
Bs Trần Chí Cường (chuyên khoa I, ngoại thần kinh Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cho biết: từ năm 2004 đến nay, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM đã điều trị thành công cả 53 trường hợp bị rò động mạch cảnh- xoang hang bằng phương pháp can thiệp trong lòng mạch.
Sự chọn lựa đầu tiên
Theo BS Trần Chí Cường, trước đây đối với những trường hợp bệnh nhân bị rò động mạch cảnh (ĐMC)-xoang hang, người ta thường áp dụng một trong các phương pháp cổ điển như: phương pháp cột ĐMC ở cổ, phương pháp mổ trực tiếp xoang hang để vá lỗ rách của ĐMC, hoặc gây tắc ĐMC, hoặc phương pháp cột thả cơ.

Phương pháp mổ trực tiếp xoang hang tuy xử lý được lỗ rách nhưng lại là phương pháp mổ hở, nên rất nguy hiểm, gây nhiều biến chứng, tỷ lệ tử vong rất cao. Các phương pháp còn lại thì hiệu quả điều trị cũng không cao, thiếu độ an toàn, dễ xâm hại tới các cơ quan khác như thực quản, khí quản, dây thần kinh, thường dẫn tới nguy cơ liệt nửa người do tuần hoàn đối bên thông qua đa giác Willis không bù được. Thậm chí có thể dẫn tới tử vong cho người bệnh. Đồng thời, do không xử lý triệt để được lỗ rách nên triệu chứng vẫn còn, hoặc biểu hiện nặng hơn như máu tiếp tục chảy, xuất huyết từ tai, mũi, họng…
Ngày nay, với sự tiến bộ của y học và được sự hỗ trợ của phương tiện, máy móc hiện đại người ta đã tìm ra phương pháp chẩn đoán và điều trị rò ĐMC- xoang hang bằng phương pháp can thiệp trong lòng mạch. Đó là dùng bong bóng hoặc Coil để bít lỗ rò. Đây là một kỹ thuật tiên tiến được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Các ưu điểm của phương pháp này là điều trị rất hiệu quả căn cơ bệnh, ít xâm lấn, ít biến chứng và an toàn hơn những phương pháp trước đây rất nhiều.
Tùy theo kích cỡ, vị trí lỗ rách các bác sĩ sẽ sử dụng số lượng bong bóng hoặc Coil cho phù hợp. Đối với trường hợp lỗ rách xảy ra tại ĐMC chính có kích thước lớn (trên1mm) thì áp dụng phương pháp đặt bóng. Còn trong trường hợp lỗ rách quá nhỏ dưới 1mm, nằm ở các nhánh ĐMC do không thể đưa bong bóng vào được thì sử dụng Coil. Đặt bóng hay đặt Coil giống nhau về phương pháp và hiệu quả, nhưng khác nhau về chất liệu.
Bác sĩ đưa một quả bóng nhỏ, trong trạng thái xẹp (hoặc Coil) qua đường động mạch đùi đến lỗ rách của ĐMC, sau đó bơm chất cản quang vào để bóng căng lên bít kín lỗ rách. Do đó, thủ thuật này rất dễ thực hiện, tránh gây tổn thương đến các cơ quan khác. Đồng thời rút ngắn thời gian điều trị, bệnh nhân có thể xuất viện sau 3 -5 ngày.
Lập kỷ lục dùng 7 bong bóng bít lỗ rò
BS Trần Chí Cường cho biết sau gần 2 năm áp dụng phương pháp can thiệp trong lòng mạch, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM đã điều trị khỏi cho 53 trường hợp bị rò ĐMC xoang hang. Trong đó có những trường hợp đã bị biến chứng do trước đó đã điều trị theo phương pháp cổ điển nhưng không khỏi.
Hoặc có những trường hợp nguy kịch như: bệnh nhân Nguyễn Tấn P. (26 tuổi, ở Phú Yên), bị rò động mạch cảnh xoang hang lỗ rách hơn 2mm, mắt đỏ, sưng và lồi, ù tai, máu chảy ra tai mũi…, các bác sĩ dùng tới 7 bong bóng để bít lỗ rách. Kết quả đem lại thành công tốt đẹp. Các triệu chứng mắt đỏ, sưng và lồi, ù tai nhức đầu được cải thiện rõ ngay sau khi thực hiện xong thủ thuật và giảm dần theo thời gian. Bệnh nhân phục hồi nhanh chóng và xuất viện sau 3 ngày.
Đến nay, bệnh nhân đã bình phục hoàn toàn. Hay như trường hợp của bệnh nhân Hứa Long H. (28 tuổi ở TPHCM), bị rách ĐMC trong đoạn xoang hang phía bên trái sau một tai nạn giao thông. Ban đầu sử dụng phương pháp cổ điển cột ĐMC ở cổ nhưng không hiệu quả tình trạng xuất huyết ở lỗ rách ĐMC xoang hang ngày càng nặng, chỉ trong vòng 2 tháng bệnh nhân này đã phải chuyền hơn 40 đơn vị máu (trên 10 lít).
Sau khi được chuyển tới Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, bệnh nhân đã được các bác sĩ áp dụng phương pháp can thiệp trong lòng mạch. Kết quả cũng rất khả quan. PGS Siritara PongPech (đại học Mahidol Băngkok Thái Lan) đã ngạc nhiên khi hay tin Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM đã thực hiện thành công việc dùng 7 bong bóng bịt lỗ rò ĐMC xoang hang cho bệnh nhân. Theo bà đây là một trường hợp hiếm có, vì thông thường người ta chỉ bịt lỗ rò ĐMC từ 1-3 bong bóng.
Động mạch cảnh (ĐMC) đi từ cung động mạch chủ ở ngực qua cổ, lên sọ, là một trong hai nhóm mạch máu chính đưa máu lên nuôi não. Trên đường lên não, ĐMC băng ngang một cấu trúc tĩnh mạch não là xoang hang. Bình thường ĐMC và xoang hang tách biệt nhau nhưng trong trường hợp bị chấn thương đầu (do tai nạn giao thông, té ngã, chơi thể thao…) hoặc do túi phình mạch máu trong xoang hang tự vỡ, thì máu sẽ từ động mạch cảnh chảy vào xoang hang và theo tĩnh mạch vào các cơ quan khác như: mắt, tai, mũi… |
TIẾN ĐẠT