2/3 số vụ cháy nổ gas có nguyên nhân do người tiêu dùng xài phải phụ kiện gas (van, dây dẫn) “dỏm”. Vậy nhưng, những ngày này, van, dây dẫn “dỏm” vẫn xuất hiện tràn lan và bày bán công khai tại các cửa hàng.
- Tràn ngập phụ kiện trôi nổi
Chị Lê Thị Hảo, ngụ 169/102/6A Ngô Tất Tố, P22 Q.Bình Thạnh TPHCM cho biết, vừa qua, chị mua trọn bộ bình gas, van và dây dẫn của cửa hàng H.C, đường Võ Duy Ninh, P22, Q.Bình Thạnh, TPHCM. Tuy nhiên, sử dụng chưa được một tuần thì dây dẫy gas đã bị gẫy gập, khiến khí gas thoát ra ngoài. Sáng 29-5, chúng tôi tạt vào cửa hàng kinh doanh gas N.X (ngay chợ Hóc Môn). Cửa hàng này bán đến 3 loại dây dẫn gas khác nhau, trong đó có loại mang nhãn hiệu “Made in Taiwan”, giá 30.000 đồng/dây. Mang đoạn dây này đến cửa hàng bán đồ gia dụng K.N trong chợ Hóc Môn, thì họ cho biết, loại dây này sản xuất trong nước, giá… 12.000 đồng/m, dùng để làm ống dẫn… nước. Vậy mà cửa hàng gas N.X lại biến thành ống dẫn gas bán cho khách hàng.
Tương tự, tại cửa hàng T.B nằm trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, P25, Q.Bình Thạnh, cùng một bộ bình gas mang nhãn hiệu SP, nhưng có đến 2 giá bán khác nhau. Hỏi ra mới biết, nếu dùng dây dẫn gas loại thường, bạn sẽ tiết kiệm được 40.000 đồng. Tuy nhiên, nhìn vào 2 loại dây dẫn này cũng khó phân biệt đâu là dây dẫn gas chính hiệu, đâu là dây... “dỏm”.
Phòng kinh doanh gas của Saigon Petro cho biết, nhiều công ty kinh doanh gas tại TPHCM cũng đã nhập phụ kiện chính hãng (được bảo hành, bảo hiểm) để bán cho người tiêu dùng với giá từ 120.000 đồng- 150.000 đồng/ bộ. Tuy nhiên, bộ phụ kiện gas mang nhãn hiệu Đài Loan, Thái Lan… chỉ có giá từ 75.000-90.000 đồng/ bộ, nên không ít người hám rẻ mà từ chối sử dụng hàng chính hãng. Các công ty kinh doanh gas cũng thừa nhận, do không ai kiểm định và quản lý chất lượng phụ kiện gas, nên các công ty bảo hiểm chỉ mới nhận bảo hiểm bình gas, rất nhiều sự cố cháy nổ xảy ra do van, dây dẫn trôi nổi, khách hàng chẳng được bồi thường đồng nào.
- Trạm kiểm định cũng... thất nghiệp
Theo các công ty kinh doanh gas, hiện có khoảng 7 triệu vỏ bình gas lưu thông trên thị trường. Trong khi đó, ngành gas có mặt tại thị trường Việt Nam cách đây hơn 10 năm. Theo quy định, bình gas sau 5 năm phải tái kiểm định một lần để bảm bảo an toàn cho người sử dụng. Điều này có nghĩa, số vỏ bình phải tái kiểm định đang lũy tiến, tức mỗi năm có trên 2 triệu vỏ bình đến hạn tái kiểm định. Tuy nhiên, ông Nguyễn Bá Hiệt- Giám đốc Trung tâm Kiểm định Kỹ thuật An toàn khu vực 2 cho biết, cả 3 trạm kiểm định của trung tâm tại Khu công nghiệp Linh Trung, Vũng Tàu và Cần Thơ hiện chỉ hoạt động cầm chừng, với tổng số vỏ bình được kiểm định khoảng 200.000 vỏ bình/năm. Thậm chí, hai trạm kiểm định của trung tâm tại Cần Thơ và Vũng Tàu hiện hoạt động chưa đến 30% công suất!
Ngoài các trung tâm kiểm định trên, còn có 2 công ty kinh doanh gas có nhà máy kiểm định vỏ bình là VT-Gas và Saigon Petro (SP). Tuy nhiên, công suất kiểm định của hai nhà máy này cũng chỉ đạt 200.000 vỏ bình/năm. Như vậy, tổng số vỏ bình được kiểm định mới chỉ đạt khoảng 500.000 vỏ bình/ năm, còn trên 1,5 triệu vỏ bình vẫn chưa được tái kiểm định. Đây là thực trạng đáng báo động, mà hàng triệu người tiêu dùng không hề hay biết! Một chuyên gia về kiểm định vỏ bình nhận xét, do môi trường nước phèn, nước mặn tại Việt Nam khá nhiều, nên vỏ bình rất dễ bị ăn mòn. Vì vậy, thời gian tái kiểm định lẽ ra phải được rút ngắn hơn.
Trong khi nạn sang chiết, tiêu thụ gas giả vẫn chưa giải quyết triệt để thì việc các phụ kiện, bình gas không được kiểm định… cũng đã và đang đẩy người tiêu dùng đứng trước những hiểm họa khôn lường. Vấn đề là cơ quan quản lý ở đâu trước thực trạng báo động này?
ĐÀO THỤY