Ngộp thở, đó là cảm giác khi bước ra ngoài đường vào giờ cao điểm trên hầu hết các con đường ở TPHCM. Ở Hà Nội cũng tương tự. Lượng xe cơ giới tham gia giao thông tăng nhanh làm tăng độ ô nhiễm không khí. Bên cạnh đó, việc kiểm soát lượng khí thải công nghiệp trong lòng đô thị cũng vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Cảm giác “thiếu dưỡng khí” càng rõ, đặt trong bối cảnh thiếu những khoảng xanh.
Lấy một con số thống kê: theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ tiêu đất để trồng cây xanh ở Hà Nội và TPHCM mới đạt khoảng 2m²/người. Hệ thống cây xanh cũng mới chỉ được hình thành tại các đô thị lớn và trung bình. Tại các đô thị nhỏ, cây xanh còn là một thứ “xa xỉ” hơn. Trong khi đó, chỉ tiêu cây xanh ở các đô thị hiện đại trên thế giới là 20 - 25m²/người. Theo thời gian, tình trạng thiếu cây xanh, thiếu “bầu phổi nhân tạo” ngày càng trở thành khó giải quyết. Lý do là tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, nhưng quy hoạch đô thị thực hiện không nghiêm ngắn.
Có rất nhiều dự án đô thị mới, công viên, cây xanh được dành một diện tích hợp lý, bên cạnh các công trình công cộng như nhà trẻ, trường học, trạm y tế, chợ… Nhưng đó chỉ là khoảng xanh trên bản vẽ.
Còn trên thực địa, việc phân lô bán nền luôn là ưu tiên số một. Lợi ích của “tiền tươi thóc thật” ngắn hạn đã luôn lấn át lợi ích công cộng, dài hạn. Trong tương quan lợi ích, cái chung cũng bị lép vế so với lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân. Thiếu cây xanh là một trong những hệ quả nhãn tiền của cuộc đua lợi ích, với phần thua thiệt thuộc về cả xã hội. “Lợi ích mười năm” không cạnh tranh được với lợi ích một năm, thậm chí ngắn hơn!
Nhưng đấy mới chỉ là một diễn biến dễ quan sát. Còn một nguyên nhân nữa ít được đề cập. Đó là nguồn lực phát triển cây xanh chỉ chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước. Để có diện tích cây xanh/đầu người đạt mức 10 - 15m² vào năm 2020, TPHCM cần 80.000 tỷ đồng. Số tiền khổng lồ này lấy từ nguồn nào? Cơ chế, chính sách để mọi thành phần kinh tế và các tầng lớp cư dân đô thị tham gia phát triển khoảng xanh vẫn là một khoảng hẫng.
Nguồn lực xã hội bị coi nhẹ, dẫn tới ngân sách càng quá tải. Chiếc bánh ngân sách không lớn, lại bị chia xẻ thành nhiều miếng nhỏ. Điều đó dẫn tới sự phân tán, manh mún, kém hiệu quả và không vững chắc. Các phong trào trồng cây xanh hàng năm chủ yếu mới chạy theo các thành tích bề nổi. Cây xanh được trồng nhưng không chăm sóc, “bảo dưỡng” nên đời cây ngắn ngủi. Đấy là chưa kể việc tỉa cành, mé nhánh theo kiểu lập lờ để khai thác trái phép cây trưởng thành cũng làm giảm độ che phủ của khoảng xanh.
Khoảng xanh trở nên một phúc lợi quan trọng khi đô thị ngày càng chật chội. Nhu cầu sống sạch, sống xanh hàng ngày đang trở nên bức thiết. Người dân không thể cứ ngột ngạt mỗi ngày, rồi lâu lâu chạy ra khu sinh quyển thế giới ở Cần Giờ chẳng hạn, để hít thở thỏa thích.
Lợi ích bền vững, dài hạn cũng nằm trong từng mét vuông cây xanh được giữ gìn và phát triển.
Vũ Thượng