Với quyết tâm chính trị và định hướng nêu trên, Thủ tướng nhất trí cần thành lập ủy ban quốc gia về CPĐT trên cơ sở kiện toàn ủy ban quốc gia về ứng dụng CNTT. Ủy ban này sẽ do Thủ tướng Chính phủ là chủ tịch, trực tiếp chỉ đạo hoạt động xây dựng CPĐT; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Phó Chủ tịch và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm ủy viên thường trực kiêm tổng Thư ký. Cơ quan thường trực của ủy ban này sẽ đặt tại Văn phòng Chính phủ.
Theo các chuyên gia, đây là những hành động quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ đối với một lĩnh vực đã được nói rất nhiều, từ lâu, làm cũng đã nhiều, những “làm mãi vẫn chưa xong”. Trong khi đó vai trò của CPĐT trong một xã hội, nền kinh tế hiện đại là điều không thể phủ nhận, ngày càng có vị trí hết sức quan trọng.
Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai, thực hiện với một số kết quả đạt được về CPĐT.
Cụ thể, năm 2016, chỉ số phát triển CPĐT của Việt Nam được Liên hiệp quốc xếp hạng thứ 89/193 quốc gia. Trong đó, chỉ số về dịch vụ công trực tuyến tăng 8 bậc, từ thứ hạng 82/193 lên thứ hạng 74/193. Đến đầu 2018 đã cơ bản hoàn thành kết nối, liên thông các hệ thống quản lý văn bản của các bộ, ngành, địa phương với Văn phòng Chính phủ.
Theo Cục Tin học hóa (Bộ TT-TT), đến nay đã có hơn 50 bộ, ngành, tỉnh, thành phố triển khai xây dựng khung kiến trúc CPĐT/chính quyền điện tử và có trên 30 bộ, ngành, địa phương đã ban hành kiến trúc CPĐT/chính quyền điện tử. Thế nhưng, chừng đó chưa đủ.
Thủ tướng Chính phủ cho rằng, chúng ta có quá nhiều các hệ thống thông tin tại các cấp nhưng không kết nối được, không chia sẻ được với nhau. Vì vậy, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ trong tháng 11 tới trình Thủ tướng xem xét phê duyệt đề án về giải pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan hành chính nhà nước.
Mới đây, Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ TT-TT nghiên cứu, rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 36a/NQ-CP về CPĐT để phù hợp với môi trường kinh tế số và xây dựng CPĐT.
Theo đó, cần hoàn thiện thể chế, cơ sở pháp lý để triển khai xây dựng CPĐT, nhất là việc kết nối phi tập trung về chia sẻ dữ liệu, cởi mở thông tin chưa có thể chế để thực hiện. Bộ TT-TT nghiên cứu xây dựng nghị định về bảo vệ dữ liệu riêng tư, nghị định về định danh điện tử của cá nhân, tổ chức, nghị định về chia sẻ dữ liệu.
Đặc biệt, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ TT-TT, các bộ, ngành địa phương khẩn trương trình Thủ tướng ban hành kế hoạch triển khai nghị định về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, trong đó chú trọng giải pháp cổng dịch vụ công quốc gia, kết nối với hệ thống thông tin một cửa điện tử của các bộ, ngành địa phương để tạo chuyển biến căn bản trong việc nâng cao chất lượng cung cấp và giám sát thực hiện dịch vụ hành chính công cho công dân, doanh nghiệp.
Mục tiêu quan trọng nhất là phải tạo chuyển biến tích cực trong mối quan hệ giữa Nhà nước với nhân dân thông qua việc thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông và các dịch vụ công trực tuyến; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Xử lý dứt điểm và công khai kết quả xử lý các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính...
Về nguồn lực, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Thế giới và các cơ quan có liên quan của Việt Nam tìm kiếm nguồn lực phù hợp, đặc biệt là hỗ trợ kỹ thuật trong xây dựng lộ trình Chính phủ điện tử, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét sớm. Thủ tướng cũng đề nghị các tập đoàn công nghệ lớn như: VNPT, Viettel và FPT cử một số chuyên gia giỏi, nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này để hỗ trợ Văn phòng Chính phủ triển khai xây dựng CPĐT.
Đây là động thái được các chuyên gia đánh giá cao. Bởi ngoài quyết tâm của Chính phủ và những lãnh đạo đứng đầu các cấp, bộ ngành, thì vai trò, sự vào cuộc của các công ty công nghệ nêu trên là hết sức quan trọng. Đây là những doanh nghiệp có hạ tầng, có nhân lực, kinh nghiệm và có những giải pháp CNTT phù hợp. Trong những năm qua, VNPT, Viettel, FPT… đã cung cấp hàng loạt dịch vụ CNTT cho bất cứ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Từ lĩnh vực giáo dục, y tế, đến thuế, hải quan, rồi quản trị doanh nghiệp, văn bản, chữ ký điện tử, máy chủ, đường truyền… Chắc chắn một điều rằng, các dịch vụ do những doanh nghiệp này cung cấp, phát triển sẽ tốt hơn nhiều do với việc các các dịch vụ tương tự mà các bộ, ngành, tổ chức tự làm.
Cùng với sự quyết tâm của Chính phủ, đã đến lúc, các bộ, ngành, địa phương phải sớm thay đổi “tư tưởng” về việc ứng dụng CNTT, lập cơ sở dữ liệu và chia sẻ dữ liệu dùng chung, phát triển và ứng dụng CPĐT trong mọi hoạt động. Không cần phải chi hàng chục thậm chí hàng ngàn tỷ đồng để làm cơ sở dữ liệu, xây dựng và vận hành hệ thống CNTT, mà nên thuê doanh nghiệp đủ năng lực làm. Có như vậy mới bớt lãng phí, quan trọng hơn là việc ứng dụng CNTT sẽ được đẩy nhanh, đồng bộ và hiện đại. Để thủ tục hành chính cải cách triệt để, CPĐT được vận hành ở các cấp, mọi người dân và doanh nghiệp được phục vụ tốt hơn.