Phục vụ người cao tuổi : Lĩnh vực đầy tiềm năng

Phục vụ người cao tuổi : Lĩnh vực đầy tiềm năng

Số người cao tuổi tăng nhanh khiến Nhật Bản đang trở thành một “phòng thí nghiệm” lớn nhất thế giới về phục vụ cuộc sống người cao tuổi. Các chuyên gia dự báo, mức tiêu thụ nhiều mặt hàng thông dụng sẽ giảm dần, nhường chỗ cho lĩnh vực phục vụ người cao tuổi.

  • Từ công nghệ cao...
Phục vụ người cao tuổi : Lĩnh vực đầy tiềm năng ảnh 1
Bồn tắm tự động dành cho người cao tuổi

Công nghệ cao đã được ứng dụng cho nhiều căn hộ dành cho người cao tuổi, có những màn hình cảm ứng di động để truyền tin tức, thông báo thực đơn trong ngày, thông tin về hoạt động ở phòng sinh hoạt tập thể... Ngược lại, người cao tuổi dùng chính những màn hình cảm ứng này để liên lạc với bộ phận quản lý hay để tham vấn các vấn đề sức khỏe. Cửa ra vào, đèn chiếu sáng đều đóng mở tự động... Ở nhiều nơi như viện điều dưỡng người hưu trí Aizen-en, ngoại ô Tây Tokyo, các ghế ngồi có gắn thiết bị ghi nhận hoạt động của người cao tuổi, thu thập thông tin về thói quen hàng ngày của họ để có cách phục vụ thích hợp.

Các “trợ lý điện tử” (người máy) sẽ “đổ bộ” vào cuộc sống thường nhật của người cao tuổi. Giáo sư Hitoshi Watanabe, Trường Đại học Wadesa, đang nghiên cứu một dạng người máy biết di chuyển nhờ thiết bị điều khiển gắn trong các đồ vật, trên tường hay trên sàn, có thể đi tới tận cầu thang máy để nhận những món hàng được giao đến... Tại hơn một chục phòng thí nghiệm của Nhật đang thử nghiệm nhiều dạng người máy phục vụ người cao tuổi và khoảng một thập niên nữa sẽ đi vào cuộc sống thực tế.

  • ...đến những điều bình thường

Những điều bình thường có ảnh hưởng tới cuộc sống người cao tuổi đều được chú trọng. Cách thiết kế, bài trí nhà cửa, siêu thị... cũng thay đổi. Như chuỗi siêu thị nhỏ Lawson đã lập những cửa hàng đặc biệt, có lối đi rộng hơn, xe đẩy hàng nhẹ hơn, các kệ hàng thấp hơn, nhãn ghi giá lớn hơn, các sản phẩm người cao tuổi ưa thích được bày bán nhiều hơn... Trong cửa hàng còn có những ghế bành điện tử “dễ chịu” để ngồi nghỉ. Nhân viên bán hàng đều độ tuổi 50, do họ hiểu rõ tâm lý người già hơn.

“Đánh thức” những cảm giác và chức năng bị “ru ngủ” trong cơ thể người cao tuổi là một hướng khác. Kiến trúc sư Shusaku Arakawa, 69 tuổi, đã thiết kế những căn hộ có phần “cắc cớ” để buộc người cao tuổi phải hoạt động nhiều hơn. Chẳng hạn, nhà bếp được đặt ở trung tâm căn hộ, điều hiếm thấy trong một ngôi nhà Nhật Bản, với 4 gian phòng bao quanh. Vào phòng tắm, chủ nhân phải “leo” lên bồn rửa cao hơn bình thường. Sàn phòng khách không bằng phẳng, cả các công tắc đèn cũng cao thấp khác nhau... Bởi theo ông Arakawa, “trong tự nhiên không có không gian nào bằng phẳng cả”. Ý tưởng của ông thu hút sự chú ý của nhiều bác sĩ, cho rằng sẽ giúp điều trị chứng nhầm lẫn hay hỗ trợ tập vật lý trị liệu....

NHỊ BÌNH (theo Le Monde)

Dân số Nhật Bản đang giảm dần và già đi. Hiện nay Nhật Bản có 127 triệu người. Cứ 5 người Nhật, có một người trên 65 tuổi. Tuổi thọ trung bình của người Nhật hiện là 82, cao nhất thế giới. Năm 2027, tuổi trung bình của dân Nhật sẽ là 50, so với 41 tuổi hồi năm 2000 và 30 tuổi năm 1965. Tới năm 2055, dân số Nhật Bản sẽ giảm 30%, còn khoảng 90 triệu.

Tin cùng chuyên mục