
Trĩ là căn bệnh khá phổ biến, gây ra nhiều phiền toái cho con người. Dù chưa đi đến thống nhất một phương pháp điều trị chung, nhưng khoảng 13 năm trở lại đây, giới y học cũng đã tìm ra nhiều cách điều trị khá căn cơ về bệnh trĩ.
Theo bác sĩ Dương Phước Hưng, chuyên khoa Hậu môn bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, những phương pháp mới trong điều trị bệnh trĩ thời gian gần đây đã khắc phục được nhiều mặt hạn chế của những phương pháp cổ điển. Như thời gian điều trị rất nhanh, không gây đau đớn cho người bệnh, làm giảm đến mức tối thiểu những biến chứng (như: hẹp hậu môn, són phân, đi cầu không kiểm soát…), đồng thời các phương pháp này đều bảo tồn được đệm hậu môn và giảm nguy cơ tái phát.

Phẩu thuật tạo hậu môn giả.
Do đó, hiện nay các phương pháp này đã được áp dụng khá phổ biến trên thế giới nhất là tại các nước có nền y học phát triển như Mỹ, Pháp, Nhật…
Từ quan niệm mới, bệnh trĩ là khối phình mạch máu trong ống hậu môn và đám tĩnh mạch trĩ là trạng thái sinh lý bình thường, tạo nên lớp đệm ở ống hậu môn giúp con người kiểm soát, điều tiết, tự chủ khi đại tiện. Giới y học chuyên khoa về hậu môn ngày nay đã đưa ra 3 phương pháp điều trị mới vừa nhằm bảo tồn lớp đệm hậu môn vừa làm giảm thể tích búi trĩ như sau:
1. phương pháp không xâm hại: Ăn chất xơ; uống thuốc tăng cường thành tĩnh mạch; phương pháp thuốc tọa dược và kem bôi tại chỗ; dùng thuốc chống táo bón.
2. phương pháp dùng dụng cụ: chích xơ, thắt trĩ bằng vòng cao su và quang đông hồng ngoại. Dựa trên nguyên tắc: tạo ra các sẹo xơ để cố định trĩ và làm hẹp mạch máu, khiến lượng máu chảy xuống búi trĩ bị giảm sút, sẽ làm giảm diện tích búi trĩ. Tuy phương pháp cho hiệu quả tốt nhưng cũng có nhựơc điểm là đắt tiền và có những biến chứng như viêm tấy vùng hậu môn, chảy máu bí tiểu, nhiễm trùng.
3. phương pháp phẫu thuật: Bên cạnh những phương pháp phẫu thuật cổ điển (phẫu thuật nhóm A) như phẫu thuật cắt khoan niêm mạc (PT Whitehead; Toupet) và phẫu thuật cắt từng búi trĩ (gồm PT mở và PT kín), năm 1993 người ta tìm ra phương pháp phẫu thuật Logo, đây là phương pháp phẫu thuật dựa trên nguyên tắc giảm lưu lượng máu đến búi trĩ rồi treo đệm hậu môn vào ống hậu môn.
Năm 2001, người ta lại cải biên từ phương pháp Logo thành phương pháp phẫu thuật khâu treo trĩ bằng tay. Một phương pháp được đánh giá cao là phương pháp khâu cột động mạch trĩ dưới hướng dẫn siêu âm Doppler (1995) phương pháp này dựa trên nguyên tắc dùng đầu dò siêu âm Doppler để tìm các động mạch trĩ và khâu thắt các động mạch này lại ngăn cản máu chảy xuống búi trĩ làm giảm thể tích búi trĩ. Đây là những phương pháp tốn kém, chi phí phẫu thuật cao nhưng hiệu quả có ưu điểm thời gian điều trị ngắn, ít đau.
Theo bác sĩ Dương Phước Hưng, trước đây người ta chỉ phân chia trĩ ra làm 4 dạng bệnh trĩ là trĩ nội, trĩ ngoại, trĩ hỗn hợp và trĩ sa nghẹt; không hề phân trĩ theo cấp độ. Hiện nay nhờ sự hỗ trợ của máy móc và phương tiên hiện đại BV Đại học Y dược TPHCM đã chia bệnh trĩ nội ra 4 cấp độ khác nhau để từ đó có cách chữa trị cho phù hợp.
Đối với những trường hợp trĩ độ 1 hoặc 2 thì có thể dùng phương pháp điều trị không xâm hại hoặc dùng dụng cụ, nếu sau khi áp dụng hai phương pháp đầu không hiệu quả hoặc trĩ độ 3 và 4 thì mới phẫu thuật. Còn trước đây thì đều chữa theo kiểu “cá mè một lứa”. Bởi vì theo quan điểm của giới y học thì dù sao đi nữa phương án phẫu thuật vẫn được xem là sự can thiệâp thô bạo và nên hạn chế, như vậy sẽ an toàn và tránh cho bệnh nhân khỏi tốn kém mà hiệu quả chữa trị lại cao.
Bác sĩ Dương Phước Hưng cũng cho biết thêm: phương pháp điều trị không xâm hại và phương pháp dùng dụng cụ nên là sự lựa chọn trước tiên của cả bác sĩ lẫn bệnh nhân. Theo số liệu thống kê của bác sĩ Jean Denis (pháp) và Stanley. M. Golberg (Mỹ) - là những bác sĩ chuyên khoa Hậu môn đầu ngành - thì phương pháp không xâm hại và dùng dụng cụ ở hai nước Pháp và Mỹ đều chiếm tỷ lệ trên 45%, còn phương pháp điều trị bằng phẫu thuật thì chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ chưa đến 10%.
Tuy chưa có thống nhất được một phương pháp hoàn hảo, nhưng sự ra đời của nhiều phương pháp chữa bệnh trĩ không chỉ đánh dấu sự phát triển của y học mà còn giúp cho bệnh nhân được lựa chọn cách điều trị cho mình sao cho ít tốn tiền nhất, hiệu quả nhất, tiện ích nhất.
Tiến Đạt ghi