệm vụ chính trị vừa là đạo lý uống nước nhớ nguồn đối với đồng chí, đồng bào đã cống hiến mồ hôi, xương máu trên chiến trường ác liệt của miền Nam.
Đặc biệt không chỉ đối với lực lượng vũ trang, thành phố đã quan tâm đề nghị Đảng, Nhà nước khen thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đối với lực lượng binh vận, trí vận, biệt động, Hoa vận, thanh niên xung phong, vùng lõm chính trị trong nội thành, đội ngũ hoạt động văn học nghệ thuật như nhà thơ - liệt sĩ Lê Anh Xuân, nhà văn - liệt sĩ Nguyễn Thi và cố nhạc sĩ Hoàng Việt. Các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc, có những hành động anh hùng trong các cuộc kháng chiến để việc xét tặng đảm bảo chính xác, không để sót, đặc biệt tôn vinh những tấm gương anh hùng dũng cảm xả thân vì độc lập tự do của Tổ quốc. Trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và hội nhập, thành phố đã chỉ đạo xem xét khen thưởng kịp thời các đơn vị sản xuất kinh doanh, các nhà khoa học, giáo dục, y tế, công nhân lao động có nhiều thành tích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Nhiều phong trào làm nên từ quần chúng
° Bác Hồ đã nói và chỉ ra nhiều phương thức tổ chức, cách phát động phong trào, nội dung thi đua trên nhiều lĩnh vực. Đồng chí tâm đắc nhất lời dạy nào của Bác?
° “Công việc hàng ngày là nền tảng của thi đua” là lời dạy đơn giản của Bác nhưng rất sâu sắc, nhắc nhở chúng ta không lãng phí thời gian quý báu của nhân dân, phải tận tâm với nhiệm vụ, làm tốt công việc với thái độ, tinh thần trách nhiệm cao nhất để phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc là điều tôi tâm đắc nhất. Thi đua không phải hô hào hay làm gì to tát mà ngay khi chúng ta làm tốt công việc mỗi ngày của mình cũng là thi đua. Nói rộng hơn, nội dung thi đua phải thiết thực, cụ thể. Cách thức phát động tổ chức thực hiện phong trào phải sâu rộng phù hợp với lĩnh vực, ngành, giới đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người cán bộ, đảng viên, người đứng đầu phải là tấm gương tốt.
° Đồng chí nghĩ gì khi có ý kiến cho rằng phong trào thi đua hiện nay của chúng ta chỉ phát động chủ yếu phía trên mà chưa “ngấm” xuống dân?
° Thành phố Hồ Chí Minh có rất nhiều phong trào thi đua từ cơ sở và có sức lan tỏa lớn, được quần chúng nhân dân đồng tình hưởng ứng và phát triển mạnh mẽ, như phong trào chỉnh trang đô thị; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư, Hội thi bàn tay vàng; giải thưởng Tôn Đức Thắng tôn vinh người lao động. Hay phong trào thực hành tiết kiệm, không chỉ cơ quan, đơn vị thực hành tiết kiệm mà từng người dân cũng nhiệt tình hưởng ứng, tiết kiệm ngày càng trở thành văn hóa trong đời sống nhân dân. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, Thành phố Hồ Chí Minh dấy lên phong trào dân giúp dân như không tăng giá phòng trọ, không tăng giá điện, giá giữ trẻ để người công nhân yên tâm sản xuất. Nhiều cán bộ sau khi về hưu đã không ngại gian khó, không thờ ơ việc chung và tham gia nhiệt tình các phong trào của địa phương... Nói chung có rất nhiều phong trào đi lên từ quần chúng.
Tuy nhiên, hạn chế trong phong trào thi đua, công tác khen thưởng hiện nay là chưa đúc kết, nhân rộng những phong trào hay; nhân rộng các điển hình tiên tiến, các tấm gương, các cá nhân tiêu biểu ở cơ sở, địa bàn dân cư, các ngành nghề trực tiếp phục vụ đời sống kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc. Khâu này chúng ta làm chưa đúng mức nên thời gian tới thành phố sẽ làm mạnh mẽ hơn.
° Trên cơ sở kết quả đạt được, phong trào thi đua yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh thời gian tới sẽ đột phá vào các nội dung, lĩnh vực gì, thưa đồng chí?
° Thực hiện Chỉ thị 39 của Bộ Chính trị và Kết luận số 83 của Ban Bí thư, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức và cải tiến thủ tục, quy trình xét khen thưởng, thực hiện công khai, dân chủ, kịp thời và đảm bảo tính nêu gương, giáo dục trong khen thưởng. Xây dựng, ban hành các quy định cụ thể để thực hiện Luật Thi đua - khen thưởng và tặng thưởng huân chương, huy chương. Kiên quyết chống tiêu cực và bệnh hình thức trong công tác thi đua, khen thưởng. Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; thực hiện có hiệu quả chủ đề “Đồng thuận cao, thi đua giỏi, về đích sớm”, ra sức thi đua phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng; thực hiện có hiệu quả 6 chương trình đột phá của thành phố, đặc biệt là những tấm gương cá nhân tiêu biểu, sáng tạo trong học tập, lao động sản xuất kinh doanh, hoạt động xã hội; giáo dục, khoa học, nghệ thuật, bảo vệ Tổ quốc, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài…
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố quyết tâm phấn đấu vượt qua mọi khó khăn thử thách, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội IX của Đảng bộ thành phố, góp phần cùng cả nước thực hiện đạt kết quả Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, xây dựng thành phố xứng đáng là thành phố Anh hùng, thành phố vinh dự được mang tên Bác Hồ kính yêu.
° Xin cảm ơn đồng chí!
VÂN ANH thực hiện