Phung phí và lệ thuộc

Một số thông tin cho biết, gần như chắc chắn khán giả Việt Nam sẽ được xem World Cup 2014 sau khi Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đàm phán với đơn vị giữ bản quyền MP & Silva để mua với mức giá 5 - 7 triệu USD. Đại diện của VTV chưa xác nhận thông tin này, chỉ khẳng định sẽ mua nhưng với giá thấp hơn mức 10 triệu USD mà MP & Silva chào bán lúc đầu.

Nhưng dù giá nào đi nữa, thì vẫn sẽ là một số tiền không hề nhỏ được trả cho đối tác nước ngoài, tiếp tục đà tăng chóng mặt về tiền bản quyền truyền hình (BQTH) vốn gây nhiều bức xúc trong dư luận. Vì sao các nhà đài tại Việt Nam cứ phải “chạy” theo giá BQTH dù gần chục năm qua đã nhận không ít trái đắng? Từ chi phí 2 triệu USD cho World Cup 2006, đến gần 3 triệu USD ở World Cup 2010 và đến kỳ World Cup 2014 có khả năng sẽ tăng gấp 3 lần nếu chấp nhận mức giá mà họ đưa ra!

Sòng phẳng mà nói, việc “chạy” theo độc quyền đã khiến các đài truyền hình ở Việt Nam trở thành “miếng mồi ngon” của các công ty kinh doanh bản quyền nước ngoài. Chính MP & Silva là công ty đã đẩy giá BQTH giải ngoại hạng Anh từ khoảng 4 triệu USD các năm 2008 - 2010 lên con số gần 20 triệu USD bán cho kênh truyền hình K+ vào năm 2010 để vừa rồi, chính K+ phải mua gói 3 năm (2013 - 2016) với giá hơn 40 triệu USD. Tức là chỉ chưa đầy 10 năm, giá BQTH bóng đá tại Việt Nam đã tăng với tốc độ hơn 10 lần và hoàn toàn không có dấu hiệu dừng lại trong tương lai.

Dường như đã “nắm thóp” được các nhà đài nên MP & Silva tự tin đến mức dám mua BQTH từ FIFA với giá 7 triệu USD để chào bán tại Việt Nam đến 10 triệu USD. Thực tế là MP & Silva có lý do để làm như vậy khi các nhà đài tại Việt Nam chưa từng có tiền lệ từ chối hoặc tẩy chay các sản phẩm tương tự, do quá trình cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường truyền hình nhiều năm qua.

Thử đặt trường hợp, nếu VTV kiên quyết không mua BQTH World Cup 2014 thì sao? Chắc chắn MP & Silva vẫn sẽ bán được cho một hoặc nhiều đài cùng lúc, dù ở mức giá thấp hơn. Nói cách khác, kiểu gì thì họ cũng bán được và không ai khác, chính nhà đài tại Việt Nam cho phép họ làm điều đó với nhiều hình thức khác nhau. Sẽ không có chuyện MP & Silva hay công ty nào đó mạo hiểm thầu BQTH World Cup nếu ngay từ đầu các nhà đài tại Việt Nam kiên quyết nói “không”.

Hiện đang có 1 - 2 đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền đã cử người đi đàm phán BQTH của giải ngoại hạng Anh kể từ năm 2016 và nhăm nhe mua trọn BQTH các giải Euro, World Cup trong tương lai. Chính chúng ta đã phô bày nhu cầu cần BQTH thì hà cớ gì những “con cá mập” trên thị trường quốc tế lại để chúng ta thoát?!

Có thể thấy, với mức giá 5 - 7 triệu USD mà VTV bỏ ra để mua BQTH World Cup 2014 thì tính trung bình, mỗi trận đấu được phát trên tivi có giá gần 3 tỷ đồng. Để bù lại số tiền đó, VTV cần đến hơn 100 spot quảng cáo, mới đủ để cân đối. Vậy nếu không bán được quảng cáo thì sao? Phần tiền bỏ ra để mua BQTH World Cup 2014 đến từ đâu nếu không từ doanh thu chung của VTV?

Tại sao lại cứ phải chạy theo BQTH bằng mọi cách? Tại sao các nhà đài ở Việt Nam không thể ngồi lại với nhau để thống nhất trước những đề nghị “trên trời” của công ty nước ngoài? Các “cột mốc” về giá BQTH luôn bị phá vỡ, buộc các nhà đài phải triệt để khai thác doanh thu bù lỗ nên không còn ngân sách để tăng chất lượng dịch vụ theo tỷ lệ thuận.

Đã đến lúc, việc mua BQTH cần có sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước để tránh tình trạng lệ thuộc hoàn toàn vào những công ty kinh doanh bản quyền quốc tế.

VIỆT QUANG

Tin cùng chuyên mục